Vai trò của đối ngoại nhân dân: Trên cơ sở kế thừa, vận dụng sáng tạo tư
tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại nhân dân của Đảng trong thời kỳ đổi mới, hoạt động của kênh đối ngoại đầy tính sáng tạo này của nước ta ngày càng được khảng định rõ vai trò và tầm quan trọng qua các kỳ Đại hội của Đảng ta. Theo báo Nhân dân (số 19557, thứ năm, ngày 12-3-2009) khi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tới thăm Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã nêu rõ: “Liên hiệp phải thực sự mang tính nhân dân, hoạt động năng nổ, thực chất hơn, xứng với vai trò, nhiệm vụ của mình”. Đồng thời chỉ rõ: “Quan hệ đối ngoại hiện nay còn nhiều hạn chế cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, chưa phát huy đầy đủ thế mạnh của đối ngoại nhân dân trong tình hình mới. Không ít hoạt động đối ngoại mang tính hình thức, xơ cứng, hiệu quả thấp. Dù trong điều kiện và hoàn cảnh nào khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tình đoàn kết quốc tế có sức mạnh mà không loại vũ khí nào có thể khuất phục. Vì vậy vai trò của Liên hiệp là cực kỳ quan trọng và phải được phát huy liên tục”. Qua đó cho thấy vai trò của nó được thể hiện ở chỗ trong khi chúng ta tiến hành các hoạt động đối ngoại Nhà nước, phải dùng tới cả kênh đối ngoại nhân dân để xử lý vấn đề và trong quan hệ giữa nhân dân các nước đôi khi cũng tham gia giải quyết những vấn đề của Nhà nước. Đối ngoại nhân dân thực chất là công tác dân vận, vận động các đối tượng quần chúng nhân dân trong và ngoài nước đồng tình, ủng hộ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác đối ngoại nhân dân là một bộ phận hợp thành công tác đối ngoại chung, phối hợp, góp phần phục vụ đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ, đường lối và chính sách đối ngoại của Đảng.
Mục đích của đối ngoại nhân dân là: “Làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ
đất nước, nền văn hóa và con người Việt Nam, lập trường, quan điểm và chính sách của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta về các vấn đề đối nội, đối ngoại; tạo sự tin cậy, tranh thủ thiện cảm, sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân các nước, các vùng lãnh thổ đối với công cuộc đổi mới và phát triển của nhân dân ta; đối với cuộc đấu tranh của ta trên các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo và công bằng thương mại, giải quyết hậu quả chiến tranh. Phát triển tình hữu nghị và mở rộng hợp tác, tăng cường đoàn kết, ủng hộ lẫn nhau giữa các dân tộc; góp phần và cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, phát triển công
bằng, bền vững, dân chủ và tiến bộ xã hội; bày tỏ quan điểm, thái độ của nhân dân Việt Nam đối với các sự kiện và vấn đề quốc tế cần quan tâm. Tham gia tích cực, đóng góp thiết thực vào các hoạt động của các tổ chức quốc tế, các diễn đàn nhân dân thế giới mà nhân dân ta là thành viên hoặc có đại biểu tham dự. Tranh thủ sự giúp đỡ, viện trợ của nhân dân thế giới, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các tổ chức quốc tế về xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội, khắc phục thiên tai, chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý kinh tế, xã hội, y tế giáo dục, giao lưu văn hóa, viện trợ nhân đạo. Góp phần tuyên truyền, giáo dục nhân dân ta nhận thức về tình hình quốc tế, đường lối và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, nâng cao năng lực và bản lĩnh của nhân dân tham gia giao lưu và hội nhập quốc tế” [21, tr.210-211].
Nhiệm vụ của công tác đối ngoại nhân dân trong thời kỳ mới là phải: “Góp
phần tích cực mở rộng quan hệ đoàn kết, hợp tác và hữu nghị, sự giao lưu kinh tế, văn hóa và khoa học - kỹ thuật giữa nhân dân ta với các nước trên thế giới đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước của nhân dân ta. Bày tỏ sự đoàn kết, ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân các nước, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc và dân chủ, tiến bộ xã hội và giải quyết những vấn đề có tính chất toàn cầu như bảo vệ môi trường, phòng chống một số bệnh nguy hiểm. Tiếp tục góp phần duy trì và đổi mới các tổ chức dân chủ quốc tế đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc và dân chủ, tiến bộ xã hội phù hợp với tình hình mới của thế giới và điều kiện thực tế của ta. Làm đầu mối vận động, điều phối viện trợ của các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, các tổ chức nhân đạo, từ thiện, các tổ chức phi chính phủ và cá nhân ở các nước trên thế giới nhằm góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước” [49, tr.36-37].
Như vậy, vai trò, mục đích và nhiệm vụ của công tác đối ngoại nhân dân
trong thời kỳ đổi mới của đất nước ta tiếp tục được mở rộng và đạt được những thành tựu quan trọng. Hoạt động đối ngoại nhân dân trong thời gian qua đã bám sát nội dung chương trình hành động, có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng theo phương châm: “Chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả” [29, tr.113]. Quan hệ đối tác được mở rộng, các hoạt động hữu nghị, giao lưu hợp tác nhân dân với các nước láng giềng, bạn bè truyền
thống, các nước lớn được đẩy mạnh, đóng góp tích cực cho ngoại giao Nhà nước và góp phần thúc đẩy hợp tác về kinh tế, văn hóa, khoa học giữa Việt Nam và các nước. Đã tích cực quảng bá và bảo vệ được lợi ích, hình ảnh của Việt Nam tại các diễn đàn nhân dân khu vực và quốc tế. Vận động nhân dân thế giới ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, đóng góp vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, phát triển công bằng và bền vững, dân chủ và tiến bộ xã hội; vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài tăng đáng kể, công tác quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam được tăng cường. Thể hiện vai trò ngày càng quan trọng của công tác đối ngoại nhân dân trong thời kỳ hội nhập và mở rộng quan hệ quốc tế. Đặc biệt, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam luôn phát huy tốt vai trò của mình, đẩy mạnh các công tác đối ngoại nhân dân, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, đối ngoại nhân dân với các nước, góp phần tạo nên thế mới, lực mới, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới của đất nước. Nhiệm vụ của công tác đối ngoại nhân dân ngày nay không chỉ là kế thừa, vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người, còn phải linh hoạt trong hoạt động của mình như: đối với nhóm các quốc gia, tổ chức quốc tế luôn tin yêu, ủng hộ Việt Nam, nhiệm vụ của công tác này phải giữ vững niềm tin họ đã dành cho Việt Nam. Đồng thời thâm nhập, tìm hiểu, vận động các quốc gia, tổ chức còn chưa hiểu rõ về Việt Nam. Với các tổ chức, lực lượng người Việt Nam ở nước ngoài chống đối Nhà nước, đối ngoại nhân dân vừa đấu tranh, vừa tuyên truyền chứ không vì họ chống đối mà đẩy họ ngày càng xa Tổ quốc.