Nấc thang nghề nghiệp là một phương pháp hiệu quả để có thể duy trình và tạo động lực làm việc cho nhân viên vì nó tránh được trạng thái “giậm chân tại chỗ”.
Công ty cần tạo ra các chính sách rõ ràng, tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong công việc và khả năng thăng tiến tới một vị trí cao hơn đối với bất kỳ nhân viên nào. Các chính sách đó cần nêu rõ các tiêu chí cần phải đạt được để được đề xuất và đánh giá, sau đó là bỏ phiếu đề bạt. Trong việc xây dựng các tiêu chí thì tiêu chí thâm niên công tác và mức độ cống hiến nên được coi trọng, đây không chỉ là đền đáp xứng đáng cho những người cũ mà còn tạo niềm tin cho những người mới gắn bó với công ty, tạo động lực cho họ làm việc tích cực.
Nhân viên cần cảm thấy mình đang được học hỏi từ bản thân công việc hàng ngày và từ chính công ty, họ thấy rằng mình cần phải cố gắng nỗ lực phấn đấu để vượt qua những thử thách trong công việc và sự thừa nhận của đồng nghiệp, và cần phải để họ thấy rằng nếu như họ tiếp tục cố gắng, phấn đấu hoàn thành hết công việc được giao họ sẽ đạt đến một mục tiêu nào đó, có thể là về lương, thưởng, kiến thức, hoặc một vị trí cao hơn.
Để tránh việc nhàm chán, đơn điệu công ty nên tăng cường mức độ thử thách trong công việc để kích thích sự tập trung và nỗ lực đối với nhân viên, đồng thời giúp họ có thêm kinh nghiệm làm việc.
Ban lãnh đạo công ty nên tổ chức những buổi nói chuyện, gặp gỡ riêng với từng nhân viên có năng lực, kinh nghiệm để xác định định hướng của họ là gì, mong ước của họ trong công việc là thế nào để từ đó có những biện pháp hỗ trợ thỏa đáng, đồng thời qua những buổi nói chuyện như vậy, ban lãnh đạo công ty cũng sẽ biết cần sửa đổi, bổ sung những chính sách gì để nâng cao hiệu quả và kết quả công việc.