Cái tôi trữ tình

Một phần của tài liệu Sự giao thoa giữa thơ và văn xuôi trong truyện ngắn và tản văn của Nguyễn Quang Thiều (Trang 87)

6. Cấu trúc của luận văn

3.1. Cái tôi trữ tình

Cái tôi trữ tình là một đặc trưng quan trọng của tư duy thơ. Trong tản văn, cái tôi trữ tình cũng được bộc lộ rõ nét. Đây chính là một điểm nhấn của sự giao thoa giữa thơ và văn xuôi. Ngược chiều về lịch sử ra đời, như đã nói ở trên, tản văn xuất hiện vào những thập niên đầu của thế kỷ XX, khi mà văn học Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn hiện đại khi chịu tác động của rất nhiều yếu tố, trong đó yếu tố quan trọng là sự ý thức sâu sắc về cái tôi cá nhân. Trong tản văn đó chính là cái tôi tác giả với những nhạy cảm tâm hồn và cách thể hiện sinh động, phong phú, mang chiều sâu tâm tưởng và cảm xúc. Theo PGS.TS Nguyễn Bá Thành: “Đặc điểm quan trọng nhất của tư duy thơ là sự thể hiện của cái tôi trữ tình, cái tôi cảm xúc, cái tôi đang tư duy. Cái tôi trữ tình trong thơ được biểu hiện dưới hai dạng chủ yếu, cái tôi trữ tình trực tiếp và cái tôi trữ tình gián tiếp” [51]. Như vậy,

tìm hiểu tư duy thơ trước hết là tìm hiểu sự vận động của cái tôi trữ tình trong thơ, thiết nghĩ để làm được điều này, ta cần phân biệt được sự khác nhau giữa cái tôi và cái tôi trữ tình.

Cái tôi thực chất là một khái niệm triết học. Các nhà triết học, từ René Descartes, Johann Gottlieb Fichte, G.V.Hegel, Henri Bergson,... Sigmund Freud là những người rất chú ý đến cái tôi khi đề cao ý thức, lý tính trong mối quan hệ vật chất - ý thức, chủ quan - khách quan, cá nhân - xã hội.

René Descartes (1596 - 1650) đã đưa ra một định nghĩa nổi tiếng

“Tôi tư duy vậy là tôi tồn tại”. Theo ông, cái tôi thuộc về thực thể biết tư duy, như căn nguyên của nhận thức duy lý. Nhà triết học Henri Bergson (1859 - 1941) lại cho rằng con người có hai cái tôi. Cái tôi bề mặt là các quan hệ của con người đối với xã hội. Còn cái tôi bề sâu là phần sâu thẳm của ý thức. Ý thức mới chính là đối tượng của nghệ thuật.

Theo Sigmund Freud (1856 - 1939), cái tôi là sự hiện diện của động cơ bên trong ý thức con người. Các nhà tâm lý học đều coi cái tôi là yếu tố cơ bản cấu thành phần ý thức, nhân cách của con người. Cái tôi cũng là một đối tượng quan tâm của các nghành khoa học xã hội như đạo đức, xã hội học.

Triết học Marx - Lenin khẳng định: Cái tôi là trung tâm tinh thần của con người, của cá tính con người, có quan hệ tích cực đối với thế giới và với chính bản thân mình. Chỉ có con người độc lập kiểm soát những hành vi của mình và có khả năng tái hiện tính chủ động toàn diện mới có cái tôi của mình. Cái tôi có thể xem là cấu trúc phần tự giác.

Tóm lại, từ góc độ triết học, khái niệm cái tôi vừa mang tính xã hội, lịch sử vừa phân biệt sự độc đáo và khẳng định tính tích cực của nhân cách.

Sáng tác thơ ca là một nhu cầu tự thể hiện, là sự thôi thúc bên trong tâm hồn con người có khi mãnh liệt, dồn đập do tác động của đời sống gây nên. Lê Quý Đôn cho rằng “Thơ phát khởi từ trong lòng người ta”, Ngô Thì Nhậm thì nhận xét “Mây gió, cỏ hoa xinh tươi kỳ diệu đến đâu cũng đều từ trong lòng mà ra... hãy xúc động hồn thơ cho ngọn bút có thần”.

Trong thơ, vấn đề chủ thể, cái tôi trữ tình có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Vị trí của cái tôi trữ tình trong thơ, mối liên hệ giữa khách thể và chủ thể luôn đặt ra trong thơ.

Ở tản văn, chủ thể lời nói nghệ thuật được cảm nhận như một hình tượng nhân vật, hình tượng nhân vật này rất gần gũi với tác giả, mang bóng dáng của tác giả, là một phiên bản của tác giả. Toàn bộ tác phẩm được viết dưới ý thức và giọng điệu của nhân vật này. Sự gián cách giữa nhà văn và nhân vật này ở tản văn so với một số thể loại khác như tiểu thuyết hoặc thơ trữ tình, không quá lớn, hầu như khó nhận thấy, khiến cho người đọc cảm thấy như đang được đối thoại trực tiếp với bản thân người viết.

Trong các tản văn của Nguyễn Quang Thiều, cái tôi trữ tình được bộc lộ một cách rõ nét và đầy cá tính. Sự sinh động, phong phú ấy được hình thành từ những chất liệu đời sống còn tươi ròng, những trải nghiệm, khám phá, những chiêm nghiệm và đôi khi là chính những câu chuyện đời của tác giả hiển hiện trong từng tác phẩm. Với 2 loại tản văn: Tản văn hồi tưởng và tản văn cảm thời những nội dung của cái tôi trữ tình cũng rất phong phú.

Một phần của tài liệu Sự giao thoa giữa thơ và văn xuôi trong truyện ngắn và tản văn của Nguyễn Quang Thiều (Trang 87)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)