Quyền sở hữu chung: Thông thường một vật thuộc sở hữu của một chủ thể, trong trường hợp một vật thuộc sở hữu của hai hay nhiều chủ thể thì vật đó thuộc sở hữu chung (Condominium). Theo quan điểm của các luật gia La Mã, mỗi đồng sở hữu chủ có phần quyền nhất định trên toàn bộ tài sản mà không phải là một phần tài sản. Quan niệm phần quyền trên toàn bộ tài sản dẫn đến hậu quả là quyền của một chủ thể trong số các đồng sở hữu bị mất thì quyền của các chủ thể còn lại sẽ được mở rộng đối với toàn bộ vật và nếu một phần tài sản bị tiêu hủy thì tất cả các sở hữu chủ cũng bị thiệt hại mà không phải một trong số các đồng sở hữu chủ chịu thiệt hại đó.
Về nguyên tắc các đồng sở hữu chủ thực hiện quyền sở hữu trên cơ sở “cùng nhau thỏa thuận”. Phần quyền của các đồng chủ sở hữu có thể bằng nhau nhưng cũng có thể không bằng nhau. Bất cứ sự thay đổi nào đối với tài sản thuộc sở hữu chung đều phải có sự đồng thuận của các chủ sở hữu. Mỗi chủ sở hữu đều có quyền
yêu cầu chia tài sản chung. Trong trường hợp không thỏa thuận được việc phân chia tài sản, quan tòa có thể phân chia tài sản thành các phần và xác định cụ thể từng chủ sở hữu chung có quyền đối với những phần cụ thể trong khối tài sản chung đó. Nếu tài sản là vật không chia được thì áp dụng theo nguyên tắc người nhận tài sản trong số các đồng chủ sở hữu phải thanh toán giá trị phần tài sản còn lại cho các đồng chủ sở hữu khác.