6. Cấu trúc của luận văn
3.2.1. Giọng giáo huấn sắc lẹm
Trước thực tại ngập tràn sự đổ vỡ, Nguyễn Quang Thiều, bằng những trải nghiệm của mình, đã cất lên tiếng nói giáo huấn, cảnh tỉnh con người. Trong nhiều tác phẩm tản văn cảm thời, đại từ nhân xưng thường gặp của anh là “ta”. Anh gom thiên hạ cả vào một mớ, trong đó có anh, như một sự đồng cảm, cái đồng cảm của một kẻ nằm trong quy luật nhưng nhận thức rõ được quy luật hơn người. Ở “Thông điệp của ngọn gió”, Nguyễn Quang Thiều hóa thân thành tiếng nói của ngọn gió tự do: “Bây giờ, ta thấy
các người đang nổi giận và thù hận chúng ta khi chúng ta nói vậy. Nhưng các người mắc một sai lầm không thể tha thứ được là đã tìm cách giam cầm tự do. Bởi những ngọn gió là hiện diện kỳ vĩ nhất của tự do. Nếu những ngọn gió chúng ta có thân xác thì các người cũng chỉ giam cầm được thân xác chúng ta mà thôi. Bởi không ai giam cầm được tự do và giấc mơ về tự do” [64, tr. 175]. Trong nhiều tác phẩm khác, giọng điệu giáo huấn rõ rệt được thể hiện qua cách nói mỉa mai, lên án bản tính của con người hiện đại, là sự phẫn nộ với những sai lầm, những suy nghĩ thiển cận của nhân loại hiện sinh: “Bởi chúng ta lãng quên giấc mơ của mình. Và khi chúng ta xòa bàn tay của tâm hồn chúng ta ra, chúng ta chẳng thấy một hạt giống nào của giấc mơ trong lòng bàn tay ấy. Chúng ta không biết lấy gì để chạy chữa cơn đau ốm tâm hồn ấy của chính chúng ta và của những đứa trẻ, những chủ nhân tương lai của thế gian này. Cho đến lúc đó chúng ta mới nhận ra rằng: Chúng ta thực sự là những kẻ vô gia cư vô cùng nghèo đói” [64, tr. 10] hay: “Nhưng có một điều vô cùng nghiêm trọng mà chúng ta không nhận ra trong chính những nỗ lực ấy của chúng ta. Đó là thói ích kỉ, lòng thiếu vị tha và sự vô cảm với đồng loại. Chúng ta đã không nhìn thấy hoặc không muốn thấy con đường chung của nhân loại” [64, tr. 26]
Từ những quan sát của mình, anh cho phép mình có quyền phán xét những cách làm của thiên hạ, và những nhận định hàm chứa thái độ gay gắt như một sự cảnh tỉnh được tung ra: “Các người đang tàn lụi và đang trở thành những kẻ điên rồ” [64, tr. 131], “Khi chúng ta bỏ quên con cái trong chính ngôi nhà của mình thì chúng sẽ đi tìm một ngôi nhà khác. Và không ai biết nơi chốn ấy có những gì đang đợi chúng” [64, tr. 99]
Giọng giáo huấn còn nằm trong cái cách mà anh tự cật vấn lương tâm mình với những thói tật, sai lầm không đáng có trong cách hành xử, trong đời sống. Trong khoảnh khắc cuối năm của “Như là một ngày sám
hối”, anh viết: “Bây giờ công việc cơ quan của một năm đã tạm vơi đi. Ta có nhiều thời gian để hồi tưởng. Và ta thấy thực sự niềm vui trong ta thì ít mà sự hổ thẹn trong ta lại nhiều. Trong suốt một năm qua, ta từng có những phút tự đắc khi ta làm được một điều gì đó hơn người khác. Ta thật ấu trĩ, khờ dại và thật thiếu hiểu biết”. [64, tr. 21]. Con người đương nhiên ai cũng từng có những sai lầm. Và Nguyễn Quang Thiều cũng như vậy. Sự tự cật vấn lương tâm không chỉ là sự sám hối, đó cũng là cách mà Nguyễn Quang Thiều tự giáo huấn mình, định hướng cho mình trong cách đi, cách nghĩ. Song có điều, dường như anh viết những điều đó không phải chỉ cho riêng mình. Tất nhiên, với điểm nhìn của mình hướng về con người bên trong chính anh, anh viết cho mình là trước tiên. Nhưng cái ý nghĩa đại khái, những thói tật mang tính phổ quát mà anh nhắc đến trong sám hối của chính mình khiến cho bất cứ ai khi đọc những dòng chữ đó cũng có cảm giác là anh viết về chúng ta về loài người nói chung với những hạn chế mang tính cố hữu. Cái giọng giáo huấn của tác giả vì thế cũng đến với bạn đọc một cách dễ dàng hơn và dễ được chấp nhận hơn.