Trẻ e m biểu tượng về sự sống, sự trong sáng

Một phần của tài liệu Sự giao thoa giữa thơ và văn xuôi trong truyện ngắn và tản văn của Nguyễn Quang Thiều (Trang 73)

6. Cấu trúc của luận văn

2.2.3. Trẻ e m biểu tượng về sự sống, sự trong sáng

“Tuổi thơ là biểu tượng của sự trong trắng, vô tội: là trạng thái chưa hề mắc lỗi... Tuổi thơ là biểu tượng của tính chất phái tự nhiên, tính hồn nhiên... trẻ thơ hồn nhiên, lành hiền, mộc mạc, không có mưu đồ gì, không có ẩn ý...” (Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới). Trong truyền thống của đạo Ki-tô, các thiên thần được miêu tả bằng những nét của trẻ thơ, dấu hiệu của sự ngây thơ, trong trắng... hình ảnh trẻ thơ tượng trưng cho sự chiến thắng những mặc cảm, nỗi lo âu và đạt được sự bình yên trong nội tâm và giữ được lòng tin.

Nguyễn Quang Thiều luôn trăn trở về sự suy kiệt của cõi thế, sự tái sinh của nhân loại. Trong những sáng tác thơ ca của mình, anh có những dự

cảm về sự tan rã tinh thần của con người trong đời sống hiện đại, con người có những khoảnh khắc “bị đánh tráo dịu dàng với những kẻ bên cạnh” và “quên mất mình trong đám đông”. Bởi vậy, Nguyễn Quang Thiều đã xây dựng những hình ảnh, hình tượng mang ý nghĩa tốt đẹp để phục sinh lại đời sống. Đó là biểu tượng trẻ thơ. Sự phục sinh của thế giới trong thơ Nguyễn Quang Thiều thường gắn với hình tượng trẻ thơ. Theo Nguyễn Quang Thiều, trẻ em đồng nghĩa với sự trong sáng, không bị chủ nghĩa thực dụng chen vào. Trẻ em cũng đồng nghĩa với thiên thần vừa trong sáng vừa linh thiêng, tinh khiết biểu trưng cho sự toàn vẹn của thế gian.

Trong truyện ngắn, những đứa trẻ xuất hiện nổi bật nhất ở: Bầy chim chìa vôi, Rùa trắng, Bông hoa nước, Người cha, Hương khúc nếp cuối cùng… Cũng giống cách nhìn của thơ, ở những câu chuyện ấy, đứa trẻ là biểu tượng của cái Đẹp thuần khiết, thánh thiện, gắn với sự phục sinh thế giới. Mên và Mon trong Bầy chim chìa vôi thương những con chim chìa vôi bé bỏng ở bãi cát giữa sông khi nước dâng cao. Tình thương ấy đã thôi thúc hai đứa trẻ quyết định cứu đàn chim vào đêm mưa gió. Khi bình minh đã đủ sáng thì một cảnh tượng như huyền thoại hiện ra. “Từ mặt nước sông những con chim bé bỏng và ướt át đột ngột bứt ra khỏi dòng nước khổng lồ bay lên” [61, tr. 195]. Lúc này, hai anh em nghe thấy trong ngực mình nhịp đập của những trái tim chim hối hả nhưng đều đặn. Ở Rùa trắng, Nguyễn Quang Thiều cũng xây dựng hai nhân vật trẻ thơ tên Mon và Mên. Câu chuyện nhuốm màu huyền thoại của bà nội kể cho hai anh em về đầm sen đã ám ảnh chúng khôn nguôi: Ngày xưa sen ở đầm vực rất nhiều. Năm bà mang thai đến bận thứ tư, khi ra đầm vực móc cua, bà gặp một con rùa trắng. Bà định bắt nó nhưng không được, con rùa lao xuống nước để lại một quả trứng lớn hơn trứng ngỗng màu xanh. Bà nhặt trứng về. Người làng tò mò kéo đến. Họ thôi thúc bà đập quả trứng. Khi họ đập nó ra, bên

trong quả trứng rơi ra một cục máu. Người làng ùa ra tìm rùa, cả đầm sen bị quần nát nhưng họ vẫn không thấy con rùa. Đêm hôm đó, bà bị sốt và hỏng thai. Từ đó bà không có thai được nữa. Năm ấy, sen cũng tàn rất nhanh. Đầm sen dường như đã chết mặc dù bà nhiều lần cố gắng trồng lại. Rồi bà ốm liệt giường, nhưng sen vẫn không mọc bởi sự hủy hoại của con người. Câu hỏi cuối cùng trước lúc ra đi của bà - “Sen mọc chưa?” - đã khiến hai anh em day dứt, băn khoăn. Mặc cho hai anh em mong ngóng, đầm sen vẫn chưa mọc lại. Sau này, hai anh em nhiều lần mơ thấy những giấc mơ kỳ lạ. Họ mơ thấy rùa trắng thường xuyên và “kỳ lạ thay, giấc mơ của hai anh em tôi mỗi ngày một giống nhau hơn đến từng chi tiết” [60, tr. 5 - 22]. Mùa xuân tiếp theo, mâm xôi ra hoa nhiều chưa từng thấy. Những đám cỏ lác bị chết rụi trong mùa đông không thấy mọc lại. Ít thấy những đám tóc tiên, rong đuôi chó. Nước đầm lấp lánh hơn. Và vào một đêm mưa đầu hạ, họ thấy thoáng mùi thơm của hương sen. Đêm ấy, cả hai anh em mơ một giấc mơ dài. Nhưng không thấy rùa trắng, mà mơ bà nội sống lại. Sáng hôm sau, hai anh em ra đầm Vực, “và trong vệt sáng kia một búp sen đã vươn lên chói sáng” [60, tr. 21]. Cả mặt đầm đã rực sáng. Chính tình yêu thiên nhiên nguyên sơ và tâm hồn trong sáng của những đứa trẻ đã giúp đầm sen hồi sinh trở lại. Vẻ đẹp tâm hồn thánh thiện của những nhân vật nhỏ còn được Nguyễn Quang Thiều khắc họa trong truyện ngắn Bông hoa nước. Chuyên - bé gái 9 tuổi, trong một đêm mưa bão, đã mơ về bà, về một loài hoa kỳ diệu nở trong nước. Nhưng chỉ người dũng cảm mới sẽ hái được bông hoa đó và trở thành người đẹp nhất và thông minh nhất. Trong giấc mơ, cô bé thấy bông hoa đó ở đầm làng, vội lội xuông và đưa tay về phía ánh sáng của bông hoa nước. Đúng lúc ấy, Chuyên tỉnh giấc vì nghe tiếng mẹ gọi. Nhà văn đặt nhân vật nhỏ của mình vào một thử thách lớn: Mẹ Chuyên nó sắp sinh em bé, nhưng không có ai ở nhà ngoài hai mẹ con.

Chính vì thế, cô bé phải một mình đến trạm xá gọi bà Qui đến đỡ đẻ cho mẹ. Ngoài trời mưa to, bão lớn, Chuyên sợ hãi không dám đi. Nhưng vì đứa em sắp ra đời, cô bé đã lấy hết can đảm lao vào màn đêm trong cơn bão lớn. Khi đến trạm xá, Chuyên gọi bà Qui nhưng bà không đến. Cô bé buồn bã trở về nhà, giúp mẹ sinh em. Chuyên làm mọi việc theo sự chỉ bảo của mẹ, đảm đang như một người lớn, nào đun nước, cắt rốn, tắm cho em nó, nấu cháo cho mẹ nó. Đến gần trưa, khi bố về, cô bé mới ngất đi vì kiệt sức. Giấc mơ đêm qua trở lại, cô bé ngắt được bông hoa và bước đi. Chuyên trở thành người đẹp nhất và thông minh nhất. Câu chuyện nhuốm màu cổ tích bởi chi tiết bông hoa nước huyền ảo, nhưng đó lại là phần thưởng xứng đáng nhất dành cho sự can đảm và tình yêu thương sâu sắc của cô bé dành cho mẹ, cho đứa em bé bỏng mới chào đời. Có thể nói, qua hình ảnh những đứa trẻ trong sáng, thánh thiện, dường như Nguyễn Quang Thiều muốn gửi gắm niềm hy vọng vào trẻ thơ, coi các em là tương lai của nhân loại. Chính sự trong sáng nguyên sơ của trẻ em sẽ bảo vệ thế giới đang trên đà suy kiệt này.

Qua việc khám phá một vài biểu tượng đặc sắc trong sáng tác Nguyễn Quang Thiều, chúng tôi nhận thấy thế giới biểu tượng của anh rất phong phú. Tất cả góp phần tái hiện một hiện thực khách quan sống động. Thế giới ấy có thiên nhiên: cỏ - trăng, cây cối, chim muông, trời, biển, cánh đồng, dòng sông,... có hoàng hôn, ban mai. Thế giới ấy còn có ngôi nhà, bậu cửa, những người đàn ông và những người đàn bà, những đứa trẻ, có tiếng khóc, tiếng cười, tiếng hát và cả lời cầu nguyện, có giấc ngủ và có cơn mơ, có sự sống và có cái chết, có những kí ức về cố hương, về ông nội, bà nội, mẹ, cha và các con... Đó là một thế giới chìm ngập bóng tối và tràn trề ánh sáng.

Một phần của tài liệu Sự giao thoa giữa thơ và văn xuôi trong truyện ngắn và tản văn của Nguyễn Quang Thiều (Trang 73)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)