Pháp luật Dân sự của Cộng hòa Pháp

Một phần của tài liệu Quyền đối vật trong Luật tư La Mã và ảnh hưởng đối với pháp luật Việt Nam hiện hành (Trang 74)

Bộ Dân luật Pháp thường được gọi là Bộ luật Napoleon do vai trò lãnh đạo quan trọng của Hoàng đế Napoleon đối với công việc soạn thảo. Các phác thảo đầu tiên của Bộ luật Dân sự pháp được tiến hành trong những năm 1793 – 1797 của cuộc Cách mạng Pháp. Năm 1800 Napoleon chỉ định một ủy ban bốn người nhằm tạo sự thống nhất trong quy định pháp luật. Cho đến thời điểm đó trong miền Nam nước Pháp, luật La Mã vẫn còn hiệu lực, trong miền Bắc là luật theo tập quán được truyền lại cũng như là luật tạm thời của Cách mạng Pháp trong một vài năm. Mục đích của ủy ban này là tạo nên một gạch nối giữa Luật La mã và luật theo tập quán. Tư tưởng của cuộc Cách mạng Pháp thể hiện trước tiên là trong nguyên tắc tất cả đều bình đẳng trước pháp luật, bảo vệ sự tự do của cá nhân và của chủ sở hữu. Bộ Dân luật Pháp gồm 3 quyển: Quyển thứ nhất: Cá nhân; Quyển thứ hai: Tài sản và những thay đổi về sở hữu; Quyển thứ ba: Các phương thức xác lập quyền sở hữu.

Pháp luật Dân sự của Pháp quy định rất rõ và chi tiết về việc phân biệt giữa động sản và bất động sản: Điều 517 quy định “Tài sản là bất động sản do tính chất,

do mục đích sử dụng hoặc do đối tượng gắn liền với tài sản.” Trong quy định của Bộ Dân luật Pháp, khái niệm bất động sản rất rộng và được quy định rất chi tiết từ Điều 517 đến Điều 526 bao gồm: Đất đai và các công trình xây dựng, cối xay, mùa màng chưa gặt, trái cây chưa hái, súc vật được giao gắn liền với đất canh tác, đường ống dẫn nước trong công trình. Ngoài ra những vật sau đây được coi là bất động sản do mục đích sử dụng khi chúng được chủ sở hữu đưa vào phục vụ hoặc khai thác ruộng đất: Súc vật gắn liền với canh tác, nông cụ, hạt giống giao cho người thuê đất canh tác hoặc cấy rẽ, chim bồ câu nuôi chuồng, thú hoang trong rừng, tổ mật ong, máy ép, nồi hơi, nồi cất, chậu và thùng, dụng cụ cần thiết cho việc khai thác các cơ sở rèn, cơ sở làm giấy và các nhà xưởng khác, rơm rạ và phân bón, mọi đồ đạc trong nhà mà chủ sở hữu gắn vĩnh viễn vào tài sản cố định.

Điều 544 Bộ Dân luật Pháp quy định: Quyền sở hữu là quyền được hưởng dụng và định đoạt tài sản một cách tuyệt đối nhất, miễn là không sử dụng tài sản vào những việc pháp luật cấm. Khác với pháp luật Việt Nam, theo luật dân sự Pháp, chiếm hữu không được coi là một nội dung của quyền sở hữu. Quy định này gần với các quy định của Luật La Mã.

Trong luật của Pháp, chiếm hữu tài sản của chủ sở hữu được hiểu như việc cầm giữ tài sản về phương diện vật chất theo cung cách của một người có quyền sở hữu đối với tài sản đó, là một tình trạng, một sự việc chứ không phải là một quyền: “Chiếm hữu là việc nắm giữ hoặc hưởng dụng một vật hoặc một quyền của chính người đang nắm giữ vật hoặc người thực hiện quyền hoặc của một người khác thay mặt người đó nắm giữ vật hoặc thực hiện quyền.” Theo đó, người chiếm hữu là người thực hiện quyền lực thực tế đối với vật, do vậy không có khái niệm chiếm hữu có hay không có căn cứ pháp luật.

Ngoài ra, Bộ luật Dân sự của Pháp có quy định rất chi tiết và cụ thể về quyền hưởng hoa lợi, lợi tức (là quyền hưởng dụng tài sản thuộc sở hữu của người khác như chính chủ sở hữu, nhưng có trách nhiệm giữ nguyên tài sản đó – Điều 578), quyền sử dụng, quyền cư dụng, quyền địa dịch (Dịch quyền- là một nghĩa vụ đối

với một bất động sản nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng một bất động sản thuộc sở hữu của người khác – Điều 637). Dịch quyền phát sinh do địa thế tự nhiên của bất động sản (ví dụ: mảnh đất thấp phải để cho nước ở mảnh đất cao hơn chảy xuống, với điều kiện nước chảy tự nhiên không do bàn tay con người sắp đặt); hoặc theo quy định của pháp luật nhằm phục vụ lợi ích công cộng hoặc làng xã, hoặc lợi ích cá nhân (ví dụ: quyền xây dựng hoặc tu sửa đường xá và các công trình công cộng khác); hoặc theo thỏa thuận của các chủ sở hữu.

Bộ Dân luật Pháp sử dụng ngôn từ rõ ràng, đơn giản, các quy định được soạn thảo rất chi tiết phù hợp với trình độ phát triển xã hội lúc bấy giờ, những vẫn có thể có hiệu lực đến tận ngày nay đã chứng tỏ hiệu quả của việc pháp điển hóa.

Một phần của tài liệu Quyền đối vật trong Luật tư La Mã và ảnh hưởng đối với pháp luật Việt Nam hiện hành (Trang 74)