Những xúc cảm trữ tình trên trang văn

Một phần của tài liệu Sự giao thoa giữa thơ và văn xuôi trong truyện ngắn và tản văn của Nguyễn Quang Thiều (Trang 37)

6. Cấu trúc của luận văn

2.1. Những xúc cảm trữ tình trên trang văn

Sự dung nạp tố chất thi ca vào truyện ngắn biểu hiện trước hết ở sự pha trộn giữa yếu tố hiện thực và cảm xúc trữ tình. Xúc cảm trữ tình đan cài trong cách nhìn hiện thực đã đem lại cho truyện ngắn những trang viết giàu chất thơ. Trong truyện ngắn của Nguyễn Quang Thiều, phân lượng và mức độ cảm xúc trữ tình được thể hiện một cách tập trung, rõ nét tạo thành một lối cảm, lối nhìn đời. Thơ không chỉ gắn liền với cái đẹp, gắn với những rung động và cảm xúc trực tiếp mà thơ còn chính là cuộc sống, là tấm lòng ưu ái, ấm áp, sự cảm thông. Ở đây nhà văn có những khám phá,

phát hiện ra cái nên thơ của cuộc sống thường nhật khuất lấp, tiềm tàng bên trong tâm hồn những con người nhỏ bé, bình dị tạo thành một lối tiếp cảm trìu mến trước cuộc đời. Đó không phải sự tô vẽ hiện thực mà chính là cái đẹp của cuộc sống được chắt lọc, nâng niu qua tấm lòng của nhà văn. Chất thơ trong những truyện ngắn ấy, vì thế có chiều sâu và có sức ngân vang, truyền cảm. Những xúc cảm trữ tình của truyện ngắn Nguyễn Quang Thiều được biểu hiện rõ rệt ở ba phương diện sau:

2.1.1.Chất thơ của cuộc sống thường nhật

Tiếp điểm của sự giao thoa, hòa trộn giữa thơ và văn xuôi trong những truyện ngắn của Nguyễn Quang Thiều là ở cái nhìn cuộc sống thường nhật đầy chất thơ. Chất thơ ấy, trước hết, vút lên từ cảm quan huyền thoại, từ những câu chuyện nhuốm màu bí ẩn. Trong chuyên khảo Thi pháp của huyền thoại, nhà huyền thoại học nổi tiếng thế giới E.M. Meletinsky cũng đánh giá cao vai trò của huyền thoại đối với văn học nghệ thuật và thấy được mối liên hệ của huyền thoại với chất thơ trong tác phẩm văn học, bởi: Huyền thoại là cái hình ảnh tự nó đã là thi ca và tự mình vừa là chất liệu đồng thời là bản nguyên của thi ca cho chính mình.

Ra đời trong cuộc sống đầy tường minh của những năm cuối thế kỷ XX nhưng truyện ngắn đương đại Việt Nam vẫn ẩn chứa những yếu tố lung linh, hư ảo mang màu sắc huyền thoại với những cổ mẫu, những huyền thoại nằm sâu dưới bao lớp trầm tích văn hóa trong nguồn mạch folklore dân tộc. Sự trở về với huyền thoại truyền thống đã trở thành một dòng chảy chung trong sáng tác của nhiều cây bút văn xuôi đương đại, như: Hòa Vang, Tạ Duy Anh, Võ Thị Hảo, Nguyễn Huy Thiệp, Lê Minh Hà, Y Ban… Đọc truyện ngắn Nguyễn Quang Thiều, chúng ta cũng bắt gặp những biểu tượng huyền thoại truyền thống đã nằm lòng trong thế giới tâm hồn của tuổi thơ mỗi con người Việt Nam. Cùng lấy cảm hứng từ huyền

thoại về chàng Trương Chi trong kho tàng truyện cổ Việt Nam, nhưng Nguyễn Quang Thiều ở truyện ngắn Khúc hát của dòng sông đã cho thấy một hướng tiếp cận khác so với Trương Chi của Nguyễn Huy Thiệp. Chàng Trương Chi được Nguyễn Huy Thiệp xây dựng lại trên cơ sở “giải thiêng” huyền thoại, trở thành một con người cá nhân có thân phận với ý thức cá nhân sâu sắc. Vẫn là một Trương Chi xấu về hình thức nhưng tuyệt đẹp về tâm hồn, vẫn là một chàng Trương Chi sống phóng khoáng giữa bầu trời sông nước tự do và vẫn là một Trương Chi cô đơn trong mối tình si. Thế nhưng, vừa xuất hiện, hình ảnh Trương Chi đã trở nên trần trụi: “trật quần đái vọt xuống sông”. Mạch truyện ấy được tiếp diễn bằng một tràng độc thoại mà câu nào cũng tục tĩu, thô thiển của Trương Chi. Với Nguyễn Huy Thiệp, Trương Chi giờ đã trở thành con người cá nhân với ý thức u hoài, cay đắng về thân phận. Tính chất “giải thiêng”, “sự giễu nhại” đã biến một nhân vật huyền thoại thành một nhân vật đời thường trần trụi mang trong mình bi kịch nội tại, được tri nhận từ bên trong. Trương Chi trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp vì thế, chính là kết quả của một tư duy văn xuôi mang đậm chất tiểu thuyết. Ngược lại, với Nguyễn Quang Thiều, Trương Chi được ngắm nhìn bằng con mắt của một nhà thơ, hình tượng Trương Chi trong Khúc hát của dòng sông hiện lên đẹp đẽ và vô cùng lãng mạn. Trong không gian hư ảo của dòng sông đêm mưa, Trương Chi hiện lên “đẹp lắm, vẻ đẹp của một người sông nước” [61, tr. 296]. Câu hát lưu truyền: “Ngày xưa có anh Trương Chi, người thì thậm xấu hát thì thậm hay” được Nguyễn Quang Thiều hóa giải bằng lý do “Bọn quan lại ghét tôi nên nói xấu tôi như thế (…) Chúng tuyên truyền mãi, mọi người cũng dần tin theo” [61, tr. 298]. Khi vẻ đẹp và tài năng của Trương Chi được thi vị hóa thì mối tình Trương Chi - Mỵ Nương cũng có sự thay đổi so với truyện cổ. Kẻ si tình trong truyện ngắn của Nguyễn Quang Thiều không phải là

Trương Chi mà lại là Mỵ Nương. Nàng không chỉ tương tư tiếng hát của Trương Chi mà còn yêu chàng say đắm, khi nghe tin chàng chết, “nàng kêu lên, thổ huyết mà chết”, trên nấm mộ nàng mọc lên những bông hoa Quỳnh trắng tinh khôi, tỏa hương ngào ngạt. Nguyễn Quang Thiều đã viết lại huyền thoại, đưa thêm vào huyền thoại nhiều yếu tố li kỳ, tạo không gian và bối cảnh hư ảo để nhân vật “tôi” gặp được linh hồn Trương Chi, nghe Trương Chi kể lại cuộc đời và mối tình tuyệt đẹp của mình. Huyền thoại của Nguyễn Quang Thiều kết thúc trọn vẹn, nên thơ và dường như có dụng ý góp phần tạo nên sự bí ẩn cho dòng sông quê hương. Chàng Trương Chi và mối tình được lý tưởng hóa, thi vị hóa chính là “đứa con đẻ” của nhãn quan thi ca Nguyễn Quang Thiều.

Không chỉ trở về với huyền thoại truyền thống, Nguyễn Quang Thiều còn sáng tạo nên những huyền thoại mới. Điều đáng nói là, những yếu tố kỳ ảo trong truyện và cả trong thơ ca của Nguyễn Quang Thiều có căn nguyên từ những kí ức tuổi thơ và “mối liên hệ mơ hồ” với cố hương, bản quán. Trong một lần trả lời phỏng vấn của tạp chí Đương thời tháng 2 năm 2011, Nguyễn Quang Thiều bộc bạch: “Mỗi người đều có một liên hệ vừa mơ hồ, vừa bí ẩn, vừa thiêng liêng và vừa quyền uy với nơi chôn rau cắt rốn của mình. Thực ra, tôi không thể lý giải được rành mạch mối liên hệ này. Nhưng tôi hiểu mối liên hệ này được tạo dựng nên bởi rất nhiều yếu tố vừa cụ thể, vừa mơ hồ: ký ức, kinh nghiệm, phong tục, văn hóa, ẩm thực, thổ ngữ, dòng họ, hàng xóm, những ngôi mộ, con sông, cánh đồng, đình làng, những câu chuyện ma thuở nhỏ, những đầm nước, những năm tháng đói rét, những cơn ốm đau, mối tình thuở học trò, những người đàn bà tắm trần trên bến sông, những phiên chợ, những đám tang, những thôn nữ tóc dài, ngực nở rắn chắc tưởng chỉ chạm khẽ là mang thai, những nhân vật đặc biệt của làng... Tất cả những thứ đó đã dựng nên một không gian sống

động và huyền ảo mà chúng ta không thể lớn lên nếu không có một không gian như thế và không thể nào đi ra khỏi không gian đó nếu muốn làm người có chút gì lương thiện” [61]. Sự gắn bó với đời sống tâm linh của làng quê đã khiến cho cái nhìn về cuộc sống thường nhật trong mỗi thiên truyện của Nguyễn Quang Thiều vừa hư vừa thực. Nhà thơ Đỗ Minh Tuấn cho rằng, điều thiêng trong sáng tác của Nguyễn Quang Thiều “chính là cái cảm thức về nguồn của phương Tây mà Nguyễn Quang Thiều đã biến nó thành một nguyên lý thơ ca sâu sắc mà ám ảnh. Cảm hứng thiêng liêng hóa đã làm cho những con gián, con kiến, con ốc, con muỗi,... tầm thường trở nên thi vị, lung linh như những sinh vật của Chúa, mang sứ mệnh kép: vừa là nạn nhân day dứt lương tâm, vừa là kẻ cứu chuộc cái thế giới đang đọa đày chúng” [71, tr. 329]. Không gian trong các truyện rất rõ giới hạn, với một bãi bồi xanh tốt tàng ẩn những sinh linh kỳ lạ dù quen thuộc, với bãi cát ven sông có con thuyền cũ kỹ mênh mông trong màn sương có thực của đất trời cùng màn sương sâu hút của ký ức và tâm linh, với con sông đôi khi được gọi hẳn tên: sông Đáy! luôn hiện lên với cảm thức của một trường giang. Những cây rau khúc, ruộng cải, tổ chim, đầm sen... dù nhỏ bé nhưng đều mang trong mình một sự tích kỳ lạ nào đó khiến cho mỗi tình tiết trong truyện đều thấm đẫm một phong vị lịch sử, hay nói như Nguyễn Chí Hoan là “truyện đều có dáng vóc một phiến đoạn từ Truyền kỳ mạn lục đã xen vào hay lấp ló dưới bề sâu mỗi” [61, tr. 7]. Những huyền thoại này vừa góp phần tạo không khí mờ ảo cho câu chuyện, vừa tạo thi vị cho cuộc sống của những con người nhỏ bé, bình dị trong truyện. Hình ảnh các con vật: Con rùa thiêng, con cá thiêng, con chim đêm, đỉnh đồi, ngôi sao… trong các truyện Tiếng đập cánh của chim thần, Rùa trắng, Con chuột lông vàng là những biểu tượng cho sự tín niệm, điều thiêng. Những hình ảnh này cất giấu bao huyền thoại về đời sống tâm linh của người Việt. Đặc biệt là

những hình ảnh “con bống đen”, “nồi cơm nếp hoa vàng”, “mo cau cổ tích” thấm đẫm huyền thoại, dẫn dắt người đọc về cội nguồn văn hóa tâm linh dân tộc. Yếu tố folklore được Nguyễn Quang Thiều đưa vào truyện làm nên một vẻ đẹp riêng lấp lánh sắc màu huyền thoại.

Những truyện ngắn của Nguyễn Quang Thiều còn đọng lại thi vị sâu sắc trong lòng người đọc bởi tác giả có những góc nhìn tinh tế về tình cảm giữa người với người, cái nhìn nhân văn trong những đoạn kết truyện có hậu. Truyện ngắn Gió dại kể về người con gái mồ côi tên May. Cô đã trải qua những tháng ngày đau khổ khi cố kiếm tìm cho mình một mái ấm gia đình. Từ khi bị đuổi khỏi nhà vì bị cho là con hoang, cô đã gặp những người tưởng chừng nhân từ, tử tế nhưng đều có âm mưu, mục đích với cô. Lần đầu tiên, cô được 1 bà chủ quán cưu mang, cô dần tin tưởng và đã coi bà như mẹ của mình. Nhưng rồi cô cũng biết, việc làm nhân từ của bà lại chỉ vì một mục đích đầy ích kỷ là muốn ép cô lấy người con trai dị dạng. Sự thương xót của cô dành cho người con trai ấy và sự đồng cảm của anh với cô trong những ngày tăm tối, là một thứ ánh sáng dịu dàng của tình người nhân ái. Nhưng cô vẫn quyết tâm ra đi. Lần thứ hai cô đặt niềm tin vào một lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện, được bà nhận làm con nuôi. Nhưng những vết thương lòng từ trong chiến tranh đã biến bà thành một kẻ đồng tính bệnh hoạn trong mắt cô. Cô đau đớn trở về làng trong đêm mưa như trút nước. Trên con đê mù mịt, cô đã được cưu mang, chở che bởi chính người mẹ mà cô không bao giờ ngờ tới - người đàn bà điên. Tình mẫu tử như một thứ bản năng vĩnh cửu đã giúp hai mẹ con nhận ra nhau, trong vô thức, trong giấc mơ. Truyện kết thúc có hậu, đoạn kết khiến người đọc ấm lòng bởi sự thăng hoa ngọt ngào, ấm áp của tình cảm mẹ - con. Những truyện ngắn khác của Nguyễn Quang Thiều đã được nhà văn Đông La gọi là “những khúc bi ca về tình yêu bất tử”, có lẽ bởi nỗi buồn luôn

phảng phất trong mỗi trang văn của anh nhưng đó lại cũng chính là nơi tình yêu thương được chắp thêm đôi cánh. Cuộc đời thường nhật trong những truyện ngắn của Nguyễn Quang Thiều không thiếu những bi kịch đau lòng, những gánh nặng mưu sinh vất vả và những mâu thuẫn ngăn cách người với người, nhưng Nguyễn Quang Thiều luôn chọn cách hóa giải tất cả bằng tình yêu thương. Trên một cái nền rắn đanh, lạnh băng, xám ngoét của hận thù, của lời nguyền cách ngăn như vực thẳm, như vách đá dựng đứng nhưng đóa hoa tình yêu, trong truyện ngắn Mùa hoa cải bên sông, vẫn bung nở lung linh, rực rỡ. Tình yêu của Chinh và Thao là thứ tình cảm tự nhiên như hoa gặp tiết xuân, như mây mọng nước kết thành mưa.

Chinh, cô gái 17 tuổi, sống cùng cha và hai anh trong một con thuyền lênh đênh trên một bến sông. Mẹ cô đã mất khi cô còn nhỏ. Ông bố đã phải nén nỗi đau chôn xác vợ dưới lòng sông vì dân trên bờ sợ dịch bệnh. Đó chính là nguyên nhân của thù hận đã sinh ra cái lời nguyền của người cha, rằng người trong gia đình ông sẽ không bao giờ chạm chân lên mặt đất ác độc nữa. Nhưng lời nguyền đó không thể ngăn được cô bé “thừa hưởng sắc đẹp dịu dàng của mẹ” [61, tr. 32]; không thể ngăn được cô lớn lên để “trong những đêm trăng mùa hạ, cô thích thả mình xuống dòng sông... Thỉnh thoảng cô co người lại, hai tay ôm bó gối để cho cơ thể tuổi dậy thì lóng lánh như giọt thủy ngân lắng dần xuống đáy sông” [61, tr. 32]; lời nguyền đó cũng không thể ngăn được “Một buổi sáng... cô bỗng thấy trên bãi sông bến Chùa một thảm màu vàng tươi, một màu vàng xôn xao, ấm áp ùa vào mắt cô... Mỗi khi có ngọn gió chạy qua, cả bãi hoa vàng rợn lên như sóng”... [61, tr. 34] và đặc biệt, lời nguyền đó càng không ngăn nổi những xốn xang vô hình cũng dậy sóng trong lòng cô “Thỉnh thoảng có đêm tỉnh giấc, cô cảm thấy một cái gì chập chờn, quấn quít ở đâu đây. Không phải tiếng nước sông chảy trong đêm, không phải tiếng reo của

ngọn lửa, không phải hương ổi chín từ bãi sông đưa lại, cũng không phải tiếng gọi nhau của bầy chim ri từ những chùm dứa dại ven đê. Một cái gì đấy làm cô đang chải tóc chợt dừng tay. Nó làm cho ngực áo cô bỗng đầy lên đến nghẹn thở. Cái đó chợt đến, chợt đi, chợt rời ra, quấn quít” [61, tr. 34 - 35]. Tất cả, tất cả những xáo động vô hình đó đã cồn cào khiến cô quên đi lời nguyền của cha, khiến cô “không thả lưới mà bơi mủng vào bờ... đi về phía bãi cát... ngồi xuống bên cạnh luống hoa. Đôi tay nâng khẽ những bông hoa cải ướt sương... Cô khẽ áp đôi môi mình vào hết chùm hoa này đến chùm hoa khác” [61, tr. 35]. Và rồi trong khung cảnh dân giã mà thần tiên đó, vẻ trinh trắng thiên thần của cô đã đốt cháy bùng lên ngọn lửa yêu đương trong trái tim Thao, một chàng trai khỏe mạnh, học thức và nhân hậu, nhà ở trên bãi sông “...chàng trai giật mình. “Đẹp quá!”. Anh thầm kêu lên. Sao trong đêm trăng tĩnh lặng trên bãi sông ở một làng quê hẻo lánh này lại xuất hiện một người con gái đẹp như thế?... Chàng trai hồi hộp, liếc nhanh cơ thể cô và nhận ra dưới lớp trăng mỏng, dưới lớp áo tối màu, là tuổi dậy thì nóng hổi, dịu dàng và phập phồng thở...

- Tên em là gì? - Chinh.

- Anh là Thao. Nhà anh ở kia kìa. Mai em lên nhé. Hoa cải nhà anh đấy. Chinh mỉm cười gật đầu và đi xuống bến. Anh nhìn theo. Đến lúc này anh mới nhận ra mái tóc như thiên thần của cô. Anh ngửa mặt lên trời. Có lẽ mái tóc ấy đã từ vầng trăng chảy xuống... Họ chưa biết gì về nhau nhưng cả hai đều nhận thấy có một cái gì đó mỏng, trong suốt đang quấn vào họ như tơ nhện” [61, tr. 36 - 37]. Đó chính là tình yêu. Khi Thao thốt ra cụ thể câu “Anh yêu em” và “cúi xuống hôn cô” thì Chinh vốn bị giam hãm trong lòng sông nên chưa hiểu rõ tình yêu là gì, “chỉ thấy rằng ngực cô như nén chặt. Người cô bừng nóng”[61, tr. 39]. Rồi sau cái phút ban đầu ngỡ ngàng

đó: “Những đêm trên dòng sông dịu dàng chảy, họ quấn quýt với nhau như một đôi cá thần. Dòng sông bí mật truyền vào cuộc đời họ sức mạnh hạnh phúc” [61, tr. 40]. Nhưng tình yêu của họ sao được yên khi họ dám dẫm lên

Một phần của tài liệu Sự giao thoa giữa thơ và văn xuôi trong truyện ngắn và tản văn của Nguyễn Quang Thiều (Trang 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)