Khi các chủ thể tham gia vào hoạt động vay tài sản vấn đề mà các bên thường quan tâm đó là lợi ích vật chất, đó chính là lãi và lãi suất.
2.5.1. Lãi suất
Lãi suất trong hợp đồng vay tài sản là tỷ lệ nhất định mà người vay phải trả thêm vào số tài sản đã vay tính trên một đơn vị thời gian, nếu các bên có thoả thuận về việc trả lãi hoặc pháp luật có quy định về việc trả lãi. Lãi suất thường được tính theo tuần, tháng hoặc năm do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật quy định. Căn cứ vào lãi suất, số lượng tài sản vay và thời gian vay mà bên vay phải trả một khoản lãi thường là bằng tiền, nhưng cũng có trường hợp các bên thỏa thuận với nhau trả lãi bằng tài sản quy đổi.
Trong hợp đồng vay tài sản, lãi suất là một yếu tố rất quan trọng vì nó là cơ sở để tính lãi và đa số các tranh chấp về hợp đồng vay tài sản có nguyên nhân từ lãi, mức lãi suất. Về nguyên tắc, lãi suất cho vay cụ thể sẽ do các bên thỏa thuận, tuy nhiên, nhằm ngăn ngừa hiện tượng cho vay nặng lãi, bên cho vay lợi dụng lãi suất để thu lời bất chính, và cũng tạo cơ sở pháp lý để giải quyết các tranh chấp về lãi suất hoặc trong trường hợp không có cơ sở xác định rõ mức lãi suất đã thỏa thuận, Bộ luật Dân sự năm 2005 có quy định tại khoản 1 Điều 476: "Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được
vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng" [61].
Mặc dù nước ta đã xoá bỏ cơ chế kế hoạch hoá tập trung bao cấp để chuyển sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa từ đầu
những năm 90 thế kỉ XX, nhưng vì những nguyên nhân chủ quan va khách quan, đến trước ngày 05/08/2000, Ngân hàng Nhà nước vẫn thực hiện cơ chế điều hành trần lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam và đô la Mỹ của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng. Ngay cả khi điều kiện đã thuận lợi, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa trao quyền tự xác định lãi suất cho vay cho các ngân hàng mà chỉ giảm bớt sự can thiệp vào việc xác định lãi suất cho vay của các ngân hàng bằng cách thay thế cơ chế điều hành lãi suất cho vay bằng cơ chế điều hành lãi suất cơ bản đối với cho vay bằng đồng Việt Nam và cơ chế lãi suất thị trường có quản lý đối với cho vay bằng ngoại tệ. Sự thận trọng của Ngân hàng Nhà nước bảo đảm cho Nhà nước quản lý và kiểm soát được hoạt động cho vay đối với khách hàng trên cơ sở lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố nhưng không vượt quá mức lãi suất cơ bản và biên độ do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định từng thời kỳ. Cho đến ngày 30/05/2002, khi xét thấy các điều kiện đã phù hợp cho việc xoá bỏ sự can thiệp vào việc xác định lãi suất cho vay của các ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước mới ban hành Quyết định số 546/QĐ-NHNN để thay đổi cơ chế điều hành theo lãi suất cơ bản cộng với một biên độ nhất định bằng cơ chế lãi suất thoả thuận trong hoạt động tín dụng thương mại bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín nhiệm đối với khách hàng. Chính nhờ có quy định này mà các ngân hàng đã chủ động, linh hoạt hơn trong việc xác định lãi suất vay cho phù hợp với những biến động trên thị trường, qua đó, làm tăng khả năng cạnh tranh của các ngân hàng trong nước với các ngân hàng nước ngoài trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Đối với lãi suất cho vay bằng đô la Mỹ, Ngân hàng Nhà nước chỉ thực sự không can thiệp, cho phép các Ngân hàng ấn định dựa trên cơ sở lãi suất thị trường quốc tế và cung - cầu vốn tín dụng bằng ngoại tệ ở trong nước kể từ ngày 01/06/2001 (Quyết định số 718/2001/QĐ-NHNN ngày 29/05/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước). Trước đó, lãi suất cho vay bằng đô la Mỹ do các tổ chức tín dụng cũng bị hạn chế theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà
nước. Cụ thể, các ngân hàng ấn định lãi suất cho vay bằng đô la Mỹ theo nguyên tắc lãi suất cho vay không vượt quá lãi suất đô la Mỹ trên thị trường tiền tệ ngân hàng Singapore (lãi suất Sibor) kỳ hạn 3 tháng đối với cho vay ngắn hạn, kỳ hạn cho vay 6 tháng đối với cho vay trung hạn, dài hạn tại thời điểm cho vay và một biên độ do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định trong từng thời kỳ (Quyết định số 241/2000/QĐ-NHNN1 ngày 02 tháng 08 năm 2000 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước). Ví dụ: biên độ do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định tháng 08/2000 là 1%/năm đối với cho vay ngắn hạn và 2,5%/năm đối với cho vay trung, dài hạn.
Trước đây, Bộ luật Dân sự năm 1995 có quy định tại khoản 1 Điều 473: "Lãi suất cho vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 50%
của lãi suất cao nhất do Ngân hàng Nhà nước quy định đối với loại cho vay tương ứng" [61]. Lúc bấy giờ, quy định này không chỉ vô hình chung phủ
nhận cơ chế điều hành trần lãi suất của Ngân hàng Nhà nước mà còn không cho phép các ngân hàng được cho vay với lãi suất cao nhất bằng trần lãi suất cho vay tương ứng do Ngân hàng Nhà nước quy định trong từng thời kỳ. Sự quy định không nhất quán giữa Bộ luật Dân sự năm 1995 với các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã đặt các ngân hàng vào tình thế khó xử: nếu xác định lãi suất cho vay theo quy định của Ngân hàng Nhà nước thì ngân hàng mới có lãi để duy trì hoạt động và phát triển kinh doanh; ngược lại, ngân hàng có thể chỉ hoà vốn được lỗ từ hoạt động cho vay nếu lãi suất cho vay được xác định không quá 50% lãi suất vay cao nhất tương ứng do Ngân hàng Nhà nước quy định. Do đó, để an toàn trong hoạt động cho vay, ngân hàng phải xác định lãi suất cho vay theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 1995, nhưng để cho vay có hiệu quả, ngân hàng phải xác định lãi suất cho vay theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Trong trường hợp lãi suất cho vay theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng phải chấp nhận rủi ro khi có tranh chấp phát sinh liên quan đến lãi vay vì khi đó, theo yêu cầu của các bên, toà án xem xét và giải
quyết trên nguyên tắc áp dụng: văn bản quy phạm pháp luật cấp trên (Bộ luật Dân sự do Quốc hội thông qua) có hiệu lực pháp lý cao hơn văn bản quy phạm pháp luật cấp dưới (các quyết định điều hành lãi suất của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước) trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề. Cho nên, lãi suất cho vay được xác định phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước (không vượt lãi suất trần) nhưng vi phạm quy định của Bộ luật Dân sự năm 1995 không được Toà án công nhận. Vì vậy, quyền và lợi ích hợp pháp của Ngân hàng trong trường hợp có tranh chấp phát sinh từ hợp đồng tín dụng có lãi suất cho vay vượt quá 50% lãi suất trần tương ứng của Ngân hàng Nhà nước không được pháp luật bảo vệ.
Do trước khi Bộ luật Dân sự năm 2005 được Quốc hội thông qua, Ngân hàng Nhà nước đã chuyển đổi từ cơ chế điều hành lãi suất trần sang cơ chế tự do hoá lãi suất, nên quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về lãi suất vay đã có sự thay đổi so với quy định trước đây của Bộ luật Dân sự năm 1995. Thay vì quy định lãi suất vay không được vượt quá 50% lãi suất cao nhất tương ứng do Ngân hàng Nhà nước quy định như Bộ luật Dân sự năm 1995, Bộ luật Dân sự năm 2005 đã quy định lãi suất vay không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng. Như đã nêu ở trên, lãi suất vay áp dụng đối với hợp đồng vay tài sản được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2005 cũng được áp dụng đối với hợp đồng vay vốn ngân hàng nên kể từ ngày 01/01/2006, lãi suất cho vay mà các ngân hàng và khách hàng vay thoả thuận trong các hợp đồng tín dụng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng theo đúng quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005.
Về nguyên tắc, tiền lãi chỉ được tính trên nợ gốc. Trong trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi trong việc vay nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân
hàng Nhà nước quy định tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ (khoản 2 Điều 476 Bộ luật Dân sự năm 2005). Vấn đề đặt ra ở đây là quy định về mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố làm tiêu chuẩn cho việc thoả thuận về lãi suất của các bên trong hợp đồng vay tài sản tại khoản 1 Điều 476 Bộ luật Dân sự năm 2005 chỉ có thể áp dụng được đối với hợp đồng vay tài sản có đối tượng là tiền. Vậy đối với những hợp đồng vay có đối tượng không phải là tiền mà các bên có thoả thuận về việc trả lãi thì lãi thì lấy mức lãi suất nào làm tiêu chuẩn? Làm cách nào để bảo vệ người đi vay không chịu lãi suất cao? Theo tác giả, trong trường hợp này cần được quy đổi ra tiền rồi áp dụng tương tự như quy định tại khoản 1 Điều 476 Bộ luật Dân sự năm 2005.