Đáp ứng miễn dịch dịch thể với nhiễm virút dengue góp phần đẩy lùi bệnh và có vai trò chủ yếu tránh tái nhiễm. Ngược lại, nó cũng được cho là đóng vai trò tăng mức độ trầm trọng ở những bệnh nhân bị SXHD hoặc HCSD [23, 20]. Do đó, gây đáp ứng miễn dịch với bệnh dengue phải hướng đến cả hai vấn đề miễn dịch bảo vệ và nguy cơ tăng cường bệnh do kháng thể ở các bệnh nhân SXHD và HCSD. Rõ ràng kháng thể trung hòa trực tiếp kháng protein vỏ của virút (protein E) đóng vai trò là chất trung gian chính bảo vệ khỏi sự xâm nhiễm virút dengue và là mục tiêu chính của gây đáp ứng miễn dịch. Đáp ứng kháng thể trung hòa phát triển mạnh sau khi nhiễm virút dengue và có thể bảo vệ lâu dài với virút dengue đồng týp huyết thanh và bảo vệ ngắn hạn trong vài tháng với virút dengue dị týp
30
huyết thanh. Thời kỳ miễn dịch chéo ngắn này đi kèm với sự xuất hiện các kháng thể trung hòa phản ứng chéo, nhưng sẽ suy giảm nhanh chóng sau nhiễm. Vai trò của miễn dịch tế bào đặc hiệu virút dengue trong chống lại sự tái nhiễm dường như không đáng kể, nhưng miễn dịch trung gian tế bào T đóng vai trò lớn trong loại bỏ virút dengue, và cũng cần có các nghiên cứu bổ sung xác định vai trò của miễn dịch trung gian tế bào T đối với dengue [43].
Tại các vùng dịch dengue, trẻ dưới 6 tháng tuổi mắc bệnh không phổ biến và người ta cho ra rằng các kháng thể nhận thụ động từ mẹ có thể bảo vệ trẻ sơ sinh. Nồng độ của kháng thể trung hòa trong huyết thanh của mẹ được tìm thấy tương quan với tuổi của trẻ sơ sinh tại thời điểm bệnh dengue tấn công, và các trẻ sơ sinh có nồng độ kháng thể trung hòa > 1:10 đề kháng với bệnh dengue. Tính đề kháng trung gian bởi kháng thể đối với nhiễm virút dengue cũng đã được chứng minh bằng thực nghiệm khi tiêm các kháng thể đơn dòng vào chuột [43]. Các kháng thể kháng protein E của virút cho thấy khả năng bảo vệ và có hoạt tính trung hòa cao.
Điều hấp dẫn các nhà phát triển vắcxin hiện nay đó là khả năng tiêm mũi thứ hai của vắcxin tứ liên sống giảm độc lực trên khỉ (đã được kích thích kháng thể trung hòa bởi mũi tiêm thứ nhất). Khi liều vắcxin thứ 2 được tiêm sau 1 tháng, không thấy có hiệu quả tăng cường. Tuy nhiên, sự tăng cường mạnh có thể đạt được khi mũi thứ 2 được tiêm sau một khoảng thời gian dài hơn xấp xỉ 4 tháng. Có lẽ, các yếu tố miễn dịch học gây nên miễn dịch dị týp ngắn hạn có hiệu quả trong ngăn chặn truyền nhiễm ở mũi thứ 2 của vắcxin sau 1 tháng nhưng không hiệu quả sau 4 tháng. Khả năng tái nhiễm sau 4 tháng tuy có mặt kháng thể trung hòa cũng gây ngạc nhiên đối với các nhà khoa học. Có lẽ khả năng xâm nhiễm virút sử dụng thụ thể IgG Fcγ cho phép chúng xâm nhiễm một số lượng tế bào vừa đủ với sự có mặt của kháng thể trung hòa IgG để kích thích mạnh đáp ứng miễn dịch thứ cấp [43].
Sự tăng cường nhiễm trùng do kháng thể và phát sinh bệnh học miễn dịch của SXHD là các đặc tính của nhiễm virút dengue cần phải xem xét trong chương trình
31
tiêm chủng chống virút dengue. Tuy nhiên, bằng chứng hiện có chỉ ra rằng một vắcxin kích thích sinh kháng thể trung hòa bền vững với cả 4 typ huyết thanh virút dengue sẽ phòng chống bệnh hiệu quả và không làm tăng mức độ bệnh.