Nghệ thuật tự sự phi cốt truyện

Một phần của tài liệu Sự giao thoa giữa thơ và văn xuôi trong truyện ngắn và tản văn của Nguyễn Quang Thiều (Trang 77)

6. Cấu trúc của luận văn

2.3. Nghệ thuật tự sự phi cốt truyện

2.3.1.Tính chất phi cốt truyện hóa.

Từ điển văn học (bộ mới) giải thích cốt truyện “là một phương diện của lĩnh vực hình thức nghệ thuật, nó chỉ lớp biến cố của hình thức tác phẩm. Chính hệ thống biến cố (tức cốt truyện) đã tạo ra sự vận động của nội dung cuộc sống được miêu tả trong tác phẩm. Tính truyện (có cốt truyện) là một phẩm chất có giá trị quan trọng của văn học, sân khấu, điện ảnh và các nghệ thuật cùng loại. Trong các thể loại văn học, các cốt truyện là thành phần quan trọng thiết yếu của tự sự và kịch nhưng thường không có mặt trong các tác phẩm trữ tình” [39, tr. 324]. Là một loại hình văn xuôi tự sự, đối với truyện ngắn cốt truyện có vai trò như “là cái khung để đỡ cho toàn bộ tòa nhà nghệ thuật ngôn từ đứng vững” [46, tr. 181]. Nhưng trong nhiều truyện ngắn của mình, Nguyễn Quang Thiều đã giải phóng cốt truyện bằng cách hướng ngòi bút vào đời sống tinh thần với những thăng trầm trong cảm xúc của nhân vật, khiến cho cốt truyện mờ nhạt, giản đơn, ít sự kiện.

Ở truyện ngắn Nguyễn Quang Thiều, chúng tôi nhận thấy hiện tượng phân rã cốt truyện. Đây cũng là một đặc điểm của truyện ngắn đương đại, gắn liền với quá trình yếu dần đi vai trò cốt truyện truyền thống. Nếu như trong văn học giai đoạn 1945-1975, với lối kết cấu sự kiện đơn tuyến, cốt truyện có một vị trí quan trọng - tạo thành một cái khung cố định, sắp xếp tổ chức chuỗi sự kiện mạch lạc và chặt chẽ thì cùng với xu hướng kết cấu tâm lý trong văn xuôi sau 1986, cốt truyện bị đẩy xuống hàng thứ yếu, nhường chỗ cho những dòng chảy bất định của tâm trạng con người. Cốt truyện vẫn tồn tại song bắt đầu bị biến dạng và phân rã - “thay vì duy trì tính thống nhất trong trình tự thời gian và nhân quả của chuỗi sự kiện gắn với hành động của nhân vật chính (protagoniste), tự sự tan vỡ thành một

chuỗi lắp ghép các phân đoạn, các “mảnh vỡ” của cuộc đời nhân vật chính… “, “thay vì triển khai tự sự bám vào “cuộc phiêu lưu của nhân vật”, nhà văn lại biến tự sự trở thành một “cuộc phiêu lưu của cái viết” nghĩa là sự chắp ghép ngẫu nhiên những mảnh vỡ - những sự kiện phân tán và rời rạc” (trích

Chủ nghĩa cấu trúc và văn học, Trịnh Bá Đĩnh dịch, tr.79).

Tiếng đập cánh của chim thần là một câu chuyện tình yêu của người lính sau chiến tranh. Truyện được triển khai trên cơ sở sự vận động của dòng tâm tư, suy nghĩ của hai nhân vật chính là Lợi và Duyên. Những sự kiện và biến cố trong truyện cực kỳ ít ỏi:

1. Ký ức buồn về đám cưới không thành của Lợi và chị Dịu.

2. Duyên mang cơm cho Lợi khi Lợi đang đóng bè, thả câu ngoài sông mùa mưa.

3. Ký ức về mối tình tuyệt đẹp với Dịu.

4. Duyên sang nhà dọn dẹp và nấu cơm cho Lợi. 5. Lợi tỏ tình với Duyên.

6. Duyên gặp vong hồn chị Dịu trên đường về. 7. Duyên nhận được lá thư của Lợi.

8. Duyên nhớ về tình yêu của Lợi và chị Dịu.

9. Cuộc gặp gỡ của Lợi và Duyên trong khu vườn kỷ niệm.

Trong số 9 sự kiện, biến cố thì có tới 4 sự kiện (1, 3, 8, 9) thuộc về ký ức. Tự sự không diễn ra theo trình tự thời gian và nhân quả mà bị phân tán bởi những dòng kí ức xem lẫn trong tâm trí của hai nhân vật. Dựa vào những chỉ dẫn được tác giả phân tán trong văn bản, dựa vào kí ức của nhân vật, người đọc có thể xâu chuỗi để tạo dựng những thông tin cần thiết về các nhân vật. Còn những sự kiện xảy ra trong hiện tại như: Duyên mang cơm cho Lợi, Duyên sang nhà Lợi dọn dẹp, nấu nướng, Lời tỏ tình của Lợi… không tạo ra những đột biến dẫn dắt sự vận động của cốt truyện mà

chỉ như một tác nhân đưa nhân vật về miền ký ức, hoặc kích thích dòng tâm tư, suy tưởng của nhân vật. Ở một truyện ngắn khác - Hai người đàn bà xóm Trại - người đọc chỉ thấy câu chuyện xoay quanh một buổi tối tẻ nhạt với những mẩu đối thoại dường như rời rạc của hai người đàn bà già. Nhưng không khí của mùa xuân với câu chuyện gói bánh Tết lại dẫn dắt cả nhân vật và độc giả vào “vùng” kí ức nhức nhối của người phụ nữ trong chiến tranh.

Không chỉ có hiện tượng phân rã cốt truyện, nhiều truyện ngắn của Nguyễn Quang Thiều còn không hề có cốt truyện (Chiều hoa tầm xuân, Bầy chim chìa vôi, Đêm cá đẻ, Người ở với hoa tầm xuân…), cái hấp dẫn người đọc ở đây là những biến động trong tâm lý nhân vật. Ở những truyện ngắn ấy, Nguyễn Quang Thiều chỉ viết về những sự việc thông thường, nhỏ nhặt với những chất liệu dung dị, tầm thường tưởng không có gì đáng nói. Truyện của anh đơn giản chỉ là một lát cắt, những khoảnh khắc của cảm xúc và tâm trạng. Nó như một giao điểm để hội tụ, lắng đọng hoặc đánh thức những cảm xúc, những suy nghiệm còn đọng chìm trong cõi lòng sâu thẳm. Truyện ngắn “Bầy chim chìa vôi” (được dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài) đã khám phá ra một khoảnh khắc kì diệu của thiên nhiên và tâm hồn con người. Câu chuyện ghi lại một đêm mưa lũ, bầy chim chìa vôi non đập cánh tập bay suốt đêm trên đồi cát giữa sông. Trong cơn mưa lũ, nước sông dâng lên mỗi lúc một nhanh, khoảnh khoắc dòng nước khổng lồ cuốn trôi tất cả cũng chính là lúc bầy chim non đập cánh một nhịp quyết định và bay lên biển lũ mênh mông. Rồi ánh bình minh chiếu sáng, hai đứa trẻ suốt đêm tìm cách cứu bầy chim non đã chứng kiến cảnh tượng kỳ vĩ ấy. “Và trong mắt hai đứa trẻ, một cảnh tượng như huyền thoại hiện ra. Từ mặt nước sông, những cánh chim bé bỏng và ướt át đột ngột bứt khỏi dòng nước khổng lồ và bay lên. Hai đứa trẻ như không kêu lên được một tiếng nào.

Người chúng như đang ngùn ngụt tỏa hơi nóng” [61, tr. 195]. Cảnh tượng bay lên kỳ vĩ của bầy chim là phút thăng hoa của đời sống. Đó cũng chính là sự bay lên của tâm hồn con người, của những đứa trẻ có trái tim nhân ái và tâm hồn trong sáng.

Những truyện ngắn không có cốt truyện, nhẹ nhàng, giàu chất thơ cho thấy năng lực thẩm mỹ tinh tế, biết vượt thoát khỏi sự trói buộc của đề tài để làm vang dậy tiếng nói tiêng của tâm hồn nhà văn.

Một phần của tài liệu Sự giao thoa giữa thơ và văn xuôi trong truyện ngắn và tản văn của Nguyễn Quang Thiều (Trang 77)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)