ĐỐI TƢỢNG CỦA HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN

Một phần của tài liệu Hợp đồng vay tài sản theo quy định pháp luật dân sự Việt Nam (Trang 39 - 41)

Trong Hợp đồng vay tài sản, điều khoản về đối tượng là một trong những điều khoản chủ yếu, nó là căn cứ để thực hiện các điều khoản khác. Theo quy định tại Điều 471 Bộ luật Dân sự năm 2005: "Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; …". Điều 163 Bộ luật Dân sự năm 2005 đã xác định tài sản là: "Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản". Như vậy, đối tượng của hợp đồng vay tài sản có thể là tiền, vàng, kim khí quý, đá quý, vật, giấy tờ có giá,… trong đó tiền và vật là hai đối tượng phổ biến. Thực tiễn xét xử tranh chấp về hợp đồng vay tài sản cho thấy, đối tượng của hợp đồng vay tài sản thường là tiền, vì tiền là vật trao đổi ngang giá chung cho mọi hàng hoá, tiện lợi cho việc trao đổi và tiện lợi cho việc thanh toán khi trả nợ.

Theo định nghĩa tiền tệ của Luật Ngân hàng nhà nước thì tiền bao gồm tiền giấy, tiền kim loại và các giấy tờ có giá trị như tiền. Như vậy, bên cạnh

đối tượng vay phổ biến là đồng nội tệ (VND) thì ngân phiếu, cổ phiếu, trái phiếu,… cũng có thể là đối tượng của Hợp đồng vay tài sản. Và có một vấn đề đặt ra, ngoại tệ có được xem là đối tượng của Hợp đồng vay tài sản? Theo Điều 22 Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005: trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại tệ, trừ các giao dịch với tổ chức tín dụng, các trường hợp thanh toán thông qua trung gian gồm thu hộ, uỷ thác, đại lý và các trường hợp cần thiết khác được Thủ tướng Chính phủ cho phép. Như vậy, ngoại tệ là tài sản thuộc loại bị hạn chế lưu thông. Chỉ các tổ chức tín dụng được Nhà nước cho phép mới có quyền cho vay tài sản là ngoại tệ. Pháp luật không cho phép công dân mua bán, vay mượn ngoại tệ với nhau. Do đó, ngoại tệ không thể là đối tượng của Hợp đồng vay tài sản. Việc vay tài sản là ngoại tệ được điều chỉnh bởi các văn bản quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành.

Trên thực tế, các bên không phải là tổ chức, cá nhân được phép hoạt động ngoại hối vẫn mua bán, thanh toán cho vay bằng ngoại tệ mà Nhà nước không thể kiểm soát được. Tuy nhiên, nếu khi có tranh chấp xảy ra, thì quy định của Bộ luật Dân sự sẽ là căn cứ hữu hiệu để Tòa án giải quyết.

Nếu đối tượng của hợp đồng vay là vật, thì vật đó phải đảm bảo các điều kiện sau:

- Vật đó phải là vật cùng loại, tồn tại hiện hữu; vật không nhất thiết phải tồn tại ở thời điểm giao kết hợp đồng, mà có thể được thực hiện đối với những vật sẽ được hình thành trong tương lai, miễn là tại thời điểm giao kết hợp đồng các bên có ý thức xác nhận về nó;

- Vật phải lưu thông được, các bên không thể thỏa thuận cho vay những vật cấm lưu thông một cách tuyệt đối theo quy định của pháp luật;

- Vật phải xác định được, nghĩa là các bên không thể thoả thuận một cách chung chung mà phải xác định rõ về chủng loại, về chất lượng và số lượng;

- Vật phải thuộc sở hữu của bên cho vay, bởi người vay sẽ trở thành chủ sở hữu đối với tài sản vay.

Khi bên vay và bên cho vay thoả thuận với nhau về điều kiện đối tượng của hợp đồng vay tài sản, thì ngoài yếu tố loại tài sản vay như vừa phân tích còn có một yếu tố luôn đi kèm theo đó là số lượng tài sản vay. Nếu đối tượng là tiền thì số lượng thể hiện bằng đồng Việt Nam. Nếu đối tượng là vàng thì số lượng thể hiện bằng chỉ, cây. Nếu đối tượng là vật, thì số lượng là đơn vị đo lường như mét, kilôgam…

Một phần của tài liệu Hợp đồng vay tài sản theo quy định pháp luật dân sự Việt Nam (Trang 39 - 41)