Lãi suất nợ quá hạn là một trường hợp đặc biệt của lãi suất, nó được áp dụng trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả nợ không đầy đủ cho bên cho vay.
Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: "Trong trường hợp bên có nghĩa
vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm tar tại thời điểm thanh toán, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác" [61, khoản 2 Điều 305]. Và "trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ" [61, khoản 5 Điều 474]. Theo
các quy định này thì lãi suất nợ quá hạn được tính tại thời điểm trả nợ, bằng mức lãi suất do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả.
Trước đây, khái niệm "tương ứng với thời gian chậm trả" và "tương
ứng với thời hạn vay" theo hướng dẫn của Toà án nhân dân tối cao, là khoản
ghi trong hợp đồng (nếu không được gia hạn) hoặc tiếp theo sau ngày hết hạn của thời hạn được gia hạn nợ nếu người vay vẫn chưa trả hết nợ đến ngày xét xử sơ thẩm. Khoảng thời gian này tương ứng với thời hạn của loại cho vay nào (ngắn hạn, trung hạn, dài hạn) của Ngân hàng nhà nước thì áp dụng mức trần lãi suất cho vay của loại đó [66, tr. 28]. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay, khái niệm "tương ứng với thời hạn vay" là không rõ ràng, bởi Ngân hàng Nhà nước không công bố mức lãi suất cơ bản khác nhau tương ứng với từng loại cho vay: ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Do đó, khái niệm "tương ứng với
thời hạn vay" chỉ có thể được hiểu là khoảng thời gian do các bên thoả thuận
ghi trong hợp đồng vay. Khoảng thời gian này đã được tính lãi trong hạn, nên không thể áp dụng để tính lãi nợ quá hạn nữa.
Đối với khoản nợ đến hạn nếu chưa trả được và không được gia hạn thì phải chuyển sang nợ quá hạn và áp dụng lãi suất nợ quá hạn. Trước đây, theo Quyết định 266/QĐ-NH1 ngày 27/09/1996 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thì nếu hợp đồng vay tiền được xác lập trước 01/10/1996, thì lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 150% mức lãi suất ghi trong hợp đồng; nếu hợp đồng vay tiền được xác lập sau 01/10/1996, thì lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 150% mức trần lãi suất cho vay cùng loại do Ngân hàng Nhà nước công bố. Sau đó quy định này đã được sửa đổi theo hướng dành quyền chủ động cho tổ chức tín dụng trong phạm vi tối đa do Ngân hàng Nhà nước quy định theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.