Thời kỳ Pháp thuộc

Một phần của tài liệu Hợp đồng vay tài sản theo quy định pháp luật dân sự Việt Nam (Trang 32 - 33)

Sau khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, dưới sự cai trị và ảnh hưởng sâu sắc của pháp luật chế độ thực dân Pháp, pháp luật Việt Nam đã có sự chuyển biến rõ nét. Bắt đầu đã có sự phân hoá hai ngành luật: Dân luật và Hình luật. Trong giai đoạn này có ba Bộ dân luật áp dụng ba miền khác nhau: Bộ Dân luật giản yếu Nam Kỳ ban hành 10/3/1883 (miền Nam), Bộ Dân luật Bắc Kỳ ban hành 01/04/1931 (miền Bắc), Bộ Hoàng Việt Trung Kỳ hộ luật ban hành 31/10/1936 (miền Trung).

Bộ Dân luật giản yếu Nam Kỳ gồm có 11 thiên, cả về bố cục lẫn nội dung phỏng theo Quyển I quy định về nhân thân của Bộ luật Dân sự Pháp. Bộ luật này không đề cập đến các vấn đề về nghĩa vụ, hợp đồng, thừa kế… mà chỉ quy định các vấn đề về nhân thân. Do vậy, ở miền Nam thời kỳ này, khi giao kết các hợp đồng vay tài sản, các bên thường tuân theo các chuẩn mực pháp lý trong Bộ luật Hồng Đức và Bộ luật Gia Long. Khi xét xử các tranh chấp về vấn đề này, Toà án Pháp ở Nam Kỳ phải tham khảo Bộ luật Gia Long với tính cách là tục lệ, có khi các thẩm phán lại dựa vào Bộ luật nhà Lê [38, tr. 118].

Khác với Bộ Dân luật giản yếu Nam Kỳ, trong Bộ Dân luật Bắc Kỳ và Bộ Hoàng Việt Trung Kỳ hộ luật các quy định của hợp đồng vay được đề cập khá đầy đủ. Bộ dân luật Bắc kỳ quy định về hợp đồng vay mượn từ Điều 1277 đến Điều 1326.

Nói về việc vay mượn tại Chương IV Bộ Hoàng Việt Trung kỳ hộ luật chia việc vay mượn thành hai loại:

- Vay mượn những vật có thể dùng được mà không mất đi.

- Vay mượn những vật có thể dùng được mà mất đi (gọi là cho mượn để tiêu hoặc cho vay).

Tại Điều 1298 tiết thứ hai Bộ Hoàng Việt Trung kỳ hộ luật có quy định: "đối tượng vay có thể là tiền kẽm, vàng nén, bạc nén, thực phẩm như

thóc lúa"… và cũng tại Điều 1303 Bộ Hoàng việt Trung kỳ hộ luật quy định:

"Bên vay phải trả lãi nếu đã vay đúng như số lượng cùng phẩm hạn lúc vay

và phải đúng hạn". Bên cạnh đó, Bộ Hoàng Việt Trung kỳ hộ luật cũng áp

dụng hình phạt chậm trả cho những đối tượng (bên vay) đã đến hạn trả nợ mà không trả, điều đó thể hiện tại Điều 1306 "Nếu đến hạn mà bên vay không

hoàn lại của vay hay giá tiền, thì người ấy phải chịu tiền lời về sự trả chậm theo điều kiện hai bên đã định với nhau, kể từ ngày đáo hạn lần đầu…", và tại

Điều 1309 quy định: "Tiền lời có ước định trước, thì bên vay nợ mới phải

trả", tư tưởng này đến nay vẫn còn giá trị.

Mặt khác, tại tiết thứ hai này (tức vay mượn những vật dùng mà tiêu mất đi) đã có quy định hai loại hợp đồng: vay có kỳ hạn và vay không kỳ hạn tại các điều 1300, 1301, 1918, 1919 Bộ Hoàng Việt Trung Kỳ hộ luật. Những quy định này đã phát huy được hành lang pháp lý cho việc xác lập các quan hệ về vay tài sản, tạo chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử của các chủ thể khi giao kết hợp đồng vay tài sản, tạo cơ sở pháp lý cho Toà án trong việc giải quyết các tranh chấp về hợp đồng vay tài sản.

Một phần của tài liệu Hợp đồng vay tài sản theo quy định pháp luật dân sự Việt Nam (Trang 32 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)