Các quy định về quá trình điều tra

Một phần của tài liệu Pháp luật của các nước đang phát triển và Việt Nam về chống bán phá giá (Trang 75)

3. Không phân loạ

3.1.1.3.Các quy định về quá trình điều tra

Thứ nhất, ra quyết định điều tra để áp dụng biện pháp chống bán phá giá. Trường hợp căn cứ để tiến hành điều tra là dựa trên hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá của tổ chức, cá nhân đại diện cho ngành sản xuất trong nước thì theo Điều 10 Pháp lệnh, trong thời hạn 15 ngày kể từ

ngày nhận được hồ sơ, nếu xét thấy hồ sơ yêu cầu chưa đầy đủ nội dung theo quy định thì cơ quan điều tra phải thông báo cho tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ để bổ sung.

Theo quy định, cơ quan có thẩm quyền ra quyết định điều tra là Bộ trưởng Bộ thương mại. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ có đầy đủ nội dung thì Bộ trưởng Bộ thương mại ra quyết định điều tra, trường hợp đặc biệt thời hạn ra quyết định điều tra có thể được gia hạn nhưng không được 30 ngày.

Thứ hai, nội dung điều tra để áp dụng biện pháp chống bán phá giá. Điều 12 Pháp lệnh quy định nội dung điều tra để áp dụng biện pháp chống bán phá giá bao gồm:

1. Xác định hàng hóa bán phá giá vào Việt Nam và biên độ bán phá giá.

2. Xác định thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước trên cơ sở xem xét các nội dung sau:

a) Khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hóa bán phá giá vào Việt Nam so với khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hóa tương tự được sản xuất hoặc tiêu thụ trong nước đã, đang hoặc sẽ tăng lên đáng kể một cách tuyệt đối hoặc tương đối;

b) Tác động về giá của hàng hóa bị yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá đến việc phải hạ giá hoặc kìm hãm khả năng tăng giá hợp lý của hàng hóa tương tự trong nước;

c) Tác động xấu đến ngành sản xuất trong nước hoặc đến sự hình thành ngành sản xuất trong nước.

3. Quan hệ giữa việc bán phá giá hàng hóa vào Việt Nam với thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước [24].

Việc tiến hành điều tra ba nội dung trên có ý nghĩa rất quan trọng và là khâu quyết định để áp dụng các biện pháp chống bán phá giá.

Thứ ba, thời hạn điều tra để áp dụng biện pháp chống bán phá giá

Khoản 1 Điều 16 Pháp lệnh quy định thời hạn điều tra để áp dụng biện pháp chống bán phá giá là không quá 12 tháng, kể từ ngày có quyết định điều tra. Thời hạn 12 tháng là đủ để cơ quan điều tra có thể xem xét các vấn đề thuộc về nội dung điều tra. Việc quy định thời hạn như trên là phù hợp với các quy định của ADA. Tuy nhiên cần nhắc đến khả năng thực tế của Việt Nam là một nước mới tham gia thương mại quốc tế, chưa có nhiều kinh nghiệm về vấn đề này thì trong nhiều trường hợp cần một thời hạn điều tra dài hơn. Cho nên khoản 2 Điều 16 quy định trong trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Thương mại có thể quyết định gia hạn điều tra nhưng không quá sáu tháng. Như vậy, thời hạn điều tra trong trường hợp đặc biệt có thể lên đến mười tám tháng kể từ ngày có quyết định điều tra. Việc các nước thành viên WTO quy định cho mình một thời hạn điều tra khác với quy định của WTO là có thể xảy ra, miễn nước đó cho là phù hợp với điều kiện của mình, bất kể thời hạn đó dài hơn hay ngắn hơn quy định của WTO.

Thứ tư, các kết luận trong quá trình điều tra.

Trong quá trình điều tra vụ việc chống bán phá giá, cơ quan điều tra phải đưa ra các kết luận, làm cơ sở cho Bộ trưởng Bộ thương mại ra các quyết định cần thiết như quyết định chấm dứt điều tra hay quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá.

Một phần của tài liệu Pháp luật của các nước đang phát triển và Việt Nam về chống bán phá giá (Trang 75)