Sơ lược lịch sử phát triển của Luật Dân sự Việt Nam

Một phần của tài liệu Quyền đối vật trong Luật tư La Mã và ảnh hưởng đối với pháp luật Việt Nam hiện hành (Trang 77)

Trong giai đoạn nhà nước phong kiến, luật dân sự Việt Nam không được tách ra thành một bộ luật riêng mà được tìm thấy trong các điều khoản của các bộ luật phong kiến như Lê triều hình luật (Luật Hồng Đức), Nguyễn triều hình luật (Hoàng Việt luật lệ). Đến khi người Pháp chiếm đóng Việt Nam thì các bộ luật dân sự được áp dụng riêng rẽ ở ba kỳ lần lượt xuất hiện. Ví dụ ở Nam Kỳ thì bộ luật dân sự Nam Kỳ giản yếu ra đời năm 1883, bộ dân luật Bắc Kỳ ra đời năm 1931 và tại Trung Kỳ là bộ dân luật Trung Kỳ (Hoàng Việt Trung Kỳ hộ luật) ra đời năm 1936. Sau ngày 2 tháng 9 năm 1945, do hoàn cảnh chiến tranh với người Pháp nên chính phủ của chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn áp dụng các bộ luật dân sự này. Ngày 22 tháng 5 năm 1950, chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 97/SL để "sửa đổi một số quy lệ và chế định trong dân luật" nhằm sửa đổi một số điều trong các bộ dân luật cũ này. Tại miền bắc Việt Nam, ngày 10 tháng 7 năm 1959 tòa án tối cao ra chỉ thị số 772/TATC để "đình chỉ việc áp dụng luật pháp cũ của phong kiến đế quốc". Từ thời

điểm đó trở đi, tại miền bắc Việt Nam thiếu hẳn bộ luật dân sự thực thụ. Một số mảng của luật dân sự được tách ra thành các bộ luật khác như Luật hôn nhân và gia đình hay các văn bản pháp quy dưới luật như thông tư, chỉ thị, nghị định, pháp lệnh. Tuy nhiên, nhiều lĩnh vực dân sự như thừa kế, quyền sở hữu trí tuệ v.v. không được điều chỉnh trực tiếp. Các quy định về nghĩa vụ dân sự được quy định chủ yếu là các vấn đề về nhà ở, vàng bạc, kim khí quý và đá quý v.v. và nói chung mang nặng tính chất hành chính. Có thể liệt kê một số văn bản pháp luật trong lĩnh vực dân sự như: Luật hôn nhân gia đình (1986), Luật Quốc tịch (1988), Pháp lệnh chuyển giao công nghệ nước ngoài vào Việt Nam (1988), Pháp lệnh về sở hữu công nghiệp (1989), Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế (1989), Pháp lệnh về thừa kế (1990), Pháp lệnh về Hợp đồng dân sự (1991), Pháp lệnh về nhà ở (1991) v.v. Tuy các pháp lệnh có nhiều nhưng đôi khi chồng chéo và mâu thuẫn với nhau nên đã gây ra nhiều khó khăn cho việc áp dụng pháp luật.

Năm 1995, quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua Bộ luật Dân sự (có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 1996). Sau 10 năm thi hành, Bộ luật Dân sự đã có nhiều hạn chế, bất cập như: một số quy định không phù hợp với sự chuyển đổi nhanh của nền kinh tế thị trường, không rõ ràng hay không đầy đủ hoặc còn mang tính hành chính. Nhiều bộ luật mới ra đời có các nội dung liên quan đến Bộ luật Dân sự Việt Nam 1995 nhưng bộ luật này lại không điều chỉnh, sửa đổi dẫn đến mâu thuẫn giữa chúng cũng như chưa có sự tương thích với các Điều ước quốc tế và thông lệ quốc tế.

Ngày 14 tháng 6 năm 2005, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Bộ luật Dân sự sửa đổi. Bộ Luật Dân sự Việt Nam 2005 có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2006. 4.3.2. Ảnh hưởng của các hệ thống pháp luật thế giới.

Pháp luật dân sự Việt Nam thời phong kiến chưa có nhiều quy định phong phú và cụ thể, thường nằm trong các điều khoản của bộ luật chung chứ chưa được lập thành bộ luật riêng và thường bị hành chính hóa hoặc hình sự hóa (ví dụ Pháp luật thường quy định các chế tài xử phạt khi các bên tham gia khế ước vi phạm các

nghĩa vụ mà họ đã cam kết trước đó, Điều 137 Hoàng Việt Luật lệ quy định: “Khi mua bán đồ vật gì, nếu hai bên đương sự không đồng ý, khác ý nhau khiến cả hai không dung hóa, nếu dùng áp lực, thông đồng với người làm giấy gian lận, lừa dối, ép bán, hứa dối để mua rẻ bán mắc, tráo trở, thì bị phạt 80 trượng”...).

Ở thời kỳ Pháp thuộc, chính quyền thực dân-phong kiến rất chú trọng xây dựng luật pháp và luôn coi đó là một phương tiện cai trị hữu hiệu, do đó pháp luật thời Pháp thuộc rất đa dạng và phức tạp. Lần đầu tiên xuất hiện bộ luật điều chỉnh riêng vấn đề dân sự đó là: Bộ luật dân sự Nam Kỳ giản yếu ra đời năm 1883, Bộ dân luật Bắc kỳ ra đời năm 1931 và Bộ dân luật Trung kỳ (Hoàng Việt Trung Kỳ hộ luật) ra đời năm 1936 áp dụng riêng rẽ ở ba kỳ. Đặc biệt bộ luật Nam Kỳ giản yếu được sao chép Bộ Dân luật Napoleon của Pháp một cách máy móc và không đầy đủ. Năm 1917, Toàn quyền Đông Dương đã ra nghị định thành lập một ủy ban Việt – Pháp soạn thảo Bộ Dân luật Bắc Kỳ, Bộ Dân luật Bắc kỳ kế thừa nhiều quy định của Bộ luật Hồng Đức và Bộ luật Gia Long, tiếp thu không ít về kỹ thuật làm luật, cơ cấu bộ luật, hình thức pháp lý và một số nội dung của Bộ luật dân sự Napoleon và Bộ dân luật Thụy Sỹ - đánh dấu một bước phát triển mới của pháp luật dân sự Việt Nam, tiếp thu từ hệ thống luật châu Âu lục địa.

Giai đoạn Sau cách mạng tháng 8 đến trước năm 1995: trong điều kiện chiến tranh khốc liệt, để điều hành công việc của Nhà nước mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký nhiều Sắc lệnh, trong đó một mặt vẫn không hủy bỏ những quy định của các bộ dân luật cũ, một mặt bổ sung, thay đổi cho phù hợp với thời kỳ mới. Từ đầu những năm 80, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp luật để điều chỉnh quan hệ dân sự, đặc biệt là khi đất nước ta bước sang thời kỳ đổi mới với nền kinh tế phát triển, các quan hệ dân sự trở nên đa dạng và phức tạp hơn. Các văn bản pháp luật trong lĩnh vực dân sự bao gồm: Luật hôn nhân và gia đình năm 1986, Luật quốc tịch năm 1988, Pháp lệnh chuyển giao công nghệ nước ngoài vào Việt Nam năm 1988, Pháp lệnh về sở hữu công nghiệp năm 1989, Pháp lệnh hợp đồng kinh tế năm 1989, Pháp lệnh về thừa kế năm 1990, Pháp lệnh về hợp đồng dân sự năm 1991, Pháp lệnh về nhà ở năm 1991, Pháp lệnh xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, đi lại của

người nước ngoài tại Việt Nam năm 1992...Trên thực tế còn nhiều vấn đề dân sự vẫn chưa được pháp luật điều chỉnh, các văn bản luật cũng không theo kịp sự phát triển của nền kinh tế và xã hội, việc đòi hỏi phải có một bộ luật hoàn chỉnh điều chỉnh các vấn đề dân sự cơ bản đã trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Việc ra đời Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 1995 là tất yếu, đánh dấu một bước quan trọng trong quá trình lập pháp của Nhà nước ta.

Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 1995: Sự ra đời của Bộ luật Dân sự 1995 được đánh giá là một thành tựu lớn trong sự phát triển của pháp luật dân sự Việt Nam. Bộ luật Dân sự 1995 đã chịu ảnh hưởng rất lớn từ mô hình và tư duy của pháp luật nước ngoài, đặc biệt là pháp luật các nước châu Âu lục địa.

Trong quá trình soạn thảo Bộ luật, Ban soạn thảo đã tham khảo nhiều bộ dân luật trên thế giới trong đó có Bộ luật dân sự Liên bang Nga (ban hành năm 1964 là bộ luật được pháp điển hóa với nhiều sự kế thừa, tiếp thu các chế định pháp luật dân sự của thời Nga hoàng vốn theo mô hình pháp luật dân sự của Bộ luật Dân sự Đức và nhiều chế định pháp luật dân sự La Mã); Bộ luật Dân sự Pháp; Bộ luật Dân sự Đức; Bộ luật Dân sự Nhật Bản. Ngoài ra, quá trình soạn thảo Bộ luật Dân sự 1995 còn được sự giúp đỡ của các chuyên gia luật học đến từ Pháp và Nhật Bản [8].

Do đó có thể thấy Bộ luật Dân sự 1995 có cấu trúc và các khái niệm pháp lý khá tương đồng với hệ thống pháp luật châu Âu lục địa và luật La Mã.

Sau 10 năm thi hành Bộ luật Dân sự 1995 cũng bộc lộ không ít hạn chế, bất cập như một số quy định không phù hợp với sự chuyển đổi nhanh của nền kinh tế thị trường, không rõ ràng hoặc mang tính hành chính. Nhiều văn bản luật mới ra đời có nội dung liên quan đến Bộ luật Dân sự 1995 nhưng bộ luật này lại không được điều chỉnh, sửa đổi dẫn đến những mâu thuẫn cũng như chưa có sự tương thích với các điều ước và thông lệ quốc tế. Năm 2005, Bộ luật Dân sự mới đã được ra đời gồm 777 điều, 36 chương và được chia thành 7 phần, do nhu cầu về toàn cầu hóa,

hội nhập kinh tế quốc tế, do đó Bộ luật Dân sự 2005 về cơ bản vẫn có sự kế thừa, học hỏi từ hệ thống pháp luật thế giới. Các quy định về tài sản và quyền đối với tài sản là một trong những chế định quan trọng trong Bộ luật Dân sự tất cả các nước. Tài sản có thể được phân loại theo nhiều cách: Hệ thống luật Latinh chia tài sản thành động sản và bất động sản; tài sản hữu hình và tài sản vô hình; vật tiêu hao và vật không tiêu hao; vật cùng loại và vật đặc định; vốn và lợi tức; vật được sở hữu và vật không được sở hữu; tài sản công và tài sản tư. Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2005 hiện hành xây dựng khái niệm động sản và bất động sản (Ðiều 174 ), hoa lợi và lợi tức (Ðiều 175); vật chính, vật phụ (Ðiều 176); vật chia được và vật không chia dược (Ðiều 177); vật tiêu hao và vật không tiêu hao (Ðiều 178); vật cùng loại và vật đặc định (Ðiều 179)… Ðiều này cho thấy luật dân sự Việt Nam có xu hướng định hình cách thức phân loại tương tự như hệ thống luật Latinh. Mặt khác, trong cấu trúc của bộ luật, tại chương Các loại tài sản, cách thức phân loại tài sản thành động sản và bất động sản được nêu ra trước tiên. Bộ luật Dân sự của Cộng hòa Pháp, tại Ðiều 518 không định nghĩa tài sản là gì mà chỉ nói rằng tài sản bao gồm động sản và bất động sản. Những điều luật tiếp theo quy định về bất động sản (Chương I, từ Ðiều 517 đến Ðiều 526), động sản (Chương II, từ Ðiều 527 đến Ðiều 536) và tài sản trong mối quan hệ với người chiếm hữu nó (Chương III, từ Ðiều 537 đến Ðiều 543) . Do đó, có thể hiểu rằng đây là cách thức phân loại chính, chủ yếu nhất trong các cách thức phân loại tài sản. Các cách thức phân loại từ Ðiều 174 đến Ðiều 179 Bộ luật Dân sự hiện hành là cách thức phân loại thứ cấp. Riêng các loại tài sản vô hình và quyền sử dụng đất có vị trí độc lập trong Bộ luật Dân sự năm 2005 được tách thành nhóm tài sản độc lập và được phân tích riêng biệt.

4.3.3. Nhận xét.

Như vậy có thể thấy, do hoàn cảnh lịch sử cũng như do nhu cầu hội nhập, toàn cầu hóa, pháp luật dân sự Việt Nam đã chịu nhiều ảnh hưởng của hệ thống pháp luật Châu Âu lục địa – cốt lõi là La Mã. Về cấu trúc bộ luật cũng như các khái niệm pháp lý, cách thức xử lý tuy có thay đổi để phù hợp với hoàn cảnh kinh tế - xã hội hiện tại nhưng những tư tưởng pháp lý cơ bản vẫn được tiếp thu và kế thừa một

cách khoa học. Cụ thể là những vấn đề về tài sản, phân loại tài sản, chế độ pháp lý đối với từng loại tài sản, chiếm hữu ngay tình, không ngay tình, xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu, quyền đối với tài sản của người khác... tất cả đều có những điểm tương đồng giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật các nước, cũng như với Luật La Mã cổ đại. Do đó việc nghiên cứu chuyên sâu luật tư La Mã là rất cần thiết cho việc hình thành nền tảng cơ bản đối với tư tưởng lập pháp trong lĩnh vực dân sự.

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ Kết luận.

Quyền đối vật hay quyền sở hữu đối với tài sản là nội dung cơ bản nhất của pháp luật dân sự. Việc nghiên cứu và làm rõ các nội dung của quyền đối vật là rất quan trọng không chỉ có ý nghĩa đối với các học giả nghiên cứu mà còn nhằm góp phần hoàn thiện và phát triển hệ thống pháp luật Việt Nam.

Pháp luật La Mã được hình thành cách đây hơn 2700 năm nhưng đã có những phát kiến có thể coi là cơ bản và trường tồn theo thời gian. Hầu hết các khái niệm cốt lõi của tư pháp La Mã nói riêng về vấn đề quyền đối vật (trong phạm vi luận văn này) đều được kế thừa và lưu truyền đến ngày nay trong các bộ luật dân sự của các nước trên thế giới nói chung và trong Bộ luật Dân sự Việt Nam nói riêng.

Do hoàn cảnh lịch sử thay đổi (Thời kỳ La Mã là thời kỳ tồn tại chế độ chiếm hữu nô lệ, nô lệ được coi là một tài sản) cũng như trình độ phát triển của các nước khác nhau, nhưng qua những phân tích ở trên chúng ta cũng có thể thấy xu thế chung của các Bộ luật dân sự đang được áp dụng hiện nay là hướng đến thống nhất khái niệm dựa trên cơ sở của Luật La Mã – cội nguồn của pháp luật dân sự.

Pháp luật dân sự Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ, Bộ luật Dân sự đầu tiên của Nhà nước Việt Nam thống nhất được thông qua năm 1995, đã được thay thế năm 2005, lịch sử phát triển của pháp luật dân sự Việt Nam cũng còn rất mới so với các nước khác trên thế giới. Do vậy việc nghiên cứu sâu luật tư La Mã, cũng như các Bộ luật dân sự của các nước (Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Nga, Nhật Bản…), các khái niệm của luật dân sự, tư tưởng lập pháp… là rất cần thiết nhằm hoàn thiện hơn nữa các quy định của pháp luật Dân sự Việt Nam hiện nay. Ngoài ra cũng nhằm nâng cao trình độ hiểu biết và tư duy pháp lý của những người nghiên cứu pháp luật nói chung, pháp luật dân sự nói riêng.

Một số kiến nghị.

Về một số quy định pháp luật Dân sự Việt Nam.

- Vấn đề phân loại tài sản: cách phân loại tài sản thành động sản và bất động sản là cách phân loại cơ bản nhất, có ở hầu hết các bộ luật dân sự của các nước trong đó có Bộ luật Dân sự Việt Nam. Tuy nhiên cách định nghĩa động sản và bất động sản của Bộ luật Dân sự 2005 còn quá chung chung: Điều 174 quy định “Động sản là những tài sản không phải bất động sản”, tuy nhiên việc định nghĩa “Bất động sản” ngoài việc liệt kê cụ thể một số tài sản như đất đai, nhà, công trình gắn liền với đất, Bộ luật Dân sự 2005 còn quy định thêm “các tài sản khác do pháp luật quy định”. Như vậy là không hợp lý bởi cách xác định mang tính loại trừ này đòi hỏi việc định nghĩa “bất động sản” phải cụ thể và rõ ràng. Các quy định như vậy dường như rất phổ biến trong pháp luật Việt Nam, không chỉ trong Bộ luật Dân sự, có thể mục đích của các nhà làm luật là tránh bỏ sót khái niệm, tuy nhiên quy định như vậy mang tính chung chung, không hợp lý và hiệu quả.

- Về khái niệm “chiếm hữu”: Bộ luật Dân sự 2005 quy định quyền chiếm hữu là một nội dung của quyền sở hữu, tuy nhiên trên thực tế quyền chiếm hữu và quyền sở hữu có thể tách rời, thuộc về hai chủ thể khác nhau. Do đó các nhà nghiên cứu pháp luật Việt Nam cần làm rõ hơn khái niệm “chiếm hữu” và “quyền sở hữu” để gần hơn với quan điểm của các nhà nghiên cứu pháp luật trên thế giới.

- Vấn đề quyền đối với tài sản của người khác: quyền đối với tài sản của người khác cũng là một trong những quy định quan trọng của chế định sở hữu. Bộ luật Dân sự 2005 có rất nhiều quy định về quyền sử dụng bất động sản của người khác (quyền địa dịch) nhưng hầu như có rất ít quy định về quyền dụng ích cá nhân. Khái

Một phần của tài liệu Quyền đối vật trong Luật tư La Mã và ảnh hưởng đối với pháp luật Việt Nam hiện hành (Trang 77)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(88 trang)