Chân dung Nguyễn Quang Thiều trong dòng chảy chung của văn

Một phần của tài liệu Sự giao thoa giữa thơ và văn xuôi trong truyện ngắn và tản văn của Nguyễn Quang Thiều (Trang 32)

6. Cấu trúc của luận văn

1.2.2. Chân dung Nguyễn Quang Thiều trong dòng chảy chung của văn

học đương đại.

1.2.2.1 Một cây bút “tung hoành” trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật và nhiều thể loại văn học.

Nguyễn Quang Thiều sinh ngày 3 tháng 2 năm 1957 tại làng Chùa ven bờ sông Đáy, thuộc địa phận tỉnh Hà Tây, nay là Hà Nội. Ngôi làng âm u chứa đầy những câu chuyện thần tiên, ma quỷ... biểu hiện một đời sống tinh thần phong phú, bí ẩn và mơ hồ đã ám ảnh tâm trí “cậu bé làng Chùa”. Dòng sông Đáy hiền hòa và thơ mộng là nguồn nuôi dưỡng cảm hứng sáng tác, là điểm tựa tinh thần để thi sĩ tìm về sau bao bươm trải gian nan. Có thể nói, quê hương với những phong tục tập quán và đời sống văn hóa tinh thần phong phú đã trở thành cội nguồn cảm hứng trong các sáng tác của Nguyễn Quang Thiều.

Hoạt động miệt mài trong lĩnh vực nghệ thuật và báo chí, Nguyễn Quang Thiều được biết đến là một nhà báo, nhà văn, nhà thơ, họa sỹ và nhà biên kịch. Các tác phẩm văn học của Nguyễn Quang Thiều phải kể đến: 10 tập thơ, 16 tập văn xuôi (gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, tiểu luận) và 3 tập sách dịch… Nguyễn Quang Thiều bắt đầu làm thơ từ đầu thập niên 80 và sớm thành công. Năm 1983 - 1984, anh đạt giải Ba cuộc thi thơ của tạp chí

Văn nghệ quân đội, năm 1989, đạt giải thưởng thơ hay. Tập thơ Ngôi nhà mười bảy tuổi xuất bản năm 1990, và sau đó một năm được bình chọn là tác phẩm hay nhất của năm. Ngôi nhà mười bảy tuổi có nhiều câu thơ đẹp mang đến thế giới trong sáng, tinh khiết của ký ức, là niềm thương nhớ đồng quê. Từ những năm 1990, thơ Việt Nam đương đại bắt đầu có sự chuyển đổi lớn về mặt thi pháp và có thể nói, Nguyễn Quang Thiều là nhà thơ đầu tiên, bằng những nỗ lực vượt bậc và tài năng xuất sắc của mình, đã xác lập một giọng điệu mới trong thơ Việt với tập thơ Sự mất ngủ của lửa.

Tập thơ ra đời năm 1992 và được trao giải thưởng Hội Nhà văn năm 1993. Đây là một dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp thơ ca Nguyễn Quang Thiều, đánh dấu bước ngoặt đổi mới trong tư duy thơ. Ngoài giải thưởng của Hội nhà văn vào năm 1993, Nguyễn Quang Thiều còn giành được khoảng 20 giải thưởng trong và ngoài nước.

Nguyễn Quang Thiều không chỉ là nhà thơ tiên phong với trào lưu hiện đại mà còn là cây viết văn xuôi giàu cảm xúc. 16 tập văn xuôi của Nguyễn Quang Thiều bao gồm tiểu thuyết và truyện ngắn đã được xuất bản. Tập truyện ngắn đầu tay Mùa hoa cải bên sông (1989) với truyện ngắn nổi tiếng Mùa hoa cải bên sông đã được dựng thành phim Lời nguyền của dòng sông do Khải Hưng làm đạo điễn, từng đoạt giải Vàng Liên hoan phim truyền hình quốc tế tại Bỉ năm 1993. Những tập truyện ngắn khác của Nguyễn Quang Thiều có thể kể tới: Người đàn bà tóc trắng (1996), Đứa con của hai dòng họ (1997), Truyện ngắn Nguyễn Quang Thiều (1998),

Người cha, truyện thiếu nhi (1998), Người nhìn thấy trăng thật (2003). Năm 2012, anh cũng xuất bản 1 cuốn tiểu luận, tản văn mang tên Có một kẻ rời bỏ thành phố. Thơ và truyện ngắn của Nguyễn Quang Thiều được xuất bản ở nhiều nước trên thế giới như: Hoa Kỳ, Pháp, Australia, Nauy, Thụy Điển, Nhật, Ireland, Colombia, Venezuela, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan.

Ở Pháp, qua hai tập truyện ngắn được dịch, xuất bản: La Fille Du Fleuve (1997), và La Petite Marchande De Vermaicelles (1998), giới văn chương và báo chí Pháp đã có nhiều nhận định tích cực về truyện ngắn Nguyễn Quang Thiều. “Những truyện ngắn bình dị nhưng đẹp và xót xa. Mỗi trang viết ngừng lại trước một hình ảnh, hiện ra giữa vùng sáng một Việt Nam của hôm nay, một mảng ghép hài hòa một cách lạ lùng giữa truyền thống và hiện đại. Thấp thoáng chút biếm, hài hước và trìu mến pha trộn trong những câu chuyện của muôn ngàn hương vị…” (Alexia Lorca - Lire) [37]. Hay: “Thế mạnh của nhà văn trẻ Việt Nam này (Nguyễn Quang Thiều) tập trung trong sự giản dị nhưng đẹp ngời ngợi của câu chữ và vấn đề được đặt ra! Đẹp và thống thiết!” (Jean-Luc Douin - Le Monde) [37]. “Một mảng hiện thực ngọt dịu - chan chát của Việt Nam...” (Asie Magazine) [37]. Và: “Với phong cách viết nhẹ nhàng, trong sáng chảy xuyên yên ả như sông Đáy chở ta đi giữa dòng yêu thương, tươi mát và tràn đầy xúc cảm, tác giả tìm kiếm một nơi ẩn ngụ thanh bình. Nhưng tôi không thể cưỡng lại được ý nghĩ rằng sự yên tĩnh này chỉ là mặt sau của một cuộc sống đầy chấn động mà tác giả đã thấm trải suốt một thời thơ ấu trong cuộc chiến tranh thảm khốc của Việt Nam giành tự do và độc lập. Vẻ thanh bình, giản dị và tươi mát kia chỉ là một phần hiển hiện từ một tảng băng giấu che những vết thương chưa lành hẳn, những kỷ niệm nặng nề, những nỗi đau còn sót lại của một cuộc chiến. Nhưng, như con phượng hoàng, dân tộc Việt Nam hôm nay đang gắng làm sống lại từ tro bụi một kỷ nguyên mới thanh bình”. (Denis Billaboz) [37].

Có thể thấy, Nguyễn Quang Thiều là một cây bút sung sức và đa năng. Sự đa năng ấy không những không loại trừ tính thống nhất về chủ đề tư tưởng và bút pháp trong những sáng tác ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật và

nhiều thể loại văn học của Nguyễn Quang Thiều mà còn tạo điều kiện cho anh phá vỡ những đường biên của các thể loại.

1.2.1.1. Một nghệ sĩ khát khao và chủ động đổi mới văn học.

Nguyễn Quang Thiều được đánh giá là một trong những cây bút cách tân táo bạo của thơ Việt Nam đương đại, văn xuôi của anh cũng được nhiều nhà phê bình cho là “viết có nghề”. Dường như, mỗi thể loại văn học mà ngòi bút của anh chạm tới, anh đều giành được những thành công nhất định. Có được điều đó, là bởi thế giới văn chương của anh được xây dựng trên nền tảng của một quan niệm nghệ thuật đề cao sự sáng tạo trong lối viết. Khát vọng đổi mới văn học, nghệ thuật được anh phát biểu sôi nổi trong những bài phỏng vấn và cả trong sáng tác của mình.

Trả lời phỏng vấn trên internet, anh nói: “Tôi yêu tất cả những gì thuộc về vẻ đẹp sáng tạo. Tôi quan niệm sự sáng tạo là “chất xúc tác” giải phóng mình bởi ở đó những ý tưởng riêng, cá tính được chắp cánh bay cao” [52]. Sứ mệnh của nhà thơ là: “Phải mang đến những tiếng kèn mới, những giai điệu mới đầy sức sống”“Khai mở - là sứ mệnh lớn nhất của nhà thơ”. Nói về quan niệm thơ ca, anh cũng nhấn mạnh: “Quan điểm thơ ca của tôi là làm sống lại những cái đã chết và làm mới những cái đã cũ. Tôi không xây dựng lên một thế giới mới mà tôi chỉ làm sống lại tất cả những vẻ đẹp của đời sống này” [50]. Điều này, được Nguyễn Quang Thiều phát biểu trực tiếp trong tản văn Những con chim đập cánh vào ô cửa: “Trong cuộc đời, mỗi chúng ta ít nhất có một lần sững sờ trước một khung cảnh, một đồ vật hay một con người mà chúng ta từng gặp trước đó nhưng chúng ta lại không hề để ý. Nhưng đến một ngày, một nhà văn hay một họa sỹ cho chúng ta đọc hay nhìn những tác phẩm của họ viết và vẽ những cảnh vật hay những con người mà chúng ta từng biết đến, chúng ta bỗng rung động lạ kỳ (…). Sự sáng tạo của nhà văn hay họa sỹ đã mang

đến cho chúng ta một cái nhìn mới với những gì đã quá quen thuộc và trở thành xáo mòn trong cảm xúc chúng ta”[64, tr. 161]. Chính bởi quan niệm như vậy nên khi viết văn xuôi ngòi bút của Nguyễn Quang Thiều không chú mục vạch trần những “mảng tối” của hiện thực với những bất công trong xã hội và sự tha hóa của tâm hồn con người, mà đi sâu khám phá vẻ đẹp ẩn giấu trong cuộc đời thường nhật, trong thiên nhiên và trong tâm hồn con người. Vẻ đẹp ấy, đã tạo chất thơ cho tác phẩm đồng thời cũng tạo ra khoái cảm thẩm mỹ và đánh thức khát vọng hướng thiện nơi người đọc.

Không chỉ dừng lại ở những khát khao mang đến cho độc giả những cái nhìn mới và những rung cảm mới về cuộc sống, trong quá trình sáng tạo văn chương, Nguyễn Quang Thiều còn là một cây bút dám dũng cảm tự phủ nhận mình. Anh nhận thấy ở tập thơ đầu tay - Ngôi nhà mười bảy tuổi

- “có một phần của ai đó trong những bài thơ tôi viết ra. Tôi nhận thấy lối viết đó đã ít nhiều đi lại lối đi của một số nhà thơ trước đó. Hơn nữa, tôi nhận thấy con người thực sự của tôi vẫn đang đứng sau những bài thơ kia”. Và sau đó, anh rẽ sang lối đi của riêng mình để viết tiếp tập thơ Sự mất ngủ của lửa - một tập thơ mang đậm dấu ấn cá nhân và những tìm tòi đổi mới. Tập thơ ấy đã làm “mất ngủ” những người yêu thơ và đánh thức đời sống phê bình văn học, gây nên bao làn sóng tranh luận.

Khát khao sáng tạo và dám chủ động đổi mới những sáng tác của mình để khám phá vẻ đẹp đời sống, khơi gợi lại những xúc cảm mới mẻ trong lòng người đọc, cũng chính là xuất phát điểm để Nguyễn Quang Thiều viết nên những trang văn thấm đẫm chất thơ trong truyện ngắn và tản văn của mình.

Chương 2: SỰ GIAO THOA GIỮA THƠ VÀ VĂN XUÔI TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN QUANG THIỀU

Theo nhiều nhà nghiên cứu lý luận, truyện ngắn là một thể loại văn học thuộc loại hình thức tự sự (hư cấu) với dung lượng ngắn (từ vài chục chữ đến khoảng 20.000 chữ). Truyện ngắn có tính hàm súc cao độ, độ căng lớn, khả năng cập nhật và thích ứng uyển chuyển với mọi yêu cầu của xã hội, thường tái hiện và giải quyết một vấn đề, một sự kiện hoặc một vài sự kiện. Đối tượng phản ánh của truyện ngắn rất rộng lớn, từ những vấn đề thuộc về đời sống vật chất đến những vấn đề thuộc về đời sống tinh thần của con người, từ chuyện có thật đến những chuyện bịa đặt hoàn toàn. Nhìn chung, nó thường được tiếp nhận một mạch, trong khoảng thời gian ngắn. Nằm trong loại hình tự sự, cho nên truyện ngắn có nhiều nét khu biệt với thơ như trên đã trình bày. Nhưng nhờ tương tác với thơ, truyện ngắn đã có nhiều “biến thể” như: Truyện ngắn trữ tình (trong văn học Việt Nam 1932 - 1945 với những tác phẩm của Thạch Lam chẳng hạn) hay “truyện ngắn ấn tượng” mang âm hưởng thi ca của Edgar Allan Poe. Gần 40 truyện ngắn của Nguyễn Quang Thiều cũng được nhiều nhà phê bình nhận xét là “thấm đẫm chất thơ”. Nhưng yếu tố thơ ấy biểu hiện cụ thể như thế nào?

Một phần của tài liệu Sự giao thoa giữa thơ và văn xuôi trong truyện ngắn và tản văn của Nguyễn Quang Thiều (Trang 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)