LUẬT DÂN SỰ VỀ HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN
Không thể phủ nhận tầm quan trọng và vai trò của chế định hợp đồng nói chung, và hợp đồng vay tài sản nói riêng đối với việc bảo đảm sự công bằng, hài hoà lợi ích của mọi chủ thể trong giao lưu dân sự. Nó không chỉ là cơ sở pháp lý để giải quyết các tranh chấp hợp đồng mà còn góp phần xây dựng nên ý thức pháp luật của người dân. Sự ra đời của Bộ luật Dân sự năm 1995 cũng như những cố gắng đóng góp trong việc sửa đổi Bộ luật Dân sự
năm 2005 đánh dấu bước quan trọng trong việc ghi nhận và bảo đảm có tính pháp lý cao nhất của nhà nước đối với quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân và tổ chức. Chiếm vị trí xương sống của Bộ luật, chế định hợp đồng nói chung và chế định hợp đồng vay tài sản nói riêng thể hiện nhiều tư tưởng pháp lý tiến bộ và khoa học. Thực tế, chế định hợp đồng vay tài sản đã góp phần tích cực trong việc giải quyết hàng trăm nghìn vụ án tranh chấp, bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa, thể hiện tính công minh của pháp luật. Nhưng thực tế cũng cho thấy, nhiều tranh chấp đã không được giải quyết thoả đáng kịp thời, gây khiếu kiện kéo dài, làm giảm sút niềm tin vào tính nghiêm minh và đúng đắn của pháp luật. Thiệt hại là công lý chưa bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể. Bởi vậy, việc hoàn thiện những quy định của chế định hợp đồng vay tài sản được xem là nhiệm vụ có tính cấp bách và kịp thời.