Tạo dựng tình huống truyện

Một phần của tài liệu Sự giao thoa giữa thơ và văn xuôi trong truyện ngắn và tản văn của Nguyễn Quang Thiều (Trang 80)

6. Cấu trúc của luận văn

2.3.2. Tạo dựng tình huống truyện

Khi cốt truyện bị làm mờ, đẩy xuống hàng thứ yếu thì tình huống trở thành yếu tố có vai trò quan trọng giúp truyện ngắn đứng được. Tình huống không nhằm thúc đẩy phát triển hành động của nhân vật mà thường đóng vai trò khơi nguồn, châm ngòi cũng như lý giải nguyên cớ, nguồn cơn của những tâm trạng, những biến thái của tinh thần nhân vật. Nhà văn đặt nhân vật vào những tình huống dưới dạng điều kiện xúc tác để mô tả chiều sâu của đời sống tâm hồn, chớp lấy những khoảnh khắc lóe sáng để gợi lên những cảm nhận mơ hồ nhưng đầy ám ảnh về con người, về cuộc đời. Sức ngân vang, khả năng gợi thức ám ảnh của truyện ngắn Nguyễn Quang Thiều không phải nằm ở cốt truyện hấp dẫn hay chiều sâu của những khái quát nghệ thuật mà chính ở việc khám phá, phát hiện ra các tình huống đời sống. Đó là các tình huống sau:

Tình huống phản tỉnh: Đặc điểm cơ bản của loại tình huống này là gắn liền với khả năng tự ý thức của nhân vật. Đó là những cảnh ngộ, những trạng huống, tình thế buộc nhân vật tự nhận thức, tự soi xét chính mình. Những trạng huống, cảnh ngộ làm cho nhân vật tự nhận thức, soi xét lại bản thân.

Truyện ngắn Cái chết của bầy mối xây dựng tình huống mưa mối đầu hạ làm bừng tỉnh người đàn bà về cảnh ngộ, thân phận và trách nhiệm

của mình. “Anh” và “chị” đều là những người đã có gia đình. Họ gặp nhau trong một lần đưa con đi công viên chơi. Tình yêu tội lỗi đến với họ nhanh chóng, họ gọi điện cho nhau “rối rít” và “ngạt thở”. Vào cái ngày họ hẹn gặp nhau thì bất chợt cơn mưa đầu hạ đổ xuống. Cơn mưa với những con mối xòe đôi cánh mỏng như màng nước, tận hưởng hạnh phúc một lần rồi chết la liệt trên nền xi măng đã làm người đàn bà liên tưởng đến cảnh ngộ của mình, đánh thức chị quay trở lại với hạnh phúc gia đình. Ở Chiếc lông chim màu đỏ sự tự tin và “thiên tính nữ” trong con người Ngần lại được đánh thức bằng một tình huống nhuốm màu kỳ ảo: Ai nhặt được chiếc lông chim màu đỏ của con chim chúa đàn sẽ trở nên xinh đẹp rạng ngời.

Nhưng cũng có những khi nhân vật bị đặt trước một sự việc đã rồi. Sự việc xảy ra, hoàn tất và không còn cách gì có thể thay đổi được. Chỉ còn lại sự sám hối với một niềm tiếc hận thấm thía của một lương tâm không bao giờ yên ổn. Loại tình huống này cho thấy sự xô đẩy phức tạp của những quan niệm đạo đức nhân sinh trong mỗi một con người cũng như niềm khát khao hướng thiện. Sự việc, biến cố như một tấm gương tự soi mình của nhân vật để nhân vật có thể nói thực với mình những lầm lỗi đáng hổ thẹn. Bà Nhim trong Người đàn bà tóc trắng là nạn nhân của thói gia trưởng của người cha chồng, cả đời đã đánh mất những khát vọng sống riêng tư. Bà muốn Gừng cũng phải gánh chịu những nỗi đau như mình. Khi Gừng có thai với Mô, nỗi bất hạnh, đau thương của đời bà trỗi dậy, cào xé tâm can bà, khiến bà điên cuồng tìm cách giết Gừng. Nhưng Gừng đã bỏ chạy khỏi bà, khỏi căn nhà ấy. Khi bà ốm, Gừng trở về chăm sóc bà, thương cảm bà, trái tim nhân hậu của Gừng đã thức tỉnh bà Nhim khi cuộc đời của bà sắp kết thúc. Bà hối hận thú nhận những nỗi đau trong cuộc đời của mình và cả những suy nghĩ đầy tội lỗi. Sự thức tỉnh ở những giây phút cuối đời đã khiến bà Nhim, trong mắt Gừng, vẫn là một người bà nhân hậu và tội nghiệp.

Việc tạo ra những tình huống phản tỉnh là nỗ lực của nhà văn nhằm đi sâu vào ý thức cá nhân, vào bản ngã của mỗi con người. Khả năng tự nhận thức, tự phán xét về chính mình đã đưa đến cái nhìn đa chiều trong đời sống phức tạp cả con người. Đó là sự săn đuổi ráo riết nhân cách con người trong những biểu hiện căn cốt của ý thức về chính nó. Kiểu tình huống này có tác dụng lớn trong việc khơi mở chiều sâu của ý thức, tâm trạng.

Tình huống trở về: Là một tình huống khá phổ biến trong các truyện ngắn của Nguyễn Quang Thiều. Nhà văn đặt nhân vật vào quá khứ, làm sống lại những hồi ức, những hoài vọng trong quá vãng. Những truyện ngắn viết về chiến tranh của anh, như: Hai người đàn bà xóm Trại, Lời hứa của thời gian, Ngựa trắng, Tiếng đập cánh của chim thần, Gió dại, Mai vàng nở sớm, Gương mặt thứ ba, Chiều hoa tầm xuân ... đều có những tình huống đưa nhân vật trở về với hồi ức của những năm tháng chiến tranh để thấy được sự tác động mãnh liệt của chiến tranh vào số phận của từng cá nhân cho đến mãi ngày hôm nay. Hành trình của ông Miêng trong Lời hứa của thời gian là hành trình đi về giữa quá khứ và hiện tại để đi tìm ý nghĩa của cuộc đời, để tìm vẻ đẹp lý tưởng. Theo dòng hồi ức, lịch sử chiến tranh được lần giở lại, những trang đời từ từ được mở ra. Đối với ông Miêng chiến tranh đâu có giản đơn với những chiến tích đã phải đánh đổi bởi máu, mồ hôi và nước mắt, thâm chí cả sự biến dạng của người lính. Theo dòng chảy của ký ức cuộc chiến còn bị đánh động trong nỗi day dứt ám ảnh bởi mặt đau thương: “Chính quả đồi này, năm 1972 cả tiểu đội chỉ còn sót lại một người. Đó chính là ông. Sau trận đánh chiều hôm đó, ông ngất đi vì ba vết thương trên người ... Ông gượng ngồi dậy và trong ánh sáng mờ của sao và vầng trăng đầu tháng ông nhận ra đồng đội đang nằm như ngủ bình yên trên đỉnh đồi. Ông đã cất tiếng gọi. Tất cả đã hi sinh. Tiếng gọi của

ông đêm ấy vang trên những quả đồi trơ trụi và vọng mãi đến tận bây giờ”[61, tr. 315 - 316]. Mất mát ấy quá lớn đối với ông. Bởi chiến tranh qua đi, đối với ông không phải là giấc mơ mà cơn ác mộng. Cơn ác mộng đó không ngủ quên trong lòng quá khứ mà là một di chứng đeo bám, giằng xé tâm can người trong cuộc. Những di chứng ấy hiện hữu trên những vết sẹo thể xác và cả tâm hồn - những vết sẹo không bao giờ lành da. Nó ám ảnh và thôi thúc ông quyết định trở lại vùng đồi. Ông muốn trồng thông kín cả đồi bởi một lý do đơn giản: “Tất cả đồng đội tôi đã chết trên quả đồi kia. Bây giờ họ đang ngủ ở đó”. Thế là vùng đồi và những cây thông non là niềm vui của ông. Đêm đêm ông sống cùng tiếng gió những đồi thông. Thỉnh thoảng ông lại nghe thấy chính tiếng ông gọi đồng đội xưa kia vọng về. Có thể nói rằng lịch sử của cuộc chiến tranh được sống dậy bằng ký ức của những con người độc hành tìm về quá khứ. Hồi ức chiến tranh thật mãnh liệt trong tâm hồn những con người một thời là nhân chứng. Đối với họ thời quá khứ là điểm tựa, là chỗ dựa để tìm về. Họ đã đi tìm sự thanh thản trong lòng chiến tranh. Đó là sự tìm về giá trị chân chính.

Nhằm tô đậm chất thơ, ngoài việc chọn hồi ức để xây dựng tình huống trở về, Nguyễn Quang Thiều còn đưa nhân vật trở về quá khứ qua những giấc mơ chập chờn. Trong Gió dại Nguyễn Quang Thiều đã miêu tả cô gái ở chiến trường năm xưa trở về lạc lõng trong cuộc sống hiện tại. Chiến tranh kết thúc người con gái ấy trở về làm văn thư cho văn phòng uỷ ban huyện. Bây giờ bà trở thành một trong những cán bộ lãnh đạo của uỷ ban nhân dân huyện. Nhưng bà không lấy được chồng bởi dáng người gầy quắt và khô cứng cùng giọng nói đàn ông của bà. Ta thấy trong truyện ngắn này người chiến sỹ năm xưa thực hiện cuộc hành trình tìm về quá khứ, tìm ý nghĩa cuộc đời bằng những giấc mơ và hồi ức. Kỷ niệm thời chiến tranh hiện lên trong bà thật nguyên vẹn. Ngày xưa, đơn vị thanh niên xung phong

của bà toàn là con gái, họ sống với nhau mấy năm liền trong những căn hầm ở Trường Sơn. “Đúng, ngày ấy ác liệt và thiếu thốn tưởng không sống nổi. Cái họ thiếu nhất là giọng nói và bóng dáng của người đàn ông. Nhiều lúc buồn quá họ tổ chức trò chơi lễ cưới. Ngày ấy bà thường phải đóng đàn ông. Vì bà có dáng người cứng và khuôn mặt thô. Mỗi lần như thế bà phải giả giọng nói đàn ông. Bà phải tỏ tình, nâng niu, phải sửa soạn phòng cô dâu”[61, tr. 75]. Có thể nói tuổi thanh xuân, sắc đẹp những giấc mơ và khát vọng, những cống hiến hy sinh... bà đã để lại chiến trường. Những ngày tháng ấy, những kỷ niệm đẹp đẽ ấy bây giờ chỉ còn lại trong tiềm thức. Theo đó là những giấc mơ mà trong đó cả ngày xưa và ngày nay cũng có mặt, cũng đặt ra câu hỏi dày vò người đàn bà vốn là chiến sĩ Trường Sơn ấy. Thời gian ở đây đã trở thành một nỗi ám ảnh đối với con người. Bởi bà đã trải qua những năm tháng đáng nhớ trong chiến tranh. “Đêm đêm, bà mơ thấy “đám cưới” của mình trong cánh rừng Trường Sơn khắc nghiệt. Bà thấy “cô dâu” của bà trở về cả người đẫm máu và được cài kín bằng những bông hoa dại của rừng Trường Sơn”[61, tr. 76]. Ban ngày bà lăn xả vào công việc nhưng đêm đến bà lại vất vả trong những cơn mơ kỳ dị. Đôi lúc bà mê đi trong một nỗi đau khổ rằng “người vợ” yêu thương của mình đã bị chiến tranh cướp mất. Nhân vật của Nguyễn Quang Thiều suốt đời đi tìm những giấc mơ huyền thoại. Họ đi tìm ký ức, tìm ý nghĩa cuộc đời ở những hành động không bình thường. Người đàn bà - người chiến sỹ năm ấy nhiều lần ôm ghì và vuốt ve người con gái ở cùng bà. Những lúc ấy bà cứ ngỡ là bà đang săn đón và âu yếm “cô dâu” năm xưa của mình. Trong trạng thái mộng du tiếng bà vang lên: “Em ơi, anh yêu em... trời... chúng nó lại ném bom đấy. Em... có nghe...thấy...con khóc...không”[61, tr. 77]. Có thể nói những hành động khác thường của nhân vật ở đây không thể lý giải bằng logic thông thường. Ở một góc độ nhất định, những hành động ấy có tính chất tượng trưng, thể hiện quan niệm của nhà văn về con người và

cuộc đời. Những mộng mị, tỉnh mê, huyền bí của nhân vật nói trên giúp ta hiểu sâu hơn về hiện thực. Chiến tranh đã đi qua nhưng dư âm của nó còn kéo dài, còn ám ảnh con người mãi mãi về sau.

Tình huống trở về là kiểu tình huống giàu khả năng đánh động vào hoài niệm của con người, bởi nó xoáy sâu vào mỗi người những hồi ức, những kỷ niệm đẹp đẽ và nên thơ. Đặc biệt, ở những trang viết về chiến tranh, việc tạo dựng tình huống trở về đã giúp nhân vật được kể câu chuyện về số phận, về những khát vọng thầm kín trong con người mình. Những nỗi đau chiến tranh đang dần được xoa dịu bằng sự nhân ái của con người trong cuộc sống hôm nay.

Tiểu kết

Sự giao thoa giữa thơ và văn xuôi trong truyện ngắn của Nguyễn Quang Thiều biểu hiện ở nhiều cấp độ từ tư duy nghệ thuật đến phương thức cảm thụ thế giới, từ cấu trúc văn bản tự sự đến những yếu tố hình thức nghệ thuật khác. Trên cơ sở đặc trưng thể loại, luận văn chỉ lưu ý đến mối giao thoa trong phương thức thụ cảm thế giới (giàu cảm xúc), tư duy nghệ thuật (thế giới biểu tượng phong phú) và cấu trúc văn bản (tự sự phi cốt truyện). Tất nhiên, chúng ta còn có thể tìm thấy dấu hiệu của thi ca trong ngôn ngữ, trong điểm nhìn trần thuật… ở các truyện ngắn của Nguyễn Quang Thiều. Nhưng với khuôn khổ có giới hạn của một luận văn thạc sỹ, chúng tôi chỉ đi sâu vào những biểu hiện quan trọng nhất. Từ đó, thấy được một đặc điểm phong cách truyện ngắn Nguyễn Quang Thiều, đó là giàu chất thơ. Với lối viết giàu cảm xúc, truyện ngắn Nguyễn Quang Thiều đã đạt được sự hồn nhiên tươi trẻ và một chất thơ sâu lắng. Những trang văn của anh được thơ ca tiếp sức và chắp thêm đôi cánh. Nhìn từ góc độ giao thoa thể loại, chúng ta cũng có thể gọi tên truyện ngắn của Nguyễn Quang Thiều như một “biến thể”: truyện ngắn thi ca, hoặc truyện ngắn trữ tình.

Chương 3: SỰ GIAO THOA GIỮA THƠ VÀ VĂN XUÔI TRONG TẢN VĂN NGUYỄN QUANG THIỀU

Theo Lê Trà My trong luận án “Tản văn Việt Nam thế kỷ XX từ cái nhìn thể loại”: Tản văn là một thể loại văn xuôi hiện đại ra đời ở khoảng thập kỷ thứ 2 của thế kỷ XX với những sáng tác của Tản Đà, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Chế Lan Viên, Phùng Tất Đắc... Tản văn đã tạo dựng được 1 chỗ đứng độc lập nhất định trên văn đàn bên cạnh các thể loại tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ… với những đặc trưng loại hình nhất định như: Là một thể loại văn xuôi ngắn gọn, hàm súc, không có cốt truyện. Cấu tứ của nó thường dựa trên một tín hiệu thẩm mỹ trung tâm, biểu hiện một ý tưởng chủ đạo, một khuynh hướng tư tưởng rõ ràng. Tản văn không đặt mục đích nghệ thuật ở việc xây dựng nhân vật, tạo dựng cốt truyện mà nó tập trung vào các chi tiết, hình ảnh tinh lọc, hàm súc giàu sức gợi. Đặc trưng nổi bật của tản văn là bộc lộ rất rõ cái tôi tác giả. Từ phương diện hình thức biểu hiện, có thể thấy tản văn là thể loại tương đối tự do. Người viết sử dụng kết hợp các thao tác của ba loại hình: tự sự, trữ tình, kịch hoặc sử dụng kỹ thuật của nhiều thể loại khác. Tính chất tự do này tạo cho tản văn một sự co giãn, khả năng dễ thích ứng, dễ dung hợp và tạo sinh cái mới. Với những đặc trưng này, có thể thấy tản văn là một thể loại độc lập nhưng có rất nhiều điểm chung với thơ.

Căn cứ vào nội dung thẩm mỹ, Lê Trà My đã phân chia tản văn thành 3 kiểu loại: Tản văn triết luận, tản văn hồi tưởng, tản văn cảm thời. Trong đó, tản văn triết luận là những hình dung của tác giả về thế giới được thể hiện qua lối lập luận của nghị luận. Tản văn hồi tưởng là loại khá phổ biến, xuất hiện nhiều và thường xuyên trong lịch sử tản văn hiện đại, được coi là “bộ mặt tâm hồn”, là “lịch sử cuộc đời” của nhà văn với những chất liệu mang đậm dấu ấn cá nhân. Tản văn cảm thời lại ghi dấu những phản

ứng tinh thần của nhà văn trước thực trạng đời sống cá nhân và xã hội với đặc trưng và tính ngẫu hứng. Căn cứ vào những đặc trưng này, có thể thấy những sáng tác của Nguyễn Quang Thiều chủ yếu thuộc hai loại tản văn hồi tưởng và tản văn cảm thời.

Trong môi trường sinh thái văn hóa thuận lợi của văn học thời kỳ đổi mới: Không khí tự do dân chủ và đời sống báo chí sôi động, tản văn đã phát triển mạnh mẽ với sự vượt trội của số lượng sáng tác, sự mở rộng về đề tài, chủ đề, cách thức biểu hiện... Xu hướng nổi bật của tản văn thời kỳ đổi mới là đi vào các vấn đề văn hóa dân tộc, viết về quê hương đất nước với những cảnh sắc, hương vị, những nét đẹp trong đời sống sinh hoạt của con người. Những cây bút tản văn tiêu biểu của văn học đương đại có thể kể tới: Băng Sơn, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Mai Văn Tạo, Vương Trí Nhàn, Lí Lan... Trong đó, tản văn của Nguyễn Quang Thiều cũng ghi được những dấu ấn riêng độc đáo với sự hòa quyện của chất thơ trong từng sáng tác.

Một phần của tài liệu Sự giao thoa giữa thơ và văn xuôi trong truyện ngắn và tản văn của Nguyễn Quang Thiều (Trang 80)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)