CHỦ THỂ CỦA HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN

Một phần của tài liệu Hợp đồng vay tài sản theo quy định pháp luật dân sự Việt Nam (Trang 37 - 39)

Chủ thể trong hợp đồng vay tài sản là những cá nhân, tổ chức có đầy đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi theo quy định của pháp luật.

Chủ thể trong quan hệ hợp đồng vay tài sản bao gồm:

a) Hệ thống ngân hàng

Đây là nhóm chủ thể quan trọng trong hợp đồng vay tài sản, nhất là trong điều kiện kinh tế phát triển ổn định và nhu cầu về vốn để mở rộng sản xuất ngày càng lớn.

Ngân hàng là cơ quan được Nhà nước giao cho những quyền hạn, nhiệm vụ vừa là cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm quản lý, lưu thông tiền tệ của Nhà nước nhằm ổn định nền kinh tế, ổn định đời sống nhân dân và vừa thực hiện kinh doanh có hiệu quả. Ngân hàng khi tham gia vào quan hệ hợp đồng vay tài sản với tư cách là trung tâm kinh doanh tiền tệ vừa là người đi vay, vừa là người cho vay. Theo quy định của Nhà nước thì Ngân hàng có quyền cho các tổ chức, cá nhân vay để hoạt động sản xuất kinh doanh với lãi suất nhất định, đồng thời được phép sử dụng đồng tiền nhàn rỗi trong nhân dân để kinh doanh.

b) Cá nhân

Đây là chủ thể khá phổ biến. Trong việc xác lập, thực hiện một giao dịch dân sự, không phải mọi cá nhân đều bình đẳng với nhau, trái lại khả năng đó phụ thuộc vào năng lực hành vi dân sự của mỗi cá nhân. Pháp luật dân sự nước ta cũng như pháp luật dân sự các nước đều quy định cá nhân ở mỗi độ tuổi khác nhau, có khả năng nhận biết hành vi khác nhau thì có khả năng tham

gia xác lập, thực hiện một giao dịch dân sự khác nhau. Sở dĩ pháp luật dân sự quy định như vậy vì cho rằng, bản chất của giao dịch dân sự là sự thống nhất giữa tự do ý chí và bày tỏ ý chí, mà điều này chỉ có những cá nhân có khả năng nhận thức được hành vi và hậu quả của hành vi do mình thực hiện mới có thể có được. Hơn nữa khi một giao dịch dân sự nói chung và một hợp đồng vay tài sản nói riêng đã được xác lập, người ta còn quan tâm đến khả năng thực hiện quyền và nghĩa vụ dân sự của các chủ thể. Khả năng này của các cá nhân cũng phụ thuộc vào độ tuổi và khả năng nhận thức của mỗi cá nhân được quy định từ Điều 17 đến Điều 23 Bộ luật Dân sự năm 2005.

- Pháp nhân và các chủ thể khác của quan hệ pháp luật dân sự:

Các chủ thể này được tạo thành bởi sự liên kết của nhiều cá nhân nên khi xác lập thực hiện một giao dịch dân sự trong đó có giao dịch vay tài sản nhất thiết phải thông qua hành vi của người đại diện của chủ thể đó. Ở đây chỉ xem xét hành vi xác lập, thực hiện giao dịch của người đại diện dưới hành vi của một chủ thể quan hệ pháp luật dân sự. Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005, người đại diện được chia thành hai loại: đại diện theo pháp luật và đại diện theo uỷ quyền.

Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác là người đứng đầu các tổ chức đó trên cơ sở quy định của pháp luật hoặc trên cơ sở quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Người đại diện theo uỷ quyền của pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác có thể là một thành viên bất kỳ của pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác trên cơ sở một văn bản uỷ quyền. Việc uỷ quyền chỉ có giá trị pháp lý khi người được uỷ quyền thực hiện đúng nội dung công việc uỷ quyền và trong thời hạn được uỷ quyền.

Tuy nhiên, không phải bất cứ hành vi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự nào (trong đó có giao dịch vay tài sản) của những người đại diện trên đều

được coi là hành vi của pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác. Những hành vi này phải được tiến hành phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động của pháp nhân được ghi trong quyết định thành lập pháp nhân hoặc điều lệ của pháp nhân (Điều 91 Bộ luật Dân sự năm 2005); vì lợi ích chung của hộ gia đình (Điều 107); vì mục đích hoạt động của tổ hợp tác theo quyết định của đa số tổ viên (Điều 113) và phù hợp với quy định của pháp luật. Những hành vi này sẽ làm phát sinh quyền và nghĩa vụ dân sự của các tổ chức đó. Và ngược lại, nếu những hành vi này được tiến hành không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động của pháp nhân; không vì lợi ích chung của hộ gia đình; không vì mục đích hoạt động của tổ hợp tác theo quyết định đa số của tổ viên thì nó sẽ không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ dân sự của các chủ thể. Vì vậy, trách nhiệm phát sinh từ hành vi này do chính người đại diện theo pháp luật hoặc theo uỷ quyền gánh chịu với tư cách pháp nhân.

Một phần của tài liệu Hợp đồng vay tài sản theo quy định pháp luật dân sự Việt Nam (Trang 37 - 39)