Dưới góc độ lập pháp, "hình sự hoá" là hoạt động mang tính quy luật tất yếu, khách quan, phản ánh sự nhận thức, sự đánh giá và tỏ thái độ của Nhà nước, của cộng đồng để xác định những hành vi nào là hành vi nguy hiểm ở mức độ đáng kể cho xã hội. Như vậy, "hình sự hoá" là việc quy định hình phạt, điều kiện quyết định hình phạt đối với loại tội phạm này hay tội phạm khác.
Qua thực tiễn xét xử của Toà án các cấp cho thấy các vụ việc bị hình sự hoá thường gắn liền với tranh chấp về tài sản hoặc về hợp đồng có liên quan đến tài sản. Bên có quyền bị xâm phạm đã không khởi kiện ra toà dân sự, toà kinh tế, mà đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành khởi tố, điều tra, truy tố đối với người vi phạm nghĩa vụ. Trong thực tế, cá biệt cũng có những trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng cố ý dùng biện pháp khởi tố, điều tra để đòi nợ cho chủ nợ.
Quan hệ vay mượn tài sản hay tiền bạc là một hình thức giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn thiếu vốn. Đương nhiên có vay phải có trả và người vay còn phải chịu mức lãi suất nếu các bên có thoả thuận và trên cơ sở tự nguyện. Tuy nhiên, trong thời gian qua các quan hệ nêu trên có nhiều biến tướng tiêu cực, khó kiểm soát nổi. Tình trạng vay mượn dưới hình thức diễn ra rất phổ biến, kết cục là các "con nợ" không có khả năng trả nợ. Lúc này một vấn đề được đặt ra "con nợ" hay người đi vay cố ý không chịu trả nợ hay nói cách khác họ đã có hành vi lừa đảo lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của người khác hay không?
Theo Điều 139, 140 Bộ luật hình sự năm 1999 thì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác bằng những thủ đoạn gian dối. Như vậy, hành vi chiếm đoạt tài sản là việc cố ý chuyển dịch tài sản của người khác thành tài sản thuộc sở hữu của mình một cách bất hợp pháp, ý thức chiếm đoạt có thể phát sinh trước, trong hoặc sau khi đã chiếm giữ tài sản. Điều này luôn có ý nghĩa quyết định về việc xác định trách nhiệm hình sự hay trách nhiệm dân sự là căn cứ then chốt để các cơ quan tiến hành định tội. Tránh trường hợp "hình sự hoá" các quan hệ dân sự, các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải chứng minh một cách rõ ràng cụ thể.
Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 140 Bộ luật Hình sự) bao gồm hai trường hợp:
- Bằng những thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn, chiếm đoạt tài sản của người khác đã giao cho mình trên cơ sở hợp đồng vay mượn…
- Sử dụng tài sản của người khác đã được giao cho mình trên cơ sở hợp đồng vay mượn vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
Hành vi phạm tội của Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là hành vi chiếm đoạt toàn bộ hay một phần tài sản đã được giao trên cơ sở hợp
đồng đã được ký kết giữa chủ tài sản và người có hành vi chiếm đoạt. Đối tượng của hành vi chiếm đoạt trong tội này là những tài sản được giao ngay thẳng cho người phạm tội trên cơ sở hợp đồng. Hành vi chiếm đoạt ở đây là hành vi không thực hiện đúng hợp đồng thể hiện ở chỗ: không trả lại tài sản bằng thủ đoạn bỏ trốn hoặc bằng thủ đoạn gian dối như giả tạo bí mật, đánh tráo tài sản vào mục đích bất hợp pháp.
Tuy nhiên, trong hợp đồng vay tài sản không kỳ hạn rất khó xác định thời hạn nào là trả cũng như xác định hành vi chiếm đoạt từ lúc nào. Có trường hợp bên đi vay chưa có điều kiện thực sự, nhưng cũng có trường hợp người đi vay cố ý dây dưa nhằm mục đích chiếm đoạt. Đó là vấn đề mà các cơ quan Toà án khi giải quyết các vụ việc như thế nào cần phải xác định rõ hành vi đó có phải là hành vi chiếm đoạt hay không? Với những quy định về các tội trong Bộ luật Hình sự như vậy sẽ góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của các bên khi thực hiện nghĩa vụ trả nợ của mình. Thực tiễn xét xử cho thấy, việc lạm dụng áp dụng pháp luật hình sự đối với các hành vi vi phạm nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng vay tài sản thông qua việc can thiệp thái quá, không cần thiết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã xảy ra phổ biến, gây ra những thiệt hại không nhỏ cho cá nhân, gia đình, bạn bè,... của người bị xử oan và tác động xấu tới toàn xã hội.