Nguyên tắc chung là những nguyên tắc áp dụng chung cho hợp đồng dân sự. Những nguyên tắc này là nền tảng của giao dịch dân sự. Nếu các bên không tuân thủ những nguyên tắc này, hợp đồng đương nhiên bị vô hiệu.
- Nguyên tắc bình đẳng
Nguyên tắc bình đẳng được hiểu là các bên tham gia hợp đồng có địa vị và tư cách pháp lý như nhau trước pháp luật. Không có bên nào có quyền hoặc nghĩa vụ nhiều hơn đối với bên kia, nếu như đó không phải là do sự thỏa thuận tự nguyện trong hợp đồng hoặc do một cam kết đơn phương. Nguyên tắc bình đẳng là cơ sở để các bên có thể tự nguyện và hợp tác trong giao dịch dân sự.
Trong hợp đồng chuyển giao công nghệ, nguyên tắc bình đẳng lại càng cần được chú trọng do bên chuyển giao có lợi thế là người đang nắm giữ công nghệ. Công nghệ là thứ hàng hóa đặc biệt ở chỗ, nó thường khó có hàng hóa giống hệt, đồng thời với việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thì vô hình
chung, bên chuyển giao sẽ có những lợi thế nhất định làm ảnh hưởng đến nguyên tắc bình đẳng. Do vậy, nhiệm vụ của pháp luật là hướng đến sự bình đẳng giữa bên chuyển giao và bên nhận chuyển giao trong giao kết hợp đồng chuyển giao công nghệ. Chính xác hơn là tạo ra sự cân bằng về lợi ích, đảm bảo sự bình đẳng giữa các bên.
- Nguyên tắc tự nguyện
Nguyên tắc tự nguyện được hiểu là các bên hoàn toàn được tự do về ý chí khi tham gia hợp đồng, hay nói cách khác, việc tham gia hợp đồng là do ý muốn đích thực của các bên. Không bên nào có quyền cưỡng ép, trực tiếp hoặc gián tiếp để làm cho bên kia phải tham gia ký kết hợp đồng. Không người thứ ba nào có quyền cưỡng ép một hoặc cả hai bên tham gia ký kết hợp đồng.
- Nguyên tắc thiện chí, hợp tác
Đây là nguyên tắc nhằm đảm bảo các bên có mối quan hệ hợp đồng bền vững, hạn chế những tranh chấp không đáng có. Thiện chí, hợp tác được hiểu là mỗi bên tham gia hợp đồng cần tôn trọng những lợi ích hợp pháp của bên kia, đồng thời phải làm hết sức mình để hạn chế những thiệt hại có thể xảy ra đối với bên kia trong quá trình thực hiện hợp đồng.