Nội dung và đặc điểm

Một phần của tài liệu Quyền đối vật trong Luật tư La Mã và ảnh hưởng đối với pháp luật Việt Nam hiện hành (Trang 64)

Nhìn chung các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự không tồn tại độc lập mà luôn phụ thuộc và gắn liền với một hoặc nhiều nghĩa vụ chính. Các biện pháp bảo đảm đều có mục đích nâng cao trách nhiệm của các bên trong quan hệ nghĩa vụ dân sự. Phạm vi bảo đảm của các biện pháp bảo đảm không vượt quá phạm vi nghĩa vụ đã được xác định trong nội dung của quan hệ nghĩa vụ chính. Điều 319 Bộ luật Dân sự 2009 quy định:

Nghĩa vụ dân sự có thể được bảo đảm một phần hoặc toàn bộ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật; nếu không có thỏa thuận và pháp luật không quy định phạm vi bảo đảm thì nghĩa vụ coi như được bảo đảm toàn bộ, kể cả nghĩa vụ trả lãi và bồi thường thiệt hại.

Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ chỉ được áp dụng khi có sự vi phạm nghĩa vụ. Nếu đến thời hạn mà bên có nghĩa vụ đã thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ của mình thì biện pháp bảo đảm nghĩa vụ đó cũng được coi là chấm dứt. Về nguyên tắc, các giao dịch dân sự được xác lập và thực hiện trên cơ sở tự do giao dịch, thỏa thuận, do đó các biện pháp bảo đảm kèm theo cũng được xác lập trên cơ sở thỏa thuận của các bên. Điều 318 Bộ luật Dân sự 2005 quy định các biện pháp bảo đảm nghĩa vụ dân sự bao gồm: Cầm cố tài sản; Thế chấp tài sản; Đặt cọc; Ký cược; Ký quỹ; Bảo lãnh; Tín chấp.

- Cầm cố tài sản:

Đối tượng của cầm cố tài sản là những tài sản mà bên có nghĩa vụ dùng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ dân sự. Tài sản đó phải thuộc sở hữu của bên cầm cố (bên có nghĩa vụ), khi bên có nghĩa vụ giao tài sản cầm cố cho bên có quyền, từ thời điểm đó họ bị hạn chế một số quyền năng đối với tài sản của mình. Bên nhận cầm cố chiếm hữu tài sản đó, đồng thời có quyền định đoạt tài sản cầm cố khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên cầm cố khong thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ (nếu có thỏa thuận). Vì vậy, tài sản là đối tượng của cầm cố phải thuộc sở hữu của người cầm cố, nếu tài sản thuộc sở hữu chung của nhiều người thì việc cầm cố tài sản đó phải được sự đồng ý của tất cả các đồng chủ sở hữu.

Bên nhận cầm cố sẽ là người chiếm hữu tài sản trong một khoảng thời gian nhất định, theo quy định của pháp luật dân sự, bên nhận cầm cố có nghĩa vụ phải bảo quản, giữ gìn tài sản cầm cố, nếu bên nhận cầm cố làm mất hoặc làm hư hỏng tài sản cầm cố thì họ phải bồi thường thiệt hại cho bên cầm cố tài sản. Bên nhận cầm cố không được bán, trao đổi, tặng, cho, cho thuê, cho mượn tài sản cầm cố;

không được đem tài sản cầm cố để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ khác. Tuy người nhận cầm cố là người chiếm hữu tài sản, nhưng họ không phải là người sở hữu tài sản, do đó nếu họ thực hiện các hành vi trên là bất hợp pháp trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc thực hiện việc xử lý tài sản theo thỏa thuận của các bên. Bên nhận cầm cố không được khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố, nếu không được bên cầm cố đồng ý và phải trả lại tài sản cầm cố khi nghĩa vụ được bảo đảm chấm dứt hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác. Người nhận cầm cố cũng có một số quyền hạn nhất định đối với tài sản cầm trong quá trình chiếm hữu tài sản đó. Cụ thể: người cầm cố có quyền yêu cầu người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật tài sản cầm cố hoàn trả tài sản đó; yêu cầu xử lý tài sản cầm cố theo phương thức đã thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật để thực hiện nghĩa vụ; được khai thác công dụng tài sản cầm cố và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố nếu có thỏa thuận; được thanh toán chi phí hợp lý bảo quản tài sản cầm cố khi trả lại tài sản cầm cố cho bên cầm cố. Như vậy có thể thấy, người nhận cầm cố tài sản là người chiếm hữu tài sản hợp pháp trong thời gian biện pháp bảo đảm này có hiệu lực. Người nhận cầm cố có thể thực hiện quyền năng của người chiếm hữu tài sản hợp pháp và chỉ có quyền sử dụng tài sản nếu có thỏa thuận trước với người cầm cố. Tuy nhiên, đến thời hạn phải thực hiện nghĩa vụ mà bên cầm cố tài sản không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên nhận cầm cố có quyền xử lý tài sản cầm cố theo phương thức mà các bên đã thỏa thuận trước (ví dụ: bên nhận cầm cố có thể trực tiếp bán tài sản cầm cố) hoặc đem bán đấu giá theo quy định của pháp luật.

Hình thức này gần giống với hình thức bán đợ (Fiducia cum creditore) và cầm cố trao tay (Pignus) của pháp luật La Mã xét về phương diện cầm giữ tài sản là đối tượng của cầm cố, tuy nhiên quyền sở hữu tài sản theo pháp luật Việt Nam vẫn thuộc về bên cầm cố và bên nhận cầm cố được bảo hộ với tư cách là người chiếm hữu tài sản hợp pháp. Đây là một vấn đề quan trọng vì theo đó, trong thời gian cầm giữ vật, bên nhận cầm cố không có quyền định đoạt tài sản trong khi đó theo Luật La Mã đối với hình thức Fiducia cum creditore chủ nợ có quyền định đoạt tài sản và

con nợ chỉ có thể yêu cầu chủ nợ bồi thường thiệt hại. Còn phương thức cầm cố trao tay (Pignus) của luật La Mã thì có nhược điểm lãng phí do trong thời gian cầm cố không ai được sử dụng tài sản cầm cố. Như vậy có thể thấy quy định về cầm cố theo pháp luật Việt Nam đã có những điểm tiến bộ hơn so với luật tư La Mã.

- Thế chấp tài sản: Đối tượng của thế chấp có thể là động sản, bất động sản hoặc tài sản được hình thành trong tương lai. Sự khác biệt lớn nhất giữa biện pháp cầm cố tài sản và thế chấp tài sản đó là việc tài sản bảo đảm do bên có nghĩa vụ hay bên có quyền nắm giữ, do đó cũng ảnh hưởng đến việc khai thác, sử dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản bảo đảm.

Bên thế chấp giữ tài sản và được khai thác công dụng của tài sản, được hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản thế chấp trừ trường hợp hoa lợi, lợi tức cũng thuộc tài sản thế chấp hoặc do việc khai thác công dụng mà tài sản thế chấp có nguy cơ bị mất hoặc bị giảm sút giá trị. Bên thế chấp không được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp trừ trường hợp đó là hàng hóa luận chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh hoặc được bên nhận thế chấp đồng ý. Bên thế chấp có quyền được cho thuê, cho mượn tài sản thế chấp nhưng phải thông báo cho bên thuê, bên mượn biết về việc tài sản cho thuê, cho mượn đang được dùng để thế chấp và phải thông báo cho bên nhận thế chấp biết. Bên nhận thế chấp có quyền yêu cầu bên thuê, bên mượn tài sản thế chấp chấm dứt việc sử dụng tài sản thế chấp nếu việc sử dụng đó làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị của tài sản đó. Khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ, bên nhận thế chấp có quyền yêu cầu bên thế chấp hoặc người thứ ba giữ tài sản thế chấp giao tài sản cho mình để xử lý theo thỏa thuận trước hoặc bán đấu giá theo quy định của pháp luật. Quy định về thế chấp tài sản giống như quy định về thế chấp (hypotheca) của Luật La Mã.

Chế định cầm cố và thế chấp bao hàm hai tính chất vật quyền và trái quyền. Tính chất vật quyền được thể hiện ở quyền dõi theo vật là đối tượng của cầm cố, thế chấp: bao gồm quyền truy đòi tài sản hoặc quyền xử lý tài sản trong trường hợp

nghĩa vụ được bảo đảm không được thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ. Tính chất trái quyền của cầm cố, thế chấp được thể hiện qua việc: là nghĩa vụ phụ bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ chính và việc xử lý tài sản: bán tài sản để trả cho các chủ nợ. Hiện nay đã có quan điểm đề nghị sửa đổi Bộ luật Dân sự Việt Nam theo hướng phân loại quy định về cấm cố, thế chấp theo tính chất vật quyền và trái quyền này, tuy nhiên vấn đề này vẫn còn cần phải bản thảo và làm rõ hơn.

Một phần của tài liệu Quyền đối vật trong Luật tư La Mã và ảnh hưởng đối với pháp luật Việt Nam hiện hành (Trang 64)