Thực trạng chống bán phá giá ở các nước phát triển

Một phần của tài liệu Pháp luật của các nước đang phát triển và Việt Nam về chống bán phá giá (Trang 38 - 39)

Kể từ thời điểm đầu năm 1995 cho đến cuối năm 2010, các nước phát triển đã tiến hành 1.360 cuộc điều tra chống bán phá giá chiếm 35,3% số cuộc điều tra chống bán phá giá trên thế giới giai đoạn này.

Trong số các nước phát triển, Mỹ và EU luôn đi đầu trong việc tiến hành các cuộc điều tra về chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, nhưng cũng không tránh khỏi là đối tượng bị điều tra chống phá giá. Mỹ đã tiến hành 443 cuộc điều tra chống bán phá giá và có 301 lần áp dụng thuế chống bán phá giá. Tuy nhiên, số vụ Mỹ bị các nước khác điều tra chống bán phá giá chỉ là 224 vụ, trong đó có chỉ 129 lần nước này bị áp dụng

thuế chống bán phá giá. Nhóm mặt hàng mà Mỹ áp dụng thuế chống bán phá giá nhiều nhất là nhóm kim loại cơ bản (chiếm 52,6% tổng số lần đánh thuế chống bán phá giá), hóa chất là đứng thứ hai nhưng chỉ chiếm 14,22% tổng số lần đánh thuế này. Như vậy có thể thấy Mỹ có chính sách bảo hộ sát sao ngành sản xuất nhóm sản phẩm kim loại cơ bản, đặc biệt là ngành sản xuất thép. Nhóm sản phẩm mà Mỹ bị các nước áp dụng thuế chống bán phá giá nhiều nhất là hóa chất, giày dép, máy móc thiết bị cơ khí, đồ điện nhưng số lần áp dụng không nhiều. Chẳng hạn hóa chất là nhóm sản phẩm mà Mỹ bị các nước áp dụng thuế chống bán phá giá nhiều nhất cũng chỉ là 90 lần trong cả giai đoạn 1995 - 2010. Các phân tích trên phần nào cho thấy các nước bán phá giá hàng hóa rất nhiều vào Mỹ còn Mỹ ít tiến hành bán phá giá sang các nước khác.

EU thì ít hơn Mỹ một chút, tiến hành 421 cuộc điều tra và có 271 lần áp dụng thuế chống bán phá giá. Các nhóm sản phẩm mà EU áp dụng thuế chống bán phá giá nhiều nhất bao gồm: Kim loại cơ bản (chiếm 34,2% số vụ áp dụng thuế này), hóa chất (18,76%), máy móc thiết bị cơ khí và đồ điện (13,54%). Các nhóm sản phẩm của EU bị các nước áp dụng thuế chống bán phá giá nhiều nhất bao gồm: hóa chất (52,38%), hàng hóa từ chất dẻo và cao su (19,05%).

Nhật Bản thì tương đối đặc biệt khi chỉ áp dụng thuế chống bán phá giá 6 lần (tất cả đều là đối với nhóm mặt hàng hóa chất và dệt may) nhưng lại 160 lần bị áp dụng thuế chống bán phá giá (trong đó nhóm sản phẩm của Nhật bị áp dụng loại thuế này nhiều nhất là hóa chất (chiếm tới 30% số vụ bị áp dụng loại thuế này) và kim loại cơ bản (28,13%).

Một phần của tài liệu Pháp luật của các nước đang phát triển và Việt Nam về chống bán phá giá (Trang 38 - 39)