6. Cấu trúc của luận văn
3.3.1. Ngôn ngữ giàu hình ảnh
Giàu hình ảnh vốn là đặc trưng của ngôn ngữ thơ ca khi những con chữ biểu thị cảm xúc bị gò ép trong những giới hạn nhất định. Đối với văn
xuôi trong đó có tản văn, sử dụng ngôn ngữ giàu hình ảnh được coi như một thủ pháp đầy dụng ý, nhằm tạo nên những ấn tượng đối với độc giả.
Dường như trong tản văn Nguyễn Quang Thiều không có mặt các biến cố chính trị, xã hội thông thường. Bảng từ vựng Nguyễn Quang Thiều cũng không còn những phạm trù quen thuộc trong thơ một thời như đất nước, nhân dân, chiến tranh đạn lửa… Mẫu gốc văn hóa làng Chùa với những hình ảnh cánh đồng, dòng sông, côn trùng, tiếng chó,… đã thay thế hệ thống văn ảnh trong diễn ngôn mang tính sử thi. Vả lại, mối quan tâm của Nguyễn Quang Thiều nằm ở phía khác, mang tính phổ quát hơn về nhân loại, các giá trị người.
Ý thức tái hiện đời sống bằng con mắt ba, khi những viên phấn hiện thực đã mất dấu, tác phẩm của Nguyễn Quang Thiều như một hộp đen lưu giữ vô vàn tiếng nói, vô vàn tiếng vọng. Chúng hỗn độn, rối tung tít mù. Những giấc mơ sẽ tạo ra trật tự của chúng. J.Lacan nói: “Vô thức như một cấu trúc ngôn ngữ”. Nguyễn Quang Thiều luôn có ý thức tạo dựng hệ thống thi ảnh từ những ký ức tự do, hoang dại, đượm buồn. Hình ảnh giữ vai trò là chiếc chìa khóa trung tâm mở ra những liên tưởng thú vị trong tác phẩm của tản văn của Nguyễn Quang Thiều: Hình ảnh ô cửa sổ toa tàu trong Bên ô cửa những toa tàu thời chiến, hình ảnh những cái cây trong
Trò chuyện về những cái cây đã chết...
Ta có thể bắt gặp rất nhiều lớp ngôn ngữ giàu hình ảnh tài hoa trong tản văn của anh, thể hiện rõ trong những tản văn hồi tưởng, khơi gợi lại những kí ức mang chiều sâu tâm linh. Những trang văn viết về thiên nhiên, về kí ức tuổi thơ tràn ngập những hình ảnh đẹp, lãng mạn. Trong tản văn
Trong tiếng vọng những mùa sen đã chết, hình ảnh đầm sen được miêu tả trong trí tưởng tượng, kí ức và cả cơn mơ của nhà văn với một thứ ngôn ngữ gợi liên tưởng cao độ nhờ thủ pháp so sánh tài tình. “Thường là khi
những tiếng sấm đầu hạ vang lên vừa như trên đỉnh đầu vừa như ở đâu đấy dọc đường chân trời vọng lại thì những mầm sen bắt đầu vụt lên từ bùn nâu ở đáy hồ. Rồi vào lúc gần sáng, cơn mưa đầu hạ đổ xuống. Còn gì kỳ diệu và hân hoan hơn là nằm trong ngôi nhà tối thẫm trong tiếng mưa đầu hạ náo nức và ngân vang. Trong tiếng mưa đêm mùa hạ ấy, tôi thấy hàng đàn cá chép lấp lánh bay lên từ đầm nước rộng lớn trước cửa nhà. Như một thói quen, sáng hôm sau tôi lại chạy như bay ra bờ đầm nước. Và trên mặt nước lấp lánh buổi hừng đông, tôi nhận thấy những mầm sen như những thỏi bạc sáng đâm thẳng lên mặt nước. Và chỉ một tuần sau, cả đầm nước đã phủ kín một màu lá xanh như ngọc và ngào ngạt hương” [64, tr. 34]. Sức mạnh của tiếng nói Nguyễn Quang Thiều vang lên trong cấu trúc của giấc mơ và sự xuất hiện liên tiếp của những thi ảnh lạ lẫm. Không hiếm lần trong mơ thi sĩ thấy mình hóa thân thành vật khác để nghe sự chuyển động của thế giới bằng cái nhìn âm bản, ngược sáng. Ở tản văn Thông điệp của những ngọn gió, ngòi bút Nguyễn Quang Thiều như hóa thân thành gió để cất lên: “Trong những đêm tối của cô độc, chúng ta mang tiếng thì thầm của những thiên thần qua khu vườn. Chúng ta mang đến cho những người đang thao thức trong đêm bởi những điều nhân văn những giai điệu kỳ diệu của chúng ta… Chúng ta lách mình qua cửa và thì thầm với một cô bé: “Hãy mở cửa giấc mơ của em ra”. Và trong giấc mơ lộng lẫy ngập tràn ánh Thiên thanh, cô bé xòe đôi cánh mỏng và thơm như những cánh hoa tầm xuân nở trong ngày đầu xuân bay đến xứ sở thần tiên của mình […] Trong những đêm tối, những bông hoa bắt đầu mở cánh. Chúng ta dịu dàng nâng những làn hương thanh tao và mang đến cho thế gian. Có những con ruồi ngốc nghếch và bẩn thỉu nhưng vẫn còn một chút lương tâm mơ hồ đâu đó trong cái đầu bé xíu của chúng đã nhận ra hương thơm và vừa khóc trong bóng tối vừa nói: “Chúng con thật bất hạnh và thật đồi
bại. Chúng con bị những xác thối quyến rũ làm cho không mở được mắt”.
[64, tr. 172]