Đối tượng cho vay là ngoại tệ

Một phần của tài liệu Hợp đồng vay tài sản theo quy định pháp luật dân sự Việt Nam (Trang 59 - 63)

Về nguyên tắc, người dân có quyền cất giữ tài sản bằng ngoại tệ nhưng khi giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam thì người dân phải bán số ngoại tệ đã cất giữ cho tổ chức tín dụng lấy đồng Việt Nam để sử dụng. Pháp lệnh

Ngoại hối năm 2005 dành riêng chương IV để quy định việc quản lý ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam. Cụ thể:

+ Nghiêm cấm triệt để các giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo bằng ngoại tệ giữa các tổ chức, cá nhân trên lãnh thổ Việt Nam (Điều 22 Pháp lệnh Ngoại hối 2005);

+ Quy định cụ thể về việc mở và sử dụng tài khoản, sử dụng ngoại tệ tiền mặt, thẻ thanh toán và các đồng tiền ở khu vực biên giới (Điều 23, 26, 27 Pháp lệnh Ngoại hối 2005);

+ Quy định quyền và phạm vi sử dụng ngoại tệ tiền mặt của cá nhân (Điều 24, 25 Pháp lệnh Ngoại hối 2005).

Như vậy, theo quy định của pháp luật, cá nhân và tổ chức không được tự do mua bán, cho vay với nhau bằng ngoại tệ. Do đó, ngoại tệ không thể là đối tượng của hợp đồng vay tài sản. Tuy nhiên, thực tế hiện nay trong xã hội, việc người dân, tổ chức giao dịch với nhau bằng ngoại tệ diễn ra khá phổ biến, kể cả trong quan hệ cho vay, mượn. Mặt khác, trong những năm gần đây, do chính sách "mở cửa" của nhà nước ta, việc giao lưu hợp tác với nước ngoài trở thành bình thường hóa. Các quan hệ vay mượn bằng ngoại tệ cũng đã trở nên bình thường hơn và các tranh chấp cũng phát sinh nhiều hơn. Qua việc tìm hiểu một số án về tranh chấp hợp đồng vay nợ trong những năm gần đây có đối tượng tranh chấp là ngoại tệ, chúng ta thấy không có sự thống nhất trong cách áp dụng luật. Mặc dù theo Báo cáo tổng kết của Tòa án nhân dân tối cao năm 2000 có hướng dẫn về vấn đề này là "Buộc bên vay phải trả cho

bên vay khoản nợ gốc, còn khoản lãi mà bên cho vay đã nhận thì buộc họ nộp lại để tịch thu xung quỹ nhà nước" [66]. Tuy nhiên, vấn đề đó cũng chưa đi

vào thực tế và chưa áp dụng một cách thống nhất.

- Trường hợp 1: có Tòa quy đổi số tiền ngoại tệ ra tiền Việt Nam và

buộc bên vay trả số tiền gốc vay bằng ngoại tệ sau khi đã quy đổi ra tiền Việt Nam và khoản tiền lãi bằng đồng Việt Nam.

Thực tiễn: Tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa bà Nguyễn Thị Năm

với bà Nguyễn Thị Bé Hoa. Ngày 18/6/1999, bà Năm có cho bà Hoa vay 50.000 USD, lãi suất 3%/tháng, hạn trả ngày 18/6/2000, có thế chấp căn nhà 475 Trần Hưng Đạo, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Bản án sơ thẩm số 178 ngày 20/11/2000 của Tòa án nhân dân quận 1 và bản án phúc thẩm số 132 ngày 25/4/2001 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã xử buộc bà Hoa có trách nhiệm trả cho bà Năm số tiền tổng cộng là 877.900.000đ (gốc là 785.500.000đ và tiền lãi là 92.400.000đ).

- Trường hợp 2: có Tòa buộc bên vay trả tiền gốc và lãi bằng ngoại tệ cho bên vay.

Thực tiễn: Bản án sơ thẩm số 09 ngày 20/11/1997 của Tòa án nhân

dân quận Ngô Quyền và bản án phúc thẩm số 33 ngày 29/4/1998 của Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng đã xử tranh chấp về hợp đồng hợp đồng vay tài sản giữa anh Nguyễn Xuân Tiến và Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoàn Hải - Hải Phòng. Công ty này phải trả cho anh Tiến 5.000 USD nợ gốc và 1.630 USD tiền lãi, tổng cộng là 6.630 USD.

- Trường hợp 3: có Toà tuyên hợp đồng vô hiệu nhưng khi huỷ hợp

đồng Toà án lại không giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu.

Thực tiễn: Năm 1996 - 2000, ông Nguyễn Đức Từ cho vợ chồng ông

Kiều Xuân Long (Thành phố Hồ Chí Minh) vay 190.000 USD, thể hiện qua hai giấy nợ. Bên vay không trả đúng hạn, tháng 06/2002 ông Từ khởi kiện dân sự ra Toà án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Hội đồng xét xử tuyên buộc vợ chồng ông Long trả lại toàn bộ số tiền. Tỷ giá ngoại tệ quy đổi áp dụng theo công bố của Ngân hàng nhà nước Việt Nam tại thời điểm trả tiền. Bị đơn kháng cáo, xin toà cho một khoảng thời gian nhất định để thu xếp việc trả tiền. Tháng 9/2002 Toà phúc thẩm tuyên huỷ bản án sơ thẩm vì cho rằng đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Việc cho vay bằng ngoại tệ giữa các

bên là giao dịch trái pháp luật, phải tuyên huỷ hợp đồng nhưng toà sơ thẩm lại chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn là không có cơ sở.

Chúng ta thấy rằng, vấn đề áp dụng pháp luật ở đây không thống nhất về các vấn đề hợp đồng vay tài sản là ngoại tệ. Tại Điều 7 "Quyền sử dụng ngoại tệ của cá nhân" Nghị định của Chính phủ về quản lý ngoại hối có quy định:

Trên lãnh thổ Việt Nam, Người cư trú hoặc Người không cư trú là cá nhân có ngoại tệ được quyền cất giữ, mang theo người, được gửi tại ngân hàng và sử dụng theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 5 và Điều 6 của Nghị định này hoặc bán cho các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối và bàn đổi ngoại tệ trên cơ sở tự nguyện [21].

Trong các quy định của Bộ luật Dân sự hiện nay không có quy định đối với đối tượng của hợp đồng vay là ngoại tệ. Do vậy, tất cả những hợp đồng vay tài sản có đối tượng là ngoại tệ được ký kết giữa các chủ thể không được phép hoạt động ngoại hối đều là giao dịch trái luật. Vì vậy, trong quá trình xét xử Toà án phải tuyên bố giao dịch dân sự đó vô hiệu và giải quyết hậu quả của hợp đồng vay ngoại tệ cần theo hướng dẫn tại Báo cáo công tác ngành Toà án năm 2000 và phương hướng nhiệm vụ công tác ngành Toà án năm 2001:

Buộc bên vay phải trả cho bên cho vay khoản nợ gốc, còn khoản lãi mà bên cho vay đã nhận thì buộc họ nộp lại để sung quỹ Nhà nước. Nếu lãi nhận bằng đồng Việt Nam thì nộp bằng đồng Việt Nam; nếu lãi nhận bằng vàng thì nộp lại bằng vàng hoặc bằng đồng Việt Nam tương đương với giá trị vàng tại thời điểm xét xử sơ thẩm; nếu nhận lãi bằng ngoại tệ thì nộp bằng trị giá tiền đồng Việt Nam tương đương với giá trị ngoại tệ do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm xét xử sơ thẩm [66].

Một phần của tài liệu Hợp đồng vay tài sản theo quy định pháp luật dân sự Việt Nam (Trang 59 - 63)