6. Cấu trúc của luận văn
2.2. Những biểu tượng nghệ thuật đặc sắc
Trong tác phẩm văn học,“biểu tượng là thuật ngữ mỹ học, lý luận văn học và ngôn ngữ học (còn gọi là tượng trưng). Nó có nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Đặc điểm của bản thân hình tượng nghệ thuật là sự tái hiện thế
giới làm cho con người và cuộc sống hiện lên như thật. Nhưng hình tượng cũng là hiện tượng đầy tính ước lệ. Bằng hình tượng, nghệ thuật sáng tạo ra một thế giới hoàn toàn mới mang một ý nghĩa biểu tượng. Cho nên, theo nghĩa rộng, biểu tượng là đặc trưng phản ánh cuộc sống bằng hình tượng của văn học nghệ thuật. Theo nghĩa hẹp, biểu tượng là phương thức chuyển nghĩa của lời nói hoặc một loại hình thức nghệ thuật đặc biệt có khả năng truyền cảm lớn, vừa khái quát được bản chất của hiện tượng nào đấy, vừa thể hiện một quan niệm, một tư tưởng, hay một triết lý sâu xa về con người và cuộc đời...” [24, tr. 46 - 47]. Biểu tượng cũng nằm ở cấp độ cao hơn hình ảnh, không phải hình ảnh nào cũng là biểu tượng. Có những hình ảnh chỉ mang tính chất định danh, gọi tên sự vật, sự việc như nó vốn có trong thực tế. Nhưng có những hình ảnh được lựa chọn để đưa vào tác phẩm theo ý đồ nào đó của tác giả, khi đó chúng có ý nghĩa rộng hơn và trừu tượng hơn, khác với ý nghĩa ban đầu, khi đó hình ảnh trở thành biểu tượng.
Trong thơ trữ tình, biểu tượng được sử dụng như một thủ pháp đắc địa. “Tư duy thơ là sự khôi phục và sáng tạo nên các biểu tượng trực quan để biểu hiện tư tưởng và cảm xúc, nhưng không phải do nhận thức cảm tính quyết định” [51]. Biểu tượng thơ ca được biểu hiện qua ngôn từ là một sự chuyển nghĩa có tính đa nghĩa và chịu sự chi phối của quan niệm về thơ, về thời đại và cá tính của người nghệ sĩ. Nói như vậy, cũng có nghĩa biểu tượng là một phương thức tư duy nghệ thuật của nhà văn, là một phương tiện tạo hình và biểu đạt hữu hiệu nhằm tạo ra những hình tượng cụ thể, lặp đi lặp lại với tần số cao và có giá trị nghệ thuật đặc sắc. Biểu tượng có chức năng mã hóa những cảm xúc tư tưởng về đời sống, tái hiện mô hình văn hóa dân tộc và thể hiện phong cách tác giả, thời đại cũng như khuynh hướng văn học. E.Đuốc - khem, nhà văn hóa Pháp đã từng nói: “Con ngưới sáng tạo biểu tượng văn hóa, dùng biểu tượng để thống nhất con người, để
thông tin, lưu truyền hay tác động và để thấy được diện mạo tinh thần của con người” [24, tr.49]
Để gia tăng sức truyền tải cho truyện ngắn, các nhà văn cũng thể nghiệm sáng tạo nên những hình ảnh biểu tượng độc đáo. Hướng đi này có thể tìm thấy trong truyện ngắn của những cây bút văn xuôi được yêu mến như: Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Hòa Vang, Hồ Anh Thái....
Nếu như ở mảng sáng tác thơ ca, Nguyễn Quang Thiều gây ấn tượng đặc biệt bởi hệ thống biểu tượng nghệ thuật phong phú, rậm rịt, đa hệ giàu sức gợi, đa nghĩa thì ở mảng truyện ngắn, ta cũng có thể bắt gặp thế giới biểu tượng vừa đa dạng, vừa thống nhất ấy. Trong sáng tác của Nguyễn Quang Thiều, nhiều biểu tượng được kế thừa từ nguồn văn hóa dân gian, chứa đựng những yếu tố folklore của dân tộc, tiếp thu những “mẫu gốc”,
những huyền thoại trong kho tàng văn hóa nhân loại. Đó là những con đò, bến nước, bầu trời, mặt biển, mặt trăng, đám hiếu, đám hỷ, lễ tết, hội hè,... trong ca dao và là những cánh đồng, dòng sông, ánh trăng, con đường, bóng tối và ánh sáng trong văn học viết. Thế giới biểu tượng của Nguyễn Quang Thiều vừa mang đậm bản sắc truyền thống, vừa nhập vào dòng chảy văn hóa thế giới mang vẻ hiện đại tân kỳ.