3. Không phân loạ
3.1.1.2. Điều kiện áp dụng các biện pháp chống bán phá giá
Pháp lệnh quy định việc áp dụng các biện pháp chống bán phá giá tại Điều 6 như sau:
Biện pháp chống bán phá giá chỉ được áp dụng đối với hàng hóa bán phá giá vào Việt Nam khi có hai điều kiện sau đây:
- Hàng hóa bị bán phá giá vào Việt Nam và biên độ bán phá giá phải được xác định cụ thể;
- Việc bán phá giá hàng hóa quy định tại khoản 1 Điều này là nguyên nhân gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.
Điều kiện thứ nhất, hàng hóa bị bán phá giá vào Việt Nam và biên độ bán phá giá được xác định cụ thể đã được phân tích ở trên.
Điều kiện thứ hai: theo khoản 7 và 8 Điều 2 Pháp lệnh thì thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước được hiểu là: là tình trạng suy giảm đáng kể hoặc kìm hãm tăng trưởng về sản lượng, mức giá, mức tiêu thụ hàng hóa, lợi nhuận, tốc độ phát triển sản xuất, việc làm của người lao động, đầu tư và các chỉ tiêu khác của ngành sản xuất trong nước hoặc là tình trạng dẫn đến khó khăn cho việc hình thành một ngành sản xuất trong nước.
Nếu so sánh với các điều kiện áp dụng biện pháp chóng bán phá giá của ADA thấy rằng ADA đưa ra ba điều kiện như sau: hàng hóa nhập khẩu bị bán phá giá; ngành sản xuất sản phẩm tương tự của nước nhập khẩu bị thiệt hại đáng kể; có mối quan hệ nhân quả giữa việc hàng hóa nhập khẩu bán phá giá và thiệt hại.
Như vậy, Pháp lệnh không tách có mối quan hệ nhân quả giữa việc hàng hóa nhập khẩu bán phá giá và thiệt hại là một điều kiện áp dụng biện pháp chống bán phá giá mà thực chất điều kiện có mối quan hệ nhân quả này đã nằm trong điều kiện thứ hai là việc bán phá giá đã được xác định ở điều kiện thứ nhất là nguyên nhân gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.
Nguyên nhân ở đây chính là mối quan hệ nhân quả giữa hành động bán phá giá với thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.