Về hình thức của hợp đồng vay tài sản

Một phần của tài liệu Hợp đồng vay tài sản theo quy định pháp luật dân sự Việt Nam (Trang 65 - 67)

Hiện nay, các vụ án tranh chấp về hợp đồng vay tài sản chiếm một số lượng lớn trong các vụ án dân sự. Đặc biệt, thời gian qua số lượng các vụ tranh chấp về hợp đồng vay tài sản có hình thức bằng lời nói chiếm tỷ lệ lớn. Đối với những loại hợp đồng vay này nếu không có người thứ ba làm chứng, thì tạo rất nhiều khó khăn cho thẩm phán trong xác định, đánh giá chứng cứ. Trừ các hợp đồng vay tín dụng với ngân hàng, còn phần lớn các vụ án vay nợ được xác lập giữa các đương sự không có hợp đồng vay mượn. Chứng cứ làm cơ sở để bên cho vay kiện bên đi vay là các loại giấy tờ như giấy vay tiền, giấy xác nhận nợ. Về hình thức, các giấy nợ vô cùng sơ sài, cẩu thả, nhưng trong đó lại ghi nhận cho vay với nhau hàng chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Về vấn đề này, trong Báo cáo tổng kết công tác kiểm sát giải quyết án về hợp đồng vay tài sản năm 1998 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao nêu rõ:

Về nội dung của bản kết luận cần phần tích đánh giá tình tiết của vụ án, đặc biệt là chú ý đến nội dung của bản hợp đồng vay tài sản (nếu có bản hợp đồng viết). Nếu chỉ là hợp đồng miệng cần chú ý đến lời khai của các bên liên quan đến việc vay tài sản, từ đó đánh giá những nội dung mà hai bên thống nhất (tài sản gốc, lãi). Những trường hợp chỉ một bên khai hoặc tuy hai bên có khai nhưng mâu thuẫn, thì thông thường lời khai của bị đơn (bên vay) là có cơ sở. Trường hợp bên cho vay có khai cho bên vay nhiều khoản tài sản nhưng có những khoản tài sản Toà án cho hỏi bên cho vay thì yêu cầu làm rõ trước khi kết luận vụ án".

Thực tiễn: Vụ án Lê Văn Tải kiện hợp tác xã Vĩnh Hoa, xã Quỳnh

Vinh, Quỳnh Lưu (Toà án nhân dân tỉnh Nghệ An, án phúc thẩm số 07/DSPT ngày 20/3/2001).

Tháng 9/1991 ông Tải có cho hợp tác xã vay 1.600.000đ lãi suất 9%/tháng. Khi đó kế toán là ông Cừ và thủ quỹ là ông Hảo có lập phiếu thu và giấy vay, nhưng nội dung của phiếu thu và giấy vay không nói rõ là vay của ai. Khi thanh toán chi trả số tiền này lại chỉ chi trả cho ông Cừ và ông Hảo chứ không phải ông Tải. Theo ông Cừ và ông Hảo, sau đó họ chi trả cho ông Tải. Ông Cừ và ông Hảo thừa nhận hợp tác xã còn nợ ông Tải tính đến 30.1.1995 là 6.550.560đ cả gốc và lãi. hợp tác xã làm giấy chuyển nợ cho ông Tải lấy tại xóm trưởng xóm 8, nhưng cho đến nay ông vẫn chưa được thanh toán khoản nợ này. Vì vậy, ông Tải làm đơn yêu cầu toà án giải quyết.

Án sơ thẩm quyết định: xác định hợp tác xã còn nợ ông Tải số tiền 6.550.560đ tính mức lãi suất 2%/tháng từ tháng 2/1995 đến tháng 12/2000 để buộc hợp tác xã phải trả cho ông Tải tổng cộng số tiền 15.880.500đ.

Lý do: căn cứ vào Điều 467 để xác định đây là hợp đồng vay tài sản, Điều 471 xác định nghĩa vụ của bên vay, Điều 473 Bộ luật Dân sự để xác định lãi suất tiền vay.

Kháng cáo: hợp tác xã yêu cầu xem xét lại việc vay tiền không có khế ước vay, không có chữ ký của chủ tài khoản, khi thay đổi ban quản lý hợp tác xã không nhận được báo cáo bàn giao nên không có vào sổ sách chi trả cho ông Tải.

Án phúc thẩm quyết định: Sửa án sơ thẩm, bác đơn yêu cầu của ông Tải về việc kiện đòi hợp tác xã Vĩnh Hoa.

Lý do: Áp dụng khoản 2 Điều 69 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, Điều 468 Bộ luật Dân sự về hình thức của hợp đồng vay tài sản, căn cứ vào các biện luận về việc thủ quỹ và kế toán tự lập phiếu thu, phiếu chi không có tên ông Tải là việc làm trái nguyên tắc thu chi tài chính nên ông Tải không có căn cứ để khởi kiện hợp tác xã Vĩnh Hoa.

Cùng một vụ án nhưng hai cấp đã có những quan điểm khác nhau và dẫn đến việc áp dụng điều luật cũng khác nhau. Cấp sơ thẩm đã dựa vào các

điều luật đã được trích dẫn để xác định đây là hợp đồng vay tài sản nhưng chưa tiến hành xác định rõ hình thức của hợp đồng này là văn bản hay là miệng. Trên thực tế thì không có văn bản nào thể hiện việc hợp tác xã vay tiền của ông Tải, còn nếu hợp đồng là giao kết bằng miệng thì không hợp pháp vì mọi hoạt động tài chính của hợp tác xã đều phải lập sổ sách kế toán. Do vậy, quyết định của cấp sơ thẩm là không đúng. Do vậy, hợp đồng vay tài sản giữa cá nhân với pháp nhân nhất thiết phải lập thành văn bản, nên chăng Bộ luật Dân sự cần bổ sung quy định này.

Một phần của tài liệu Hợp đồng vay tài sản theo quy định pháp luật dân sự Việt Nam (Trang 65 - 67)