3. Không phân loạ
3.2.1. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về chống bán phá giá của Việt Nam
3.2.1. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về chống bán phá giá của Việt Nam Việt Nam
Thứ nhất, hoàn thiện chế định pháp luật về chống bán phá giá
Hoàn thiện hệ thống pháp luật thương mại nói chung và pháp luật chống bán phá giá nói riêng là một nhu cầu tất yếu và khách quan của hội nhập kinh tế quốc tế đặc biệt trong bối cảnh hiện nay Việt Nam đã là thành viên chính thức của WTO.
Về vấn đề chống bán phá giá, chống trợ cấp của Việt Nam đối với hàng hóa nước ngoài nhập khẩu, các cam kết và nghĩa vụ liên quan của Việt Nam trong WTO tập trung trong các nhóm quy định sau:
- Nhóm 1: Cam kết gia nhập của Việt Nam về vấn đề liên quan: bao gồm các Đoạn 251, 252, 253, 254 và 255 Báo cáo của Ban Công tác về việc gia nhập WTO của Việt Nam;
- Nhóm 2: Hiệp định về chống bán phá giá của WTO; và
- Nhóm 3: Hiệp định về trợ cấp và biện pháp đối kháng của WTO. Theo đúng nguyên tắc áp dụng giữa các nhóm quy định trong WTO (chủ yếu là giữa các Hiệp định chung của tổ chức này với các cam kết gia nhập cụ thể), các quy định thuộc nhóm 1 được ưu tiên áp dụng so với các tiêu chí nhóm 2 và 3.
Trong cam kết nhóm 1 Việt Nam khẳng định sẽ không áp dụng các biện pháp tự vệ, chống bán phá giá và chống trợ cấp cho đến khi các văn bản (pháp luật về chống bán phá giá, chống trợ cấp) phù hợp với các điều khoản của các Hiệp định đã được công khai và đã có hiệu lực của WTO và cam kết "đảm bảo các văn bản (về chống bán phá giá và chống trợ cấp) phù hợp hoàn toàn với các quy định liên quan của WTO" (Đoạn 253 Báo cáo của Ban công tác). Nói cách khác cam kết nhóm 1 thực chất dẫn chiếu về các nghĩa vụ nhóm 2 và 3 [21, tr. 1-2].
Các quy định về chống bán phá giá của Việt Nam hiện hành đều tuân thủ đúng các quy định tại ADA. Vì vậy, về mặt nguyên tắc, Việt Nam không có bất kỳ nghĩa vụ nào trong việc điều chỉnh, sửa đổi các văn bản hiện hành về chống bán phá giá để tuân thủ cam kết WTO.
Tuy nhiên, do các chế định hiện tại khá sơ sài nên có thể sẽ có vấn đề nảy sinh trong quá trình thực thi trên thực tế (trong khuôn khổ một vụ việc cụ
thể) có thể dẫn tới việc vi phạm các nguyên tắc liên quan của WTO. Vấn đề đó có thể là:
- Thiếu các quy chuẩn cụ thể khiến các chủ thể (đặc biệt là cơ quan điều tra) có hành động tùy nghi và kết quả là gây ra tác động hoặc làm phương hại đến việc thực hiện các quy định có liên quan của WTO.
Ví dụ: Nếu không có quy định cụ thể về bảng câu hỏi, về quy trình phân tích đánh giá các yếu tố liên quan, việc điều tra có thể bị kéo dài và do đó vi phạm quy định về thời hạn của WTO.
- Thiếu các quy định cụ thể đảm bảo tính khả đoán và ổn định của quá trình điều tra có thể là một nguy cơ dẫn tới thiếu minh bạch, từ đó ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các chủ thể liên quan, và do đó vi phạm nguyên tắc liên quan của WTO. Ví dụ: Nếu không có quy định về cách thức tiếp cận thông tin thì quyền lợi của các bên liên quan sẽ bị ảnh hưởng (do tiếp cận thông tin chậm, không đầy đủ nên khó chuẩn bị lập luận và chứng cứ để tự bảo vệ mình chẳng hạn).
Vì vậy, để hoàn thiện hệ thống pháp luật về chống bán phá giá của Việt Nam cần thực hiện các công việc sau:
- Tiếp tục soạn thảo và thông qua các văn bản pháp lý để hướng dẫn chi tiết (cả về thủ tục và nội dung) việc thực hiện các hoạt động trong khuôn khổ các vụ điều tra và áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam. Việc soạn thảo cần đi theo hướng: Ghi nhận và nội luật hóa các quy định chi tiết có liên quan trong ADA;
- Nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan của các nước thành viên WTO và chuyển hóa một cách hợp lý vào điều kiện của Việt Nam.
- Xây dựng các Bảng câu hỏi điều tra mẫu, các Bản hướng dẫn về thủ tục hành chính cụ thể áp dụng cho cơ quan có thẩm quyền điều tra và các chủ thể liên quan.
Các Bảng câu hỏi hay Bản hướng dẫn như thế này có thể không ở dưới dạng một văn bản quy phạm pháp luật cụ thể mà chỉ là hướng dẫn thực tiễn nhưng sẽ có ý nghĩa với việc triển khai các vụ điều tra trên thực tế.
Trong quá trình ban hành các văn bản hướng dẫn, chúng ta cần tham khảo kinh nghiệm về luật pháp cũng như thực tiễn về chống bán phá giá của các nước trên thế giới, nhất là các nước có điều kiện, hoàn cảnh gần giống Việt Nam. Qua kinh nghiệm của một số nước đang phát triển như Ấn Độ, Braxin, Trung Quốc và nhiều nước ASEAN thấy rằng các nước này khi xây dựng hệ thống pháp luật và cách thức thực thi pháp luật về chống bán phá giá của mình, họ chỉ cần nêu ra những quy định chung còn những quy định cụ thể khác có thể tham chiếu tới một số quy định của WTO.
Thứ hai, tổ chức bộ máy thực thi pháp luật chống bán phá giá
Điều tra phá giá rất phức tạp và tốn kém nguồn lực. Các cán bộ tham gia điều tra bán phá giá cần có kiến thức sâu về kinh tế vi mô, kinh tế ngành, kế toán và ngoại ngữ. Đồng thời cần phải hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng tương tự trong nước trong quá trình điều tra.
Điều tra thiệt hại: xét về lợi ích của những ngành sử dụng hàng nhập khẩu hay người tiêu dùng thì hàng nhập khẩu bị bán phá giá làm tăng lợi ích của họ. Như vậy chỉ nên áp dụng hình thức chống bán phá giá khi hàng nhập khẩu đó gây thiệt hại nghiêm trọng đối với các nhà sản xuất nội địa.
Tuy nhiên, việc đánh giá thiệt hại vừa khó về mặt kỹ thuật lại vừa phức tạp về mặt xã hội. Điều này có thể dẫn đến việc các nhà sản xuất sẽ tìm mọi cách vận động để cơ quan điều tra thiệt hại thổi phồng về thiệt hại do hàng nhập khẩu bán phá giá gây ra cho họ. Trong thực tế ở Việt Nam nạn tham nhũng còn khá phổ biến thì việc điều tra thiệt hại lại càng phức tạp.
Nếu tách cơ quan điều tra thiệt hại độc lập với cơ quan điều tra bán phá giá thì sẽ đảm bảo khách quan hơn nhưng bộ máy tổ chức lại cồng kềnh. Như vậy Việt Nam nên tiếp cận theo hường chỉ có một cơ quan chung, đồng
thời cần có những quy định chặt chẽ và tuyển chọn cán bộ có đạo đức tốt để đảm nhận công việc điều tra thiệt hại.
Cơ quan thực thi: Việt Nam nên học tập kinh nghiệm của Thái Lan liên quan đến cơ quan thực thi Pháp lệnh về thuế chống bán phá giá. Cơ quan này có thể là một ủy ban do Bộ trưởng Bộ Công thương đứng đầu, các thành viên là các thứ trưởng Bộ Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông vận tải và một số chuyên gia về luật thương mại quốc tế, kế toán, kinh tế.