Pháp luật La Mã được xác lập trên cơ sở tư hữu, đất đai và nô lệ được coi là các tư liệu sản xuất nông nghiệp chiếm vai trò chủ đạo.
Căn cứ theo thủ tục thủ đắc vật (Mancipatio) vật được phân thành Res mancipi là những vật như đất đai, nô lệ, gia súc… mà công dân La Mã có quyền trao đổi; những vật khác được gọi là Res nec mancipi. Sự phân biệt này có ý nghĩa về mặt thủ tục pháp lý, việc dịch chuyển quyền sở hữu tài sản thuộc Res mancipi phải được thực hiện thông qua nghi thức trọng thể với những biểu tượng nhất định và phải tuyên bố theo công thức nhất định dưới sự có mặt của người làm chứng: Một người có thể sở hữu một vật thông qua việc chuyển giao với sự có mặt của năm người làm chứng hoặc thông qua thủ tục tại tòa án, hoặc sự chứng kiến của Praetor (khi Praetor hỏi người yêu cầu về quyền tài sản, nếu chỉ có một bên nhận thì tài sản sẽ thuộc về người đó). Chỉ có công dân La Mã có quyền đối với res mancipi (một người có thể tuyên bố vật thuộc về mình thông qua quyền quiritarian- quyền dành riêng cho công dân La Mã). Còn đối với res nec mancipi việc chứng minh quyền sở hữu không cần thông qua các thủ tục nói trên.
Ngoài ra vật còn được phân thành:
- Vật di dời (Res mobiles): là những đồ vật có thể thay đổi vị trí trong không gian, không suy chuyển giá trị hoặc bị tổn hại về đặc tính.
- Vật không di dời (Res immobiles): là những đồ vật không thể thay đổi vị trí trong không gian mà không bị tổn hại đến đặc tính. Ví dụ: đất đai, nhà cửa…
Luật La Mã còn có nhiều cách phân loại vật dựa trên những tiêu chí khác nhau như sau:
- Theo đặc tính của vật: vật thay thế được là những vật cùng hình dáng, không thể phân biệt được chúng với những đồ vật khác cùng loại, vật không thay thế được là vật có thể xác định được chúng do có những đặc tính riêng biệt;
- Theo cấu tạo của vật: vật đơn giản: là vật theo quan niệm tự nhiên không có yếu tố cấu thành, là một chỉnh thể đơn nhất; vật phức tạp là vật có yếu tố cấu thành, có chức năng riêng biệt, không phải là chỉnh thể thống nhất;
- Theo tính chất: vật chính là vật mà sự tồn tại của nó quan trọng hơn, có thể tồn tại độc lập và được làm rõ hơn khi có vật phụ đi kèm; vật phụ- về nguyên tắc pháp luật quy định chuyển giao vật chính thì phải chuyển giao vật phụ nếu không có thỏa thuận khác;
- Hoa lợi: thông thường một vật thuộc chủ sở hữu phát sinh hoa lợi thì hoa lợi thuộc về chính chủ sở hữu đó, tuy nhiên có trường hợp vật thuộc chủ sở hữu nhưng hoa lợi lại không thuộc về chủ sở hữu ví dụ như trường hợp cho thuê, mượn…Hoa lợi có thể được chia thành nhiều loại: Được tách rời- chưa được tách rời; đã chế biến – chưa chế biến; thu hoạch trên thực tế- có thể thu hoạch.
Tuy nhiên, không phải tất cả mọi vật đều có thể là đối tượng của quyền sở hữu và tuy không phải là cấm lưu thông, vất đó không thuộc ai nhưng lại thuộc tất cả mọi người (ví dụ nước chảy ở sông, không khí…). Việc phân định những vật thành những vật tự do lưu thông, hạn chế lưu thông căn cứ vào chế độ pháp lý của vật đó tùy thuộc vào giai đoạn lịch sử nhất định. Ngoài các cách phân loại vật kể trên còn căn cứ vào sự thiêng liêng của vật mà những vật nhằm mục đích phục vụ cho tôn giáo hoặc mục đích công cộng như: nhà thờ, tường thành, mồ mả… Những tài sản công hoặc tài sản phục vụ những mục đích thiêng liêng không thể thuộc sở hữu tư nhân và thuộc tài sản không lưu thông.