6. Cấu trúc của luận văn
3.2.2. Giọng trò chuyện tâm tình
Đối với Nguyễn Quang Thiều, giọng văn là thứ mang đặc trưng bởi sự tưng tửng, chân thành nhưng chứa đựng sức nặng triết lí sâu xa nhưng vẫn dạt dào những cảm xúc chân thành. Anh kể chuyện cũng như đời, chỗ nào cần triết lí, anh sẽ đặt triết lí. Chỗ nào không cần đến nó, anh tâm tình. Nói với chính mình, và nói với cả thiên hạ. Anh tâm tình về những xúc cảm trong khoảnh khắc cuối năm đầy hoài niệm: “Trong những ngày này ta nhớ đến những người thân yêu đã vĩnh viễn rời khỏi thế gian và đã tan vào trong đất đai nồng ấm, thân thuộc và vô tận. Ta nhớ đến những người thân đang ở một chốn xa xôi trên thế gian mênh mông mà chưa về đoàn tụ với ta trong ngôi nhà ông bà, cha mẹ ta đã dựng lên. Ta nhớ đến một người
bạn bị lãng quên trong suốt một năm… Ta chợt cúi mặt khi nghĩ đến có một lần trong năm cũ ta đã tỏ ra khinh bỏ một kẻ khó khăn đến nhờ vả ta.
Ta đâu biết rằng: Khi đưa bàn tay ra giúp đỡ một người gặp khó khăn hay sa ngã thì hạnh phúc nở trong ta chứ không phải nở trong kẻ được giúp. ” [64, tr. 20]
Trong số những tác phẩm tản văn, nhiều phần ông viết cho chính bản thân mình. Đó là khi anh hồi tưởng về những câu chuyện của tuổi thơ, của quá khứ, và anh kể chuyện cho chính mình, kể chuyện cho độc giả về những cảm nhận cuộc sống từ trong quá khứ và hiện tại: “Không có một người thân yêu nào của chúng ta cắt rời khỏi chúng ta cho dù người đó ta không gặp lại hoặc chưa bao giờ gặp lại. Chính điều đó làm cho tâm hồn và đời sống của chúng ta không cô độc và giàu có. Ngay cả khi chúng ta không thể trò chuyện với ai về những phiền muộn hay thất vọng của chúng ta thì chúng ta vẫn có thể bước đến và trò chuyện với những người thân yêu đã khuất”. [64, tr. 158]
Trong một tác phẩm khác, anh viết: “Bạn có thể không đồng tình với câu trả lời như một sự tuyệt vọng này của tôi. Bởi bạn đang sống trong một đời sống nhiều của cải vật chất hơn. Bạn đang mỗi ngày lún sâu trong đầm lầy của thói ngạo mạn và tăm tối khi thấy mình sở hữu nhiều vật chất và quyền lực hơn tổ tiên, ông bà và cha mẹ bạn. Nhưng nếu chúng ta đặt câu hỏi về đời sống này với đúng bản chất tinh thần của nó và lắng nghe câu trả lời thành thực nhất theo một phép liên hoàn từ nhiều thế hệ trong gia đình bạn: Cụ kỵ, ông bà, cha mẹ… thì bạn sẽ nhận thấy những câu trả lời này sẽ dựng lên một lộ trình của tinh thần đời sống giống như tiến trình đóng băng của một dòng sông…” [64, tr. 12]. Việc đi vào đúng bản chất của sự việc, hiểu được những gì mà thực tế đang diễn ra, đồng thời khi đặt mình vào cùng hoàn cảnh, khi tách mình ra khỏi thực tại để phát ngôn là
cách khôn khéo của Nguyễn Quang Thiều khiến cho những lời giáo huấn của anh vừa chủ quan, vừa khách quan. Và rõ ràng, người bị giáo huấn (người đọc) sẽ có được một cảm giác tự nhiên từ chính sự chân tình (có thể là giả tưởng) này của tác giả. Cách nói nhấn mạnh, luyến láy từ ngôn từ với những hình ảnh mang tính biểu tượng như đầm lầy, dòng sông đóng băng… khiến cho cách nói mang chiều sâu triết lí và những xúc cảm của tác giả được cô đọng. Cách xưng hô bạn - tôi (tương ứng) giống như Nguyễn Quang Thiều đang đứng thuyết trình trực tiếp trước độc giả, sống động và gần gũi, thân tình. Giống như những người bạn chí cốt khuyên bảo nhau về cách sống, về cuộc sống. Và đặc biệt sự sinh động ấy lại được lồng vào trong đó những xúc cảm chân thực của tác giả càng làm tăng sức hấp dẫn và tính thuyết phục của ý đồ phát ngôn.