Đối với hoạt động chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam

Một phần của tài liệu Hợp đồng chuyển giao công nghệ theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành (Trang 81)

Nam

Những năm qua, việc chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam chủ yếu thông qua phương thức liên doanh giữa bên nước ngoài và bên Việt Nam, trong đó bên nước ngoài là bên có công nghệ. Việc ký kết các hợp đồng liên doanh này được coi là có lợi cho cả hai bên. Đối với bên nước ngoài, họ sẽ có thị trường tiêu thụ, giảm thiểu các chi phí vận chuyển, nhập khẩu hàng hóa. Bên cạnh đó, họ lại có thể được hưởng những chính sách ưu đãi về thuế, tiền thuê đất, đồng thời tận dụng được nguồn nhân công còn tương đối rẻ. Đối với bên Việt Nam, đây là cơ hội để tăng cường năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Không những thế, người Việt Nam lại có cơ hội tiếp thu những công nghệ sản xuất mới, từng bước học tập, làm chủ công nghệ để phát triển ngành sản xuất trong nước.

Theo đánh giá chung, thông qua hoạt động chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, trình độ công nghệ và mặt bằng công nghệ đã tăng lên đáng kể. Một số ngành đã tiếp thu được công nghệ tiên tiến, tiếp cận với

trình độ công nghệ hiện đại của thế giới, trong đó phải kể đến một số ngành như viễn thông, thăm dò và khai thác dầu khí, hóa dầu, xây dựng…, với nhiều công nghệ tự động và bán tự động có hiệu suất cao. Một số công nghệ mới cũng được đưa vào sử dụng và khai thác ở Việt Nam nhờ việc thực hiện các dự án đầu tư trực tiếp trong đó có phần chuyển giao công nghệ như công nghệ sản xuất ống gang chịu lực bằng graphit cầu, sản xuất ống thép bằng phương pháp cuộn và hàn tự động theo đường xoắn ốc, công nghệ sản xuất kính nổi, công nghệ tinh chế dầu ăn thực vật bằng phương pháp vật lý, công nghệ sản xuất vắc-xin và các chế phẩm sinh học, sản xuất cáp quang, công nghệ xử lý nền móng công trình, v.v...

Mặc dù có nhiều dự án đầu tư nước ngoài có kèm theo chuyển giao công nghệ, nhưng số hợp đồng chuyển giao công nghệ được lập và đăng ký, phê duyệt theo quy định của pháp luật không nhiều. Theo quy định của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trước đây, nhà đầu tư nước ngoài có thể góp vốn bằng công nghệ, máy móc, thiết bị, nhưng hiện nay trong các dự án được cấp phép, phần vốn của bên nước ngoài chủ yếu là tiền mặt và máy móc, thiết bị. Chỉ có một số rất ít các dự án đầu tư có lập hợp đồng chuyển giao công nghệ và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định trước đây. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong hơn 5 năm, kể từ khi ban hành Luật đầu tư nước ngoài năm 1998 cho đến năm 2003, có khoảng trên 4600 dự án đầu tư được cấp phép, trong đó có trên 70% các dự án có hoạt động chuyển giao công nghệ, nhưng chỉ có khoảng 150 hợp đồng được phê duyệt. Phần lớn các hợp đồng này là do công ty mẹ ở nước ngoài chuyển giao cho công ty con chứ bên tiếp nhận không phải là liên doanh hay công ty Việt Nam. Rất nhiều lý do để giải thích, nhưng có một lý do dễ nhận thấy là việc thẩm định và phê duyệt hợp đồng chuyển giao công nghệ rất chi ly, phức tạp và phải qua nhiều quy trình, tình trạng bị gửi trả lại để sửa đổi là rất phổ biến, gây tốn kém thời gian và công sức của các doanh nghiệp, nên các chủ thể đã lựa chọn giải pháp "lách luật" là chỉ lập hợp đồng mua máy móc, thiết bị, chứ không lập hợp đồng chuyển giao công nghệ.

Như vậy, qua nghiên cứu thực trạng hoạt động chuyển giao công nghệ ở Việt Nam trong giai đoạn gần đây, có thể đưa ra những nhận định sau đây:

Thứ nhất, hoạt động chuyển giao công nghệ thường được núp dưới

danh nghĩa mua, bán thiết bị, máy móc sản xuất để hưởng lợi và tránh những thủ tục hành chính liên quan. Việc đưa chi phí chuyển giao công nghệ vào chi phí mua thiết bị sẽ giúp bên nhận chuyển giao họ không phải nộp thuế áp dụng đối với các tổ chức nước ngoài không có tư cách pháp nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài kinh doanh hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam (tạm gọi là thuế nhà thầu) đối với hoạt động chuyển giao công nghệ. Thuế suất của thuế nhà thầu theo quy định tính trên chi phí chuyển giao công nghệ vẫn là quá cao đối với các doanh nghiệp. Chính vì vậy mà những doanh nghiệp này thường tránh lập hợp đồng chuyển giao công nghệ để tránh loại thuế này.

Thứ hai, đa số bên giao công nghệ là Bên nước ngoài nắm giữ đa số

hoặc toàn bộ vốn của doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài (bên nhận công nghệ), do vậy, bên giao công nghệ thường sắp đặt nội dung của hợp đồng chuyển giao công nghệ theo hướng có những thỏa thuận có lợi cho bên giao như: hạn chế quyền sử dụng công nghệ sau thời hạn hợp đồng, giá thanh toán cao hoặc không được phép phát triển công nghệ [21, tr. 233]... Đặc biệt kể từ khi Nghị định số 11/2005/NĐ-CP ngày 2/2/2005 về chuyển giao công nghệ thay thế cho Nghị định số 45/1998/NĐ-CP ngày 1/7/1998, hợp đồng chuyển giao công nghệ không bị hạn chế về giá thanh toán thì đã xuất hiện những mức thỏa thuận chi phí chuyển giao cao hơn hẳn so với trước đây, mặc dù cùng loại sản phẩm. Trong công tác thực tế, người viết đã trực tiếp tham gia hỗ trợ thực hiện một số hợp đồng chuyển giao công nghệ mà bên nhận chuyển giao công nghệ là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong tất cả các giao dịch này, giá chuyển giao công nghệ luôn có xu thế được các bên thỏa thuận theo hướng kịch trần (khi các quy định về hạn chế giá thanh toán còn áp dụng) hoặc theo hướng cao nhất có thể trên cơ sở giải trình một cách hợp lý nhất với cơ quan quản lý nhà nước (khi các quy

định về hạn chế giá thanh toán đã được dỡ bỏ). Hơn nữa, nội dung các hợp đồng chuyển giao công nghệ luôn được soạn thảo nhằm bảo vệ tối đa quyền lợi của bên chuyển giao.

Thứ ba, hầu hết các hợp đồng chuyển giao công nghệ cho các doanh

nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều là các hợp đồng chuyển giao công nghệ trọn gói: bên giao công nghệ chuyển giao cho bên nhận công nghệ toàn bộ những nội dung của công nghệ (bao gồm quyền sử dụng công nghệ, các đối tượng sở hữu công nghiệp, các bí quyết kỹ thuật, quy trình sản xuất, quyền bán sản phẩm) thông qua việc chuyển giao các tài liệu kỹ thuật, tổ chức đào tạo cho bên nhận và đưa các chuyên gia sang hỗ trợ kỹ thuật cho bên nhận để bên nhận sản xuất các sản phẩm đạt các chỉ tiêu chất lượng đã xác định trong hợp đồng. Trong đa số các hợp đồng, bên giao đều nêu họ sở hữu các bằng sáng chế, giải pháp kỹ thuật mà họ đã chuyển giao nhưng trong hợp đồng chuyển giao công nghệ không nêu cụ thể tên và số hiệu của văn bằng sáng chế được bảo hộ, do vậy độ tin cậy về những thông tin này không cao. Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, khoảng 65% số hợp đồng chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã đăng ký có bao gồm nội dung thỏa thuận về chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu hàng hóa.

Thứ tư, hiện nay các phương thức thanh toán trong hợp đồng chuyển

giao công nghệ chủ yếu là: (i) thanh toán bằng một khoản tiền trả ban đầu kết hợp với trả kỳ vụ theo phần trăm giá bán tịnh trong suốt thời hạn hợp đồng; (ii) trả gọn bằng một khoản tiền (được chia thành một số đợt tương ứng với quá trình chuyển giao công nghệ). Chỉ một số ít các hợp đồng thực hiện việc thanh toán bằng cách góp vốn bằng công nghệ (chỉ chiếm khoảng 2% tổng số hợp đồng được phê duyệt trước khi Luật Chuyển giao công nghệ có hiệu lực). Hầu hết các bên không thỏa thuận thanh toán bằng lợi nhuận (trước thuế hoặc sau thuế), vì phương thức thanh toán này có nhiều rủi ro: trong những năm đầu tiên, việc sản xuất sẽ tốn nhiều chi phí, do đó hầu như chưa có lợi nhuận để thanh toán.

Thứ năm, trong các hợp đồng chuyển giao công nghệ giữa bên giao

công nghệ là bên nước ngoài, còn bên nhận công nghệ là doanh nghiệp Việt Nam (mà không hình thành liên doanh), nhiều hợp đồng không được soạn thảo tốt do trình độ nhận thức cũng như năng lực đàm phán của phía doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy mà khi xảy ra tranh chấp, thường là bên doanh nghiệp Việt Nam bị thiệt, do thiếu những điều khoản ràng buộc trách nhiệm đối với bên chuyển giao. Bên nhận chuyển giao dễ bị thất bại trong việc áp dụng công nghệ hoặc áp dụng những công nghệ cũ, lạc hậu đối với trình độ phát triển chung của thế giới.

Một phần của tài liệu Hợp đồng chuyển giao công nghệ theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành (Trang 81)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)