Về hợp đồng tín dụng

Một phần của tài liệu Hợp đồng vay tài sản theo quy định pháp luật dân sự Việt Nam (Trang 71 - 74)

Đối với hoạt động vay tín dụng Ngân hàng, hiện nay Nhà nước đã có chính sách vay vốn cụ thể cho từng đối tượng, từng thành phần kinh tế và địa phương đồng thời song song với chính sách vay vốn thì hàng loạt các biện pháp bảo đảm như: thế chấp, cầm cố, bảo lãnh,… đã được ban hành nhằm bảo vệ quyền lợi của Ngân hàng trong việc cho vay vốn. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định lãi suất cho vay trên thị trường không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản mà Ngân hàng Nhà nước công bố. Theo các Ngân hàng, đây là một kiểu ràng buộc lãi suất mang tính hành chính, gây khó cho hoạt động tín dụng và hạn chế sự phát triển dịch vụ của ngành ngân hàng.

Trên thực tế, lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại được hình thành trên cơ sở thoả thuận với khách hàng, cộng với chi phí và tỷ lệ rủi ro. Áp dụng tỷ lệ nhất định như Bộ luật Dân sự năm 2005 vô hình chung tạo ra một kiểu lãi suất trần, khống chế đầu ra của các Ngân hàng, ngược với chủ trương tự do hoá lãi suất mà Ngân hàng Nhà nước thực hiện.

Ngân hàng nhà nước công bố lãi suất cơ bản theo định kỳ hàng tháng. Do vậy, mức trần lãi suất cho vay tối đa của các tổ chức tín dụng cũng thay đổi tương ứng theo từng tháng. Ví dụ tháng 8/2006 mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố là 8,25%/năm. Như vậy, mức lãi suất vay trong các hợp đồng vay tài sản không được phép vượt quá 12,375%/năm. Tuy nhiên, lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại, nhất là khối cổ phần, ngấp nghé mức 12-13%/năm, cá biệt có trường hợp lên tới 14%/năm. Thực tế, rất nhiều thoả thuận về mức lãi suất cho vay trong các Hợp đồng tín dụng giữa tổ chức tín dụng và khách hàng có mức lãi suất quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố là vi phạm. Hậu quả là khi tranh chấp xảy ra, các tổ chức tín dụng không thể thu được tiền lãi từ hợp đồng tín dụng có mức lãi suất cho vay vượt quy định và thoả thuận cho vay có thể bị vô hiệu hoá.

Do vậy, nếu quy định về lãi suất vay tại Điều 476 Bộ luật Dân sự năm 2005 được áp dụng đối với dịch vụ cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng, thì quy định này là không phù hợp vì bốn lý do chính sau đây:

Thứ nhất, hoạt động cho vay vốn ngân hàng được điều chỉnh bởi các văn bản pháp luật chuyên ngành (Luật các Tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn thi hành). Cho nên, lãi suất cho vay của các ngân hàng đối với khách hàng đã được xác định theo quy định của luật chuyên ngành. Khoản 12 Điều 9 Luật Ngân hàng Nhà nước quy định lãi suất cơ bản là lãi suất do Ngân hàng Nhà nước công bố làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất kinh doanh. Lãi suất cơ bản được Ngân hàng Nhà nước công bố hàng tháng

trên cơ sở tham khảo mức lãi suất cho vay thương mại đối với khách hàng tốt nhất của nhóm các tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước lựa chọn trong từng thời kỳ. Trường hợp cần thiết, Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố điều chỉnh kịp thời. Do đó, lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố là tương đối linh hoạt và sát với lãi suất trên thị trường. Vì vậy, việc các ngân hàng xác định lãi suất cho vay trên cơ sở lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đảm bảo nguyên tắc: hoạt động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước không công bố lãi suất cơ bản đối với

loại cho vay tương ứng mà chỉ công bố lãi suất cơ bản chung. Do đó, các ngân hàng không có đủ cơ sở pháp lý để thực hiện quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về việc hạn chế lãi suất cho vay không quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng. Chính vì vậy, hiện tại lãi suất cho vay của các ngân hàng áp dụng đối với loại cho vay ngắn hạn (từ 12 tháng trở xuống), cho vay trung hạn (từ 12 tháng đến 60 tháng) và cho vay dài hạn (trên 60 tháng) đều được ấn định trên cơ sở mức lãi suất cơ bản chung do Ngân hàng Nhà nước công bố hàng tháng.

Thứ ba, nguồn vốn cho vay của các ngân hàng chủ yếu là tiền gửi của

các tổ chức và cá nhân. Hiện nay, pháp luật không hạn chế lãi suất tiền gửi của các tổ chức và cá nhân tại ngân hàng, nên lãi suất tiền gửi được xác định trên nhu cầu huy động vốn, chính sách khách hàng, chiến lược kinh doanh của từng ngân hàng và mặt bằng lãi suất tiền gửi trên thị trường. Do đó, nếu pháp luật hiện hành không hạn chế lãi suất huy động (lãi suất tiền gửi) mà Bộ luật Dân sự năm 2005 khống chế lãi suất cho vay đối với dịch vụ tín dụng ngân hàng, thì ngân hàng có thể thua lỗ do lãi suất cho vay bằng hoặc thấp hơn lãi suất huy động. Thậm chí ngay cả trường hợp lãi suất cho vay cao hơn lãi suất huy động, ngân hàng vẫn có thể không có lãi vì khoản chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động chưa đủ bù đắp các chi phí cho hoạt động của

ngân hàng liên quan đến hoạt động huy động vốn và cho vay đó. Do vậy, việc các ngân hàng bị hạn chế lãi suất cho vay theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 mà không có quy định lãi suất trần hoặc lãi suất sàn đối với lãi suất tiền gửi là chưa hợp lý.

Thứ tư, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương

mại Thế giới (WTO) vào tháng 11/2006. Do đó, chính sách tiền tệ của nước ta cần được tiếp tục đổi mới theo nguyên tắc trên thị trường với việc phát triển thị trường tiền tệ phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn Việt Nam. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X cũng khẳng định hạn chế và xoá bỏ sự can thiệp hành chính vào quá trình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Vì vậy, việc Bộ luật Dân sự năm 2005 hạn chế lãi suất vay nêu trên mà không có loại trừ đối với một số lĩnh vực đặc thù đã được điều chỉnh bởi các văn bản pháp luật chuyên ngành không chỉ không phù hợp với chủ trương và chính sách của Đảng, xu thế hội nhập kinh tế quốc tế mà còn không nhất quán với cơ chế điều hành lãi suất hiện hành của Ngân hàng Nhà nước.

Một phần của tài liệu Hợp đồng vay tài sản theo quy định pháp luật dân sự Việt Nam (Trang 71 - 74)