Căn cứ làm phát sinh quyền sở hữu là những sự kiện xảy ra trong đời sống thực tế nhưng có ý nghĩa pháp lý do Bộ luật Dân sự quy định mà thông qua đó làm phát sinh quyền sở hữu của một hoặc nhiều chủ thể đối với tài sản nhất định bao gồm (Điều 170 Bộ luật Dân sự 2005):
- Do lao động, do hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp: Người lao động, người tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp có quyền sở hữu đối với tài sản do lao động, do hoạt động sản xuất, kinh donh hợp pháp kể từ thời điểm có tài sản đó;
- Được chuyển quyền sở hữu theo thỏa thuận hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Người được giao tài sản thông qua hợp đồng mua bán, trao đổi, cho vay có quyền sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm chuyển giao tài sản, nếu các bên không có thỏa thuận khác hoặc pháp luật không quy định khác; - Thu hoa lợi, lợi tức: Chủ sở hữu, người sử dụng tài sản có quyền sở hữu đối với hoa lợi, lợi tức theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật, kể từ thời điểm thu được hoa lợi, lợi tức đó;
- Tạo thành vật mới do sáp nhập (trong trường hợp tài sản của nhiều chủ sở hữu khác nhau được sáp nhập với nhau tạo thành vật không chia được và không thể xác định tài sản đem sáp nhập là vật chính hoặc vật phụ thì vật mới được tạo thành là tài sản thuộc sở hữu chung của người chủ sở hữu đó; nếu tài sản đem sáp nhập là vật chính và vật phụ thì vật mới tạo thành thuộc chủ sở hữu vật chính, kể từ thời điểm vật mới được tạo thành; chủ sở hữu tài sản mới phải thanh toán cho chủ sở hữu vật phụ phần giá trị của vật phụ đó, nếu không có thỏa thuận khác.); trộn lẫn (Trong trường hợp tài sản của nhiều chủ sở hữu khác nhau được trộn lẫn với nhau
tạo thành vật mới không chia được thì vật mới là tài sản thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu đó, kể từ thời điểm trộn lẫn); chế biến (Chủ sở hữu của nguyên vật liệu được đem chế biến tạo thành vật mới cũng là chủ sở hữu của vật mới tạo thành. Người dùng nguyên vật liệu thuộc sở hữu của người khác để chế biến mà ngay tình thì trở thành chủ sở hữu của tài sản mới nhưng phải thanh toán giá trị nguyên vật liệu, bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu nguyên vật liệu đó. Trong trường hợp người chế biến không ngay tình thì chủ sở hữu nguyên vật liệu có quyền yêu cầu giao lại vật mới hoặc yêu cầu người chế biến bồi thường thiệt hại);
- Được thừa kế tài sản;
- Chiếm hữu trong các điều kiện do pháp luật quy định đối với vật vô chủ, vật bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn giấu, gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước di chuyển tự nhiên;
- Chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 247 Bộ luật Dân sự 2005: xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu: Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn mười năm đối với động sản, ba mươi năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kề từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước.
- Các trường hợp khác do pháp luật quy định.
Như vậy có thể thấy những căn cứ xác lập quyền sở hữu được quy định trong pháp luật dân sự Việt Nam về tư tưởng cơ bản là tiếp thu từ pháp luật La Mã, đặc biệt là những quy định về hình thành quyền sở hữu do thỏa thuận, chế biến, sáp nhập, trộn lẫn và xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu.
Căn cứ chấm dứt quyền sở hữu: (Điều 171 Bộ luật Dân sự 2005)
- Chủ sở hữu chuyển quyền sở hữu của mình cho người khác;
- Tài sản bị tiêu hủy;
- Tài sản bị xử lý để thực hiện nghĩa vụ của chủ sở hữu;
- Tài sản bị trưng mua;
- Tài sản bị tịch thu;
- Vật bị đánh rơi, bị bỏ quên, gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước di chuyển tự nhiên mà người khác đã được xác lập quyền sở hữu trong các điều kiện do pháp luật quy định; tài sản mà người khác đã được xác lập quyền sở hữu theo quy định tại Khoản 1 Điều 247 Bộ luật Dân sự;
- Các trường hợp khác do pháp luật quy định.[13] 3.2.3.4. Sở hữu chung:
Trong thực tế có những trường hợp một tài sản thuộc quyền sở hữu của hai hay nhiều người, pháp luật dân sự gọi đó là sở hữu chung. Điều 214 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: “Sở hữu chung là sở hữu của nhiều chủ sở hữu đối với tài sản. Tài sản thuộc hình thức sở hữu chung là tài sản chung.” Như vậy, khi hai hay nhiều người có chung tài sản thì những người đó được gọi là đồng sở hữu. Các đồng chủ sở hữu có quyền chung nhau cùng chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản chung.
Sở hữu chung trong pháp luật dân sự có đặc điểm là:
- Mỗi đồng chủ sở hữu chung khi thực hiện các quyền năng chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với tài sản chung sẽ liên quan đến quyền lợi của tất cả các đồng chủ sở hữu khác. Tuy nhiên, mỗi đồng chủ sở hữu trong sở hữu chung có vị trí độc lập và tham gia quan hệ pháp luật dân sự với tư cách là một chủ sở hữu độc lập. - Tuy địa vị của mỗi đồng chủ sở hữu có tính chất độc lập nhưng các quyền năng của mỗi chủ sở hữu lại thống nhất đối với toàn bộ khối tài sản chung mà không phải chỉ riêng với phần giá trị tài sản mà họ có. Nếu quyền năng của mỗi đồng chủ sở hữu bị tách ra theo phạm vi phần giá trị tài sản mà họ có, thì các đồng
chủ sở hữu không thể sử dụng được tài sản và do vậy sở hữu chung ấy sẽ không có ý nghĩa. Do đó, việc sử dụng, định đoạt tài sản phải được các đồng chủ sở hữu thỏa thuận dựa trên tính chất, công dụng của tài sản và dựa vào hoàn cảnh cụ thể của các đồng chủ sở hữu.
Đối với việc sử dụng tài sản chung, Điều 222 Bộ luật Dân sự 2005 quy định về việc các đồng chủ sở hữu có thể thỏa thuận và lựa chọn một trong những hình thức: cùng sử dụng để khai thác công dụng của tài sản; thay phiên nhau sử dụng; hoặc nếu tài sản gồm nhiều vật khác nhau, các chủ sở hữu có thể thay phiên nhau sử dụng từng vật nếu vẫn bảo đảm được nhu cầu sử dụng.
Đối với việc định đoạt tài sản chung, Điều 223 Bộ luật Dân sự 2005 quy định mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền định đoạt phần quyền sở hữu của mình theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật. Việc định đoạt tài sản chung hợp nhất được thực hiện theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp một chủ sở hữu chung bán phần quyền sở hữu của mình thì các chủ sở hữu chung khác được quyền ưu tiên mua. Trong thời hạn ba tháng đối với tài sản chung là bất động sản, một tháng đối với tài sản chung là động sản, kể từ ngày các chủ sở hữu chung khác nhận được thông báo về việc bán và các điều kiện bán mà không có chủ sở hữu chung nào mua thì chủ sở hữu đó được quyền bán cho người khác. Nếu một chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu của mình hoặc chủ sở hữu chết mà không có người thừa kế thì phần quyền tài sản đó sẽ thuộc quyền sở hữu của Nhà nước.
Phân loại:
Sở hữu chung theo phần: Điều 216 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: “Sở hữu chung theo phần là sở hữu chung mà trong đó phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu được xác định đối với tài sản chung.” Trong sở hữu chung theo phần, mỗi đồng chủ sở hữu biết trước được tỷ lệ phần quyền của mình đối với khối tài sản chung. Phần quyền đó có thể bằng hoặc không bằng nhau. Phần quyền được xác định trước này là đối với toàn bộ tài sản thuộc sở hữu chung của tất cả các đồng chủ sở hữu.
Cùng với việc xác định tỷ lệ phần quyền thì việc xác định nghĩa vụ của mỗi một đồng chủ sở hữu đối với tài sản chung cũng theo nguyên tắc: nghĩa vụ đối với tài sản thuộc sở hữu chung tương ứng với phần quyền của chủ sở hữu chung đó nếu các đồng chủ sở hữu chung không có thỏa thuận khác.
Sở hữu chung hợp nhất: Điều 217 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: “Sở hữu chung hợp nhất là sở hữu chung mà trong đó phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu không được xác định đối với tài sản chung”. Sở hữu chung hợp nhất là hình thức sở hữu của hai hay nhiều chủ thể đối với khối tài sản chung, sở hữu chung hợp nhất bao gồm sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia và sở hữu chung hợp nhất không thể phân chia. Thông thường, quyền sở hữu chung hợp nhất chỉ phát sinh trong quan hệ hôn nhân và gia đình. Điều 219 Bộ luật Dân sự 2005 xác định tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất. Đó là khối tài sản vợ chồng làm ra trong thời kỳ hôn nhân bằng công sức của mỗi người hoặc do được tặng cho chung, thừa kế chung. Khi hôn nhân còn tồn tại, không thể xác định được phần tài sản cụ thể của vợ, chồng trong khối tài sản chung. Họ có quyền và nghĩa vụ ngang nhau đối với tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất. Phần tài sản cụ thể của mỗi người chỉ được xác định rõ ràng khi một người chết mà những người thừa kế yêu cầu chia tài sản của người chết; hoặc khi họ có thỏa thuận phân chia; hoặc khi có quyết định của tòa án khi ly hôn. Trong sở hữu chung hợp nhất các chủ sở hữu chung có quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản chung ngang nhau, nếu không có thỏa thuận khác.
Sở hữu chung cộng đồng: là hình thức sở hữu của dòng họ theo huyết thống, theo cộng đồng tôn giáo hoặc cộng đồng dân cư đối với tài sản được hình thành theo tập quán hoặc do các thành viên của cộng đồng quyên góp tạo dựng nên. Sở hữu chung cộng đồng do đặc điểm lịch sử được tạo dựng qua nhiều thế hệ nhằm mục đích thỏa mãn lợi ích chung của tất cả các thành viên trong cộng đồng. Do đó, các thành viên của cộng đồng cùng có quyền quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản chung theo thỏa thuận hoặc theo tập quán vì lợi ích chung của cả cộng đồng nhưng không được trái pháp luật và đạo đức xã hội. Trong quá trình quản lý, sử dụng các
thành viên phải cùng bàn bạc thỏa thuận, tùy từng loại tài sản chung cộng đồng mà phương thức quản lý, sử dụng có thể khác nhau. Do mục đích của sở hữu chung cộng đồng là thỏa mãn chung lợi ích hợp pháp của cả cộng đồng nên tài sản chung của cộng đồng là tài sản chung hợp nhất không phân chia.
Sở hữu chung hỗn hợp là sở hữu đối với tài sản do các chủ sở hữu thuộc các thành phần kinh tế khác nhau góp vốn để sản xuất, kinh doanh thu lợi nhuận (Điều 218 Bộ luật Dân sự 2005).
Pháp luật dân sự Việt Nam đã có những quy định rõ ràng, chi tiết và phong phú hơn về việc phân loại hình thức sở hữu chung do sự phát triển của điều kiện kinh tế, xã hội, các hình thức sở hữu ngày càng trở nên đa dạng đòi hỏi phải có những quy định phù hợp điều chỉnh.
3.2.3.5. Các hạn chế đối với quyền sở hữu
Trong quá trình thực hiện các quyền năng chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản, không phải lúc nào chủ sở hữu cũng có toàn quyền và độc lập tuyệt đối với những chủ thể khác. Chủ sở hữu cũng đồng thời là chủ thể của các quan hệ xã hội, họ phải sống trong xã hội và cộng đồng, do đó khi thực hiện quyền của mình, trong một số trường hợp chủ sở hữu bị hạn chế bởi một giới hạn nhất định. Để chủ sở hữu có được những điều kiện thuận lợi khi sử dụng các quyền của mình, Bộ luật Dân sự cho phép họ có một số quyền nhất định đối với tài sản của người khác, do đó cũng phải chịu sự ràng buộc bởi một số nghĩa vụ nhất định để các chủ thể khác được thuận tiện khi sử dụng quyền sở hữu của họ.
Để bảo đảm lợi ích chung của cộng đồng, pháp luật dân sự quy định chủ sở hữu có một số nghĩa vụ nhất định trong việc thực hiện quyền sở hữu của mình đối với tài sản. Đó là những trường hợp xảy ra tình thế cấp thiết có nguy cơ đang thực tế đe dọa trực tiếp lợi ích của Nhà nước, của tập thể, của mình hoặc của người khác mà bắt buộc phải gây một thiệt hại nhỏ hơn để ngăn chặn thiệt hại. Bộ luật Dân sự quy định gây thiệt hại trong những trường hợp trên không phải là hành vi xâm phạm quyền sở hữu (Điều 262 Bộ luật Dân sự 2005).
Khi sử dụng, bảo quản, từ bỏ tài sản của mình, chủ sở hữu phải tuân theo các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường (Điều 263 Bộ luật Dân sự 2005). Chủ sở hữu trong khi thực hiện quyền của mình mà làm ô nhiễm môi trường thì phải có trách nhiệm chấm dứt ngay các hành vi gây ô nhiễm đó, đồng thời phải thực hiện các biện pháp để khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại.
Khi thực hiện quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của mình, chủ sở hữu phải tôn trọng, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, không được lạm dụng quyền sở hữu để gây mất trật tự, an toàn xã hội, làm thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác (Điều 264 Bộ luật Dân sự 2005).
Chủ sở hữu bất động sản có nghĩa vụ phải tôn trọng ranh giới giữa các bất động sản, không được lấn chiếm, thay đổi mốc giới ngăn cách. Người có quyền sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới trong khuôn viên đất phù hợp với quy hoạch xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất liền kề của người khác. Người sử dụng đất chỉ được trồng cây và làm các việc khác trong khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng của mình và theo ranh giới đã được xác định, nếu rễ cây, cành cây vượt quá ranh giới thì phải xén rễ, tỉa cành vượt quá, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trong trường hợp ranh giới là kênh, mương, hào, rãnh, bờ ruộng thì người sử dụng đất có nghĩa vụ tôn trọng, duy trì ranh giới chung; không được lần chiếm, thay đổi mốc giới ngăn cách (Điều 265 Bộ luật Dân sự 2005).
Khi xây dựng các công trình trên đất mà chủ sở hữu có quyền sử dụng thì chủ sở hữu công trình còn phải có nghĩa vụ tôn trọng quy tắc xây dựng và phải bảo đảm an toàn đối với các công trình xây dựng liền kề. Chủ sở hữu công trình không được xây dựng vượt quá độ cao, khoảng cách mà pháp luật về xây dựng đã quy định; phải đào móng, xây cách mốc giới chung một khoảng cách nhất định. Trong xây dựng chủ sở hữu không được xâm phạm và làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh. Các cơ quan nhà