6. Cấu trúc của luận văn
3.1.2. Cái tôi hồi tưởng nặng lòng với kí ức tuổi thơ
Trong các tác phẩm tản văn hồi tưởng, người ta bắt gặp một Nguyễn Quang Thiều nặng lòng với quá khứ, với tuổi thơ. Trong những tác phẩm này của anh, hình ảnh của quê hương gắn với những người thân đã khuất được anh thể hiện chân thực, đặc biệt là với người bà nội thân thương.
Phải chăng, hình ảnh người bà nội với những câu chuyện kể về thế giới ma đã ám ảnh nhà thơ và từ cuộc đời thật của người bà đã ăn sâu vào tư duy nhà thơ. Đó là giọng nói của bà nội. Đó là những năm tháng bà nội nằm liệt giường chỉ xác nhận được sự sống của mình bằng giọng nói. Nguyễn Quang Thiều viết những bài viết Hồi tưởng về những người đã khuất, hồi tưởng về bà nội:
“Bà tôi nằm liệt giường đã bốn năm rồi. Những buổi tối ở quê tôi thường đi qua căn buồng bà tôi nằm thuở trước... Cùng lúc đó một giọng
nói xa xăm vọng về. Đấy là tiếng nói của bà tôi. Không phải tiếng từ cõi âm... Khi lớn lên có chút hiểu biết tôi đã tự hỏi vì sao bà tôi lại nói nhiều như thế khi nằm bất động trên giường. Những ngày ấy bà tôi không còn cảm giác gì về thân xác của mình... Bà tôi không xác định được mình còn tồn tại trên thế gian này nữa hay không thông qua thể xác của mình. Có lẽ thế mà bà tôi dùng giọng nói để xác thực sự tồn tại của mình: Và nếu bà tôi không nói thì bà tôi tin rằng mình đã chết...” [64, tr. 23].
Rải rác trong các tác phẩm, hình ảnh một người bà hiện lên khi thì qua những các câu chuyện ma, chuyện thần kỳ mà bà kể như một nỗi ám ảnh đầy hoài niệm của tuổi thơ, khi thì qua những sinh hoạt sinh động gắn với những thói quen của một thời. Và đặc biệt, hình ảnh của bà gắn với mái tóc: “Bất cứ khi nào nói về tóc là tôi lại nhớ tới bà nội tôi đầu tiên” [38, tr. 83]. Và mái tóc ấy không phải là những hình ảnh đẹp lung linh với phép so sánh “trắng như cước”, “dài như suối”… Mái tóc được tả ở những năm cuối đời của người bà bị bại liệt, và mái tóc dài là nơi cư ngụ của loài chấy trong một không gian u ám, bức bối: “Có một năm khí hậu ẩm ướt vô cùng, chấy rận phát triển nhiều như côn trùng, sâu bọ ngoài vườn. Trứng chấy bám đặc trên từng sợi tóc của bà tôi như hạt bám trên cây cỏ lộc vừng”
[64, tr. 84]. Mái tóc ấy theo suốt tuổi thơ với những trò vui gắn với nó: dùng sợi tóc để làm thong lọng bắt chuồn chuồn ngô, tóc rối làm đồ đổi lấy món kẹo kéo thơm ngọt… Và mái tóc như một nỗi ám ảnh về sự mất mát khi nó được cắt đi và hỏa táng trong một ngày trước khi người bà qua đời: “Bây giờ, mỗi khi về quê đi qua ánh đồng làng tôi lại nhớ đến ngày cha tôi mai tang tóc của bà tôi xuống đất đai. Và cứ đâu đấy mọc lê những đám cỏ xanh tôi lại nhớ đến nấm mộ tóc. Đấy là hình ảnh thiêng liêng bà mãi mãi thổn thức trong tôi” [64, tr. 83]. Hình ảnh bà nội cũng gắn với những câu chuyện ma đi liền với làng quê yên bình về cái chết của một đầm sen thiên
đường, về những cái cây có ma, về sự trở về của những người lính… Có thể nói, kí ức tuổi thơ, kí ức về người bà nội đã ăn sâu trong tâm trí nhà văn nhờ giọng nói của bà, cái chết đã không xóa mờ hình ảnh của bà trong dòng hồi tưởng của Nguyễn Quang Thiều.
Những tản văn của Nguyễn Quang Thiều cũng hướng về những nét sinh hoạt văn hóa tốt đẹp của Hà Nội, là sự kiếm tìm những giá trị văn hóa còn sót lại: Những di sản sống đất Thăng Long, Hơi thở từ ngôi mộ và món quà của người đã khuất... Cái tôi trữ tình trong thơ Nguyễn Quang Thiều cũng chính là cái tôi khát khao đi tìm cái đẹp. Cái tôi ấy bám lấy cuộc sống, tìm kiếm vẻ đẹp diệu kỳ trong những gì thân thuộc nhất. Cái đẹp có lúc nằm ở một trạng thái giản dị nhất hay ở một chuyển động thô sơ nhất. Với
Những di sản sống đất Thăng Long, anh là kẻ đi tìm kiếm và chiêm nghiệm về sự còn - mất của các giá trị văn hóa xưa cũ: “Nhưng có một lúc nào đó bạn chen chúc để đi qua những dòng người và xe máy hỗn loạn trên phố cùng với sự thật của một thời đại kiến trúc hỗn loạn của Hà Nội, bạn bỗng phát hiện ra một Hà Nội xưa còn sót lại với một lý do nào đó làm bạn nao lòng. Đó có thể chỉ là 1 cái cây hoàng lan già, một cái cổng nhà rêu phong, một mái ngói đặc trưng phố cổ, một ô cửa sổ gỗ mòn bạc…”. [64, tr. 62]. Và cái sự “sót lại” mà nhà văn vô tình khám phá được - một nếp nhà cổ, kiến trúc cổ, con người cổ Hà Nội và lối sống gần gũi với thiên nhiên đã làm rung động đến hân hoan: “Thỉnh thoảng tôi gặp một người già như bà cụ thân sinh ra bạn tôi trong một Hà Nội hiện đại. Và mõi lần như thế, họ lại đưa tôi trở về với những vẻ đẹp giản dị nhưng thẳm sâu, bền vững nhưng không hề lỗi thời. Bởi những vẻ đẹp đó là văn hóa - năng lượng sống vĩnh hằng cho một đời sống thực sự có ý nghĩa của một con người và của một xã hội”. [64, tr. 65]. Và cái nếp sống tưởng chừng như đã biến mất phía sau những cao ốc chọc trời, nhưng vội vã toan tính hiện hữu một cách
đầy đủ và sinh động: “Mỗi khi Tết đến, các thành viên trong gia đình chuẩn bị đón Tết như ông bà anh đón Tết ngày xưa: quét dọn nhà cửa, lau đồ thờ, chuẩn bị mâm ngũ quả, chuẩn bị các món ăn Tết truyền thống. Cụ vẫn chỉ đạo con dâu và các cháu làm mứt sen, mứt gừng, gói bánh chưng, làm giò xào, làm che lam, nấu thịt kho, thịt đông, ngâm bóng, măng khô, mua hoa giấy, câu đối đỏ.. và chuẩn bị cây mùi già để tắm tất niên. Đêm giao thừa, tất cả các thành viên trong nhà quay quần nói chuyện với nhau về gia đình với những kỉ niệm đẹp..” [64, tr. 64]. Giọng kể chân thành, khách quan mà đầy tự hào, tự hào khi được thực mục sở thị một nếp sống đẹp vẫn còn được lưu giữ, dù ít ỏi trong gia đình người Hà Nội. Theo cách tả của Nguyễn Quang Thiều, cái nếp sống ấy, không gian ấy ít nhiều có hơi hướng của một thiên đường còn sót lại.
Trong bài viết “Chúng ta từng đi qua Thiên đường với đôi mắt mù lòa”, Nguyễn Quang Thiều đã nói đến quan niệm của mình về cái Đẹp, về Thiên đường. Với anh, Thiên đường không phải là cái gì cao siêu, huyền bí mà là “một đời sống tinh thần kì diệu” ở ngay thế gian này: “Là một chiều đi chân trần trên cánh đồng rực vàng của lúa chín với cõi lòng thanh sạch vô cùng... được dắm chìm trong hương lúa, trong gió từ những chân trời vô tận thổi về trong bầu trời trong vắt. Và lúc ấy, một giai điệu ngọt ngào từ đâu đó dâng lên mãi tràn ngập tâm hồn và thể xác tôi. Và tôi tin hơn bao giờ hết đấy là một hình ảnh đích thực của Thiên đường... Khi chúng ta nhận biết được vẻ đẹp của thiên nhiên và sự sống thì nghĩa là chúng ta nhận biết được Thiên đường. Thiên đường nó không phải là nơi chốn chúng ta đến được đó sau khi chết. Nó hiển hiện mọi nơi mọi lúc trừ nơi u tối và lú lẫn của con người...”. Thiên đường là thứ anh vẫn hằng tìm kiếm, như một sự thôi thúc, ám ảnh khôn nguôi giữa đời sống đô thị hóa quay cuồng. Có những khi anh tìm thấy nó ngay trên đất nước anh sinh sống,
nhưng anh luôn thể hiện nó như một sự lép vế với những giá trị đối lập với nó, nó mong manh đến đáng thương. Nhưng dù sao nó vẫn hiện hữu, và nếu biết cách người ta có thế cứu vãn được. Anh cảnh tỉnh: “Gia đình họ là một mắt xích, một thành viên trong đời sống xã hội không thể tách rời. Vậy vì sao một gia đình làm được mà cả xã hội không làm được?” [64, tr. 65]. Sự cảnh tỉnh của anh là sự cảnh tỉnh của một con người đã ý thức được rất rõ những sai lầm, những điều phải - quấy trong cuộc sống ý thức được những hậu quả nặng nề mà nó đã đang và sẽ đem đến cho loài người, cho nhân loại: Sự mất đi không gian sống tốt đẹp với thiên nhiên, sự tha hóa của chính con người, sự băng hoại của những giá trị đạo đức. Chính cái sự le lói còn của những giá trị mà anh chỉ ra chính là thông điệp về khả năng cải tạo. Đó là hình ảnh của những “hạt giống” như là một nỗi ám ảnh với chính anh từ đầu đến cuối cuốn tập tiểu luận và tản văn Có một kẻ rời bỏ thành phố.