2.2.1. Khái niệm:
So với pháp luật La Mã, pháp luật dân sự Việt Nam đã có những quy định rõ ràng hơn về tài sản. Do hoàn cảnh kinh tế - xã hội, chế độ chiếm hữu nô lệ đã được xóa bỏ từ lâu, nô lệ không còn được coi là tài sản nữa. Bộ luật Dân sự Việt Nam 2005 (cũng như Bộ luật Dân sự năm 1995) không đưa ra một khái niệm cụ thể đối với tài sản, mà chỉ định nghĩa theo phương pháp liệt kê. Điều 163 Bộ luật Dân sự 2005 đã xác định tài sản như sau: “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”. Trong đó:
- Vật là đối tượng của thế giới vật chất, theo nghĩa rộng bao gồm cả động vật, thực vật, vật với ý nghĩa vật lý ở mọi trạng thái. Với ý nghĩa là một phạm trù pháp lý, vật là bộ phận của thế giới vật chất có thể đáp ứng được một nhu cầu nào đó của con người. Tuy nhiên, không phải bất cứ bộ phận nào của thế giới vật chất đều được coi là vật. Ngoài yếu tố đáp ứng được nhu cầu của con người, vật có thực với tính cách là tài sản phải nằm trong sự chiếm hữu của con người, có đặc trưng giá trị và trở thành đối tượng của giao lưu dân sự.
Vật là tài sản không chỉ là những vật tồn tại hiện hữu mà còn bao gồm cả những vật chắc chắn sẽ có, ví dụ như hoa lợi. Tương tự, tiền và những loại giấy tờ có giá cũng được xác định là những loại tài sản có tính chất đặc biệt.
- Quyền tài sản: Điều 181 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự, kể cả quyền sở hữu trí tuệ.
Quyền tài sản hiểu theo nghĩa rộng là quyền của cá nhân, tổ chức được pháp luật cho phép thực hiện hành vi xử sự đối với tài sản của mình và yêu cầu người khác phải thực hiện một nghĩa vụ đem lại lợi ích vật chất cho mình. Theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2005 thì quyền tài sản là quyền yêu cầu người khác thực hiện nghĩa vụ có giá trị bằng một khoản tiền nhất định như trả nợ, bồi thường thiệt hại hoặc yêu
cầu người khác chuyển giao giá trị của một vật. Quyền tài sản đối với các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ cũng có thể được coi là quyền tài sản.
2.2.2. Phân loại tài sản:
Pháp luật dân sự Việt Nam cũng phân chia tài sản thành nhiều loại để từ đó có những quy định điều chỉnh phù hợp. Các cách phân loại tài sản này gần giống với cách phân loại tài sản của pháp luật La Mã: ví dụ như phân loại tài sản thành động sản và bất động sản (đây là cách phân loại cơ bản nhất), vật chính – vật phụ, vật cùng loại – vật đặc định…
Trong tự nhiên vật rất phong phú và đa dạng, tùy thuộc vào giá trị, đặc tính tự nhiên cũng như xã hội, ý nghĩa pháp lý của chúng trong giao lưu dân sự, người ta phân biệt các loại vật khác nhau:
- Động sản và bất động sản:
Khái niệm động sản và bất động sản tương đối phổ biến trong các hệ thống luật. Điều 174 Bộ luật Dân sự 2005 quy định như sau:
1. Bất động sản là những tài sản bao gồm: a) Đất đai;
b) Nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai, kể cả tài sản gắn liền với nhà, công trình xây dựng đó;
c) Các tài sản khác gắn liền với đất đai; d) Các tài sản khác do pháp luật quy định.
2. Động sản là những tài sản không phải là bất động sản.[13]
Việc phân loại tài sản thành động sản và bất động sản rất phổ biến trong hầu hết các hệ thống luật trên toàn thế giới, tuy nhiên vẫn có nhiều quan điểm không thống nhất. Ví dụ như Bộ luật Dân sự Pháp có hẳn 20 Điều quy định về động sản và bất động sản một cách rất chi tiết và cặn kẽ. Cách phân loại này chủ yếu dựa vào
đặc tính vật lý của tài sản có thể di dời được hoặc không thể di dời được, ngoài ra còn có thể dựa vào mục đích sử dụng.
Việc phân loại tài sản thành động sản và bất động sản là cách phân loại có ý nghĩa quan trọng trong pháp luật dân sự Việt Nam. Phần lớn các giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản thường đòi hỏi thủ tục phức tạp hơn là các giao dịch có đối tượng là động sản. Việc sở hữu bất động sản cũng cần phải đăng ký, ví dụ như việc đăng ký quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở; việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhà ở hoặc công trình trên đất cũng cần phải công chứng và đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hoặc quy định về việc xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu tại Điều 247 Bộ luật Dân sự 2005 quy định người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn mười năm đối với động sản, ba mươi năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó. Ngoài ra, việc phân biệt động sản và bất động sản còn có ý nghĩa trong việc xác định địa điểm thực hiện nghĩa vụ: Điều 284 Bộ luật Dân sự quy định trong trường hợp các bên không có thỏa thuận thì địa điểm thực hiện nghĩa vụ là nơi có bất động sản, nếu đối tượng của nghĩa vụ dân sự là bất động sản; Nơi cư trú hoặc trụ sở của bên có quyền, nếu đối tượng của nghĩa vụ dân sự không phải là bất động sản. Việc xác định tòa an có thẩm quyền giải quyết tranh chấp dân sự cũng có sự phân biệt như Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 quy định tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về bất động sản. Ngay cả trong hoạt động tư pháp quốc tế cũng có quy định về việc áp dụng luật của nước nơi có bất động sản…Như vậy có thể thấy do tính chất khác biệt cơ bản giữa động sản và bất động sản, các nhà làm luật phân loại nhằm mục đích xây dựng và hình thành chế độ pháp lý đặc thù cho từng loại tài sản đó.
Khác với pháp luật Việt Nam, pháp luật La Mã quy định rõ ràng việc phân loại vật (chứ không phải tài sản) theo đặc tính di dời (Res mobiles) hoặc không di dời được (Res immobiles). Việc phân loại như vậy sẽ dễ dàng hơn trong việc xác định hơn là phân loại theo cách liệt kê như pháp luật Việt Nam.
- Hoa lợi và lợi tức (Điều 175 Bộ luật Dân sự 2005):
Hoa lợi là những sản vật tự nhiên có tính chất hữu cơ do tài sản mang lại cho chủ sở hữu. Ví dụ: Hoa quả của cây, gia súc nhỏ do mẹ chúng sinh ra. Lợi tức là khoản lợi mà chủ sở hữu thu được từ việc khai thác công dụng của tài sản. Ví dụ: Khoản tiền thu được từ việc cho thuê nhà, tiền lãi thu được từ việc cho vay tài sản.
Trong một số trường hợp, việc xác định hoa lợi, lợi tức là cần thiết bởi hoa lợi, lợi tức được coi là độc lập so với tài sản ban đầu. Ví dụ như khi thế chấp tài sản, bên thế chấp có quyền được khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản, trừ trường hợp hoa lợi, lợi tức cũng thuộc tài sản thế chấp theo thỏa thuận (ĐIều 349 Bộ luật Dân sự 2005). Hoặc trường hợp xác định nghĩa vụ hoàn trả hoa lợi, lợi tức theo Điều 601 Bộ luật Dân sự 2005:
Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật và không ngay tình thì phải hoàn trả hoa lợi, lợi tức thu được từ thời điểm chiếm hữu, sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.[13]
- Vật chính và vật phụ (Điều 176 Bộ luật Dân sự 2005):
Trên phương diện vật lý, các vật này độc lập với nhau nhưng về giá trị và ý nghĩa kinh tế thì một vật chỉ có thể có giá trị khi đi kèm với vật kia. Vật chính là vật độc lập, có thể khai thác công dụng theo tính năng, vật phụ là vật trực tiếp phục vụ cho việc khai thác công dụng của vật chính, là một bộ phận của vật chính nhưng có thể tách rời vật chính. Theo nguyên tắc chung, vật chính và vật phụ là đối tượng thống nhất, nếu các bên không có thỏa thuận khác thì vật phụ phải đi kèm vật chính khi thực hiện nghĩa vụ chuyển giao vật chính. Tuy nhiên, các bên có thể có thỏa thuận khác như chỉ giao vật chính hoặc vật phụ mà thôi. Không thể coi là vật phụ nếu bản thân nó là một bộ phận cấu thành của vật chính.
Việc phân loại vật chính, vật phụ có ý nghĩa pháp lý quan trọng trong việc thực hiện nghĩa vụ chuyển giao vật, thông thường khi giao kết giao dịch dân sự có nghĩa vụ chuyển giao vật, các bên có quy định rõ đối tượng phải chuyển giao và vật
chính phải đi kèm với vật phụ trừ khi các bên có thỏa thuận rõ ràng khác. Đó là nguyên tắc accessorium sequitur principale - vật phụ có cùng số phận với vật chính. - Vật chia được và vật không chia được (Điều 177 Bộ luật Dân sự 2005):
Vật chia được là những vật khi được phân chia thành các phần nhỏ thì mỗi phần đó vẫn giữ nguyên các tính chất ban đầu và giữ nguyên tính năng sử dụng của vật đó. Ví dụ: xăng, dầu, gạo có thể phần chia thành nhiều phần khác nhau nhưng vẫn giữ nguyên được tính chất và tính năng sử dụng. Vật không chia được là những vật khi phân chia thành những phần nhỏ, nó không giữ được tính chất và tính năng sử dụng ban đầu. Ví dụ: Giường tủ, đồng hồ, xe máy, xe đạp… Những vật không chia được khi buộc phải chia thì phải trị giá bằng tiền để chia. Người nào giữ vật phải trả cho người kia số tiền có giá trị tương đương với phần của họ.
Trong quan hệ dân sự, việc phân loại vật chia được và không chia được chỉ mang tính chất tương đối. Các đối tượng của quan hệ dân sự trong trường hợp này là vật không chia được nhưng trong trường hợp khác là vật chia được như nhà ở và đất đai. Khi phân chia di sản nếu nhà ở và đất ở chia ra được thành hai hay nhiều phần mà các chủ sở hữu đều có thể sử dụng được thì đó là vật chia được.
- Vật tiêu hao và vật không tiêu hao (Điều 178 Bộ luật Dân sự 2005):
Về phương diện vật lý, mọi vật khi qua một lần sử dụng đều bị hao mòn hay tiêu hao. Trong pháp lý, vật tiêu hao là những vật mà khi sử dụng thì mất đi hoặc không còn giữ nguyên được hình dáng, tính chất và tính năng sử dụng ban đầu. Nó giảm trọng lượng hoặc đã biến đổi sang vật khác ở trạng thái khác. Ví dụ: phim ảnh, vôi, cát, xăng dầu, các loại thực phẩm… vì vậy vật tiêu hao không thể là đối tượng của hợp đồng cho thuê hoặc hợp đồng cho mượn. Vật không tiêu hao là những vật mà khi đã qua quá trình sử dụng nhiều lần mà cơ bản vẫn giữ được tính chất, hình dáng và tính năng sử dụng ban đầu của vật. Ví dụ: Nhà ở, phương tiện máy móc… - Vật cùng loại và vật đặc định (Điều 179 Bộ luật Dân sự 2005):
Vật cùng loại là những vật có cùng hình dáng, tính chất, tính năng sử dụng và thường được xác định bằng những đơn vị đo lường như mét, lít…ví dụ: xăng dầu cùng loại, gạo cùng loại…Vật cùng loại có cùng chất lượng có thể thay thế được cho nhau. Theo nguyên tắc chung, nếu vật cùng loại bị tiêu hủy thì có thể thay thế bằng vật cùng loại khác.
Vật đặc định là những vật độc nhất, không thay thế được, có thể phân biệt được với vật khác bằng các dấu hiệu đặc trưng riêng biệt của vật đó về ký hiệu, hình dáng, màu sắc, chất liệu, đặc tính, vị trí. Khi vật đặc định độc nhất bị tiêu hủy thì không thể thay thế bằng vật khác, quan hệ pháp luật về sở hữu đối với vật đó cũng chấm dứt. Ví dụ: Bức tranh của họa sỹ… Vật được đặc định hóa là vật mà trước đó là vật cùng loại, về sau được gán cho một đặc điểm nào đó trở thành độc nhất, không thay thế được, ví dụ: quyển sách có bút tích ký tặng của tác giả… Khi thực hiện nghĩa vụ chuyển giao vật đặc định thì phải chuyển giao đúng vật đó.
Ý nghĩa của việc phân loại vật cùng loại và vật đặc định: Khi thực hiện nghĩa vụ chuyển giao vật, nếu là vật cùng loại, bên có nghĩa vụ có thể thay thế vật tương tự, nhưng nếu là nghĩa vụ giao vật đặc định thì phải chuyển giao đúng vật đó. Ngoài ra, trong trường hợp bù trừ nghĩa vụ theo Điều 380 Bộ luật Dân sự 2005 nếu các bên cùng có nghĩa vụ về tài sản cùng loại đối với nhau thì khi cùng đến hạn họ không phải thực hiện nghĩa vụ với nhau và nghĩa vụ được xem là chấm dứt (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác). Điều 386 Bộ luật Dân sự 2005 quy định về việc chấm dứt nghĩa vụ khi vật đặc định không còn: Nghĩa vụ giao vật chấm dứt trong trường hợp vật phải giao là vật đặc định không còn, các bên có thể thỏa thuận thay thế vật khác (Quy định này làm mất ý nghĩa của việc phân loại vật đặc định và vật cùng loại, vì bản chất vật đặc định là không thể thay thế được) hoặc bồi thường thiệt hại.
- Vật đồng bộ (Điều 180 Bộ luật Dân sự 2005):
Vật đồng bộ là một tập hợp các vật mà chỉ có đầy đủ các vật đó mới có giá trị sử dụng, ví dụ: bộ bàn ghế, bộ tem thư, các thiết bị đồng bộ… Tập hợp các vật
phải liên hệ với nhau thành chỉnh thể mà thiếu một trong các phần thì không sử dụng được hoặc giá trị sử dụng của tập hợp đó bị giảm sút. Theo nguyên tắc chung, vật đồng bộ là đối tượng thống nhất trong các giao dịch dân sự. Vì vậy khi thực hiện nghĩa vụ chuyển giao vật đồng bộ thì phải chuyển giao toàn bộ các phần hoặc các bộ phận hợp thành vật đồng bộ. Tuy nhiên, các bên có thể thỏa thuận chuyển giao từng vật trong bộ đó.
- Quyền tài sản (Điều 181 Bộ luật Dân sự 2005):
Quyền tài sản được coi là tài sản nhưng có tính chất đặc thù. Chỉ những quyền nào trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao cho người khác trong giao lưu dân sự thì mới được coi là quyền tài sản, có thể trở thành đối tượng của một hợp đồng dân sự cụ thể. Quyền sở hữu trí tuệ cũng được coi là quyền tài sản.
Hiện nay, pháp luật Việt Nam một số quyền tài sản như sau: Quyền sử dụng đất, quyền tài sản đối với quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng, quyền đòi nợ, quyền được nhận số tiền bảo hiểm đối với vật bảo đảm, quyền tài sản đối với phần vốn góp trong doanh nghiệp, quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng, quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên (Điều 322 Bộ luật Dân sự 2005).
- Phân loại vật theo chế độ pháp lý:
Căn cứ vào chế độ pháp lý của vật, ta có thể phân chia vật theo chế độ: Vật cấm lưu thông, vật hạn chế lưu thông và vật tự do lưu thông.
Vật cấm lưu thông: là những vật vì vai trò to lớn của nó đối với nền kinh tế quốc dân hoặc đối với an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia… Nhà nước cấm mua bán, chuyển dịch, chuyển nhượng… ví dụ: vật là vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, chất ma túy… Người nào tàng trữ, sử dũng, mua bán các loại vật cấm lưu thông trên có thể bị truy tố và xử lý theo pháp luật.
Vật cấm lưu thông không thể là đối tượng trong các giao dịch dân sự của công dân, tổ chức. Việc lưu thông các loại vật này do các cơ quan nhà nước có thẩm