Hoạt động đối ngoại nhân dân đã góp phần tích cực vào giữ vững độc lập tự chủ, tự lực tự cường, tự tôn dân tộc, vì hòa bình, đoàn kết, hợp tác, hữu nghị nhân dân và cùng nhau phát triển. Phát huy được sức mạnh tổng hợp bên trong để xây dựng và bảo vệ đất nước, coi trọng nguồn lực bên ngoài nhưng không ỷ lại, mà phải luôn biết dựa vào sức mạnh của nhân dân và nội lực của đất nước mình. Biết tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, làm tăng sức mạnh tổng hợp cho đất nước. Tuân thủ nguyên tắc đặt lợi ích quốc gia và dân tộc lên hàng đầu; có cách nhìn nhận đúng về đối tượng và đối tác trong bối cảnh quốc tế mới. Đây là bài học kinh nghiệm quý, là tinh thần chỉ đạo quan trọng trong hoạch định, thực hiện công tác này trong thời kỳ mới; là chiến lược lâu dài của cách mạng và nguyên lý cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại nhân dân trong quá trình vận dụng vào thực tiễn hoạt động.
Tăng cường phát huy nội lực và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, biết khai thác tối đa xu thế hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới để tận dụng được những thành tựu cách mạng khoa học và công nghệ; những mặt tích cực của quá trình toàn cầu hóa và nền kinh tế tri thức đem lại, để phục vụ tốt nhất cho lợi ích tối cao của đất nước. Đa dạng hóa quan hệ hữu nghị nhân dân về nội dung hoạt động hòa bình, đoàn kết, hợp tác, hữu nghị, kết hợp nhiều hình thức khác để tạo ra sức mạnh chung. Đa dạng hóa quan hệ đối ngoại nhân dân về đối tác nhằm tranh thủ các tổ chức, cá nhân, chính khách, các nhà khoa học có uy tín, có thiện cảm với ta, cho tới người dân bình thường để có thể tranh thủ được các xu hướng chính trị, chính đảng, tầng lớp khác nhau trong xã hội: Từ các tổ chức
chính trị, xã hội, tổ chức khoa học, giáo dục, văn hóa, cho tới các hội, hiệp hội nghề nghiệp. Có các hình thức tiếp xúc theo chiều sâu trong đối ngoại như: Hội thảo hội nghị, giao lưu nhân dân để vừa thắt chặt tình hữu nghị với bạn bè cũ và vừa chủ động xây dựng được mối quan hệ hữu nghị với các đối tác mới, có lợi cho tình đoàn kết, hòa bình, hữu nghị nhân dân.
Đa dạng hóa đối ngoại nhân dân theo mục tiêu, nhiệm vụ, phương thức hoạt động đối ngoại chung của Đảng, Nhà nước trong từng thời kỳ cách mạng (trong khi nguồn lực của ta còn có hạn). Tập trung hoạt động vào địa bàn trọng điểm và biết tranh thủ thời cơ để mở rộng hoạt động ở các địa bàn khác có lợi cho ta, trên cơ sở nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm và đường lối đối ngoại nhân dân của Đảng. Đặc biệt quan hệ đoàn kết và hữu nghị nhân dân trong thời kỳ đổi mới có nhiều điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều so với thời kỳ cách mạng trước đây, chúng ta cần biết tận dụng những kinh nghiệm và cơ hội quý báu đó để mở rộng, đổi mới hoạt động giao lưu, đoàn kết, hữu nghị nhân dân. Các điều kiện đó là: Ở trong nước, là kế thừa kinh nghiệm, quan điểm và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đối ngoại chung của Đảng và Nhà nước ta. Trên tinh thần ấy hoạt động giao lưu, hữu nghị, hòa bình và đoàn kết vừa qua đã để lại không ít những kinh nghiệm quý về sự kế thừa, vận dụng tư tưởng của Người vào đường lối đối ngoại nhân dân, vận động quần chúng, quan hệ đối tác và đoàn kết quốc tế; về vận dụng các phương pháp, phong cách ngoại giao; về nội dung và hình thức hoạt động của các hội hữu nghị, mặt trận, đoàn thể, tổ chức phi chính phủ. Về mặt quốc tế: Nhân dân các nước tuy ủng hộ ở những mức độ khác nhau, song đều có thiện cảm, tình hữu nghị và lòng quý trọng đối với nhân dân Việt Nam đã đấu tranh anh dũng vì độc lập, tự do cho dân tộc trước đây. Nay đang phấn đấu vượt qua thử thách và khó khăn để phát triển kinh tế, xã hội, chấn hưng đất nước. Nhân dân các nước có chung lòng mong muốn gìn giữ hòa bình và quan hệ hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau và xu thế này càng phát triển trong quá trình hội nhập quốc tế.