Ngôn ngữ giàu hình ảnh, chất thơ

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện ngắn Đỗ Bích Thúy (Trang 86)

Một trong những nét làm nên sức hấp dẫn trong truyện ngắn Đỗ Bích Thúy là chất thơ lan tỏa hầu khắp các trang viết của chị. Qua ngòi bút của chị, cuộc sống, con người và thiên nhiên Tây Bắc hiện lên không hề xa lạ , bí hiểm mà rất gần gũi, thơ mộng. Cảm nhận đó được tạo nên nhờ ngôn ngữ giàu chất thơ, với những so sánh- liên tưởng giàu sức gợi. Giữa cuộc sống vùng cao còn bộn bề khó khăn vất vả, Đỗ Bích Thúy đã đưa người đọc đến với những khung trời thơ mộng, những cảnh sắc thiên nhiên đẹp mê hồn người qua những trang viết miêu tả thiên nhiên thật thơ mộng của núi rừng Tây Bắc.

Bằng khả năng quan sát tinh tế và nhạy cảm, Đỗ Bích Thúy lột tả chất thơ của cuộc sống từ những cảnh vật rất đỗi bình dị và quen thuộc của vùng biên giới rẻo cao. Bằng việc sử dụng những từ ngữ miêu tả màu sắc tươi tắn, sinh động như vàng tươi, tím iếc, xanh lam, đỏ,…để mô tả cảnh sắc thiên nhiên khiến bức

tranh thiên nhiên trở nên rực rỡ, tươi tắn, sinh động, căng tràn sức sống: “Sau dãy

núi hình răng cưa mặt trời đỏ bầm đã chìm xuống non nửa. Những mảng khói còn lại của nương đồi mới đốt quẩn vào nhau, bốc ngược lên chậm chạp, nhuộm cho ánh hoàng hôn ngả tím, phủ đầy xuống thung lũng . Mặt trời lặn càng sâu thì gió càng thổi mạnh, cuốn tàn tro mằn mặn bay tứ tung. Những con cánh cam dúi đầu xuống đám lá dẻ khô. Thời tiết ở rừng thay đổi nhanh chóng, vừa mới chang chang nắng đốt cháy cả cây cỏ da thịt đã lạnh rùng mình ngay được. Thậm chí Liêu còn cảm thấy sương đang bủa xuống ướt vai mình . Tả Gia ngay trước mặt đây rồi, bóng chiều đang dềnh lên, tưởng chỉ dượm bước là đã đặt chân ngay xuống thung lũng”. (Mần tang mọc trong thung lũng).

Không gian thơ mộng không chỉ hiện lên qua đường nét, màu sắc mà còn qua hương vị thảo mộc đậm đà, thanh khiết, qua âm thanh gần gũi, thân thương

của loài vật: “Bất chợt, tiếng tắc kè bật lên khắc khoải….Chỉ cần thả vài con tắc

kè non lên mái nhà hôm trời mưa là nó ở lại luôn, thôi không đi nữa. Có lúc đàn tắc kè sinh sôi đến gần chục con, dạn người, lơ láo bò qua bò lại trên bậu cửa . Hôm nào chúng kêu tiếng lẻ là trời nắng, tiếng chẵn là trời mưa”. Mọi thứ hòa quyện với nhau tạo nên hương vị quê hương đặc sắc như có uy lực níu giữ bước

chân người đã từng đặt chân lên mảnh đất này và thôi thúc bước chân những người con tha hương quay về.

Chất thơ trong tác phẩm của chị còn thể hiện ở những lời thơ, câu hát của đồng bào dân tộc. Những lời thơ câu hát thắm đượm ân tình:

Mây trắng bảo anh đi, mây mưa bảo anh về Em đưa anh đến con đường rẽ thụt sâu

Mây nắng bảo anh đi, mây mưa bảo em quay lại Anh buông tay em, tay như rụng

Như lá tre, lá gỗ lả tả rụng Anh bỏ tay em, tay như rơi Như lá tre, lá gỗ lả tả rơi.

(Con dê bốn mắt)

Bằng ngôn ngữ trần thuật dung dị, từng bức tranh sống động về các mùa của vùng núi Tây Bắc hiện lên bằng hình khối, màu sắc, hương vị. Một năm luôn bắt đầu bằng mùa xuân, không khí mùa xuân sôi nổi rạo rực với những tiếng sáo, tiếng khèn khơi dậy những khát khao yêu đương và sức sống tiềm tàng trong con người và sự thay đổi diệu kỳ của cảnh vật mà chúng ta đã từng thấy ở những tác phẩm của Tô Hoài hay Ma Văn Kháng, Nguyên Ngọc, nay, ta lại thấy một mùa xuân tràn trề sức sống, tràn trề sinh lực trong tác phẩm của Đỗ Bích Thúy.

Cho đến khi ngựa đập móng lộp cộp đầu hồi, hoa lê bật bông trắng như tuyết thì xuân sang. Các ông bố đeo bao da ra khỏi nhà tìm trong bản, ngoài bản, ai có lợn to thì cùng chung mổ ăn tết. Xuân sang đấy nhưng trời còn rét mãi tháng ba, tháng tư, trẻ con đuổi bò xuống thung lũng vẫn còn chưa chịu bỏ bùi nhùi rơm ở nhà, mặt đứa nào cũng nứt toác cả ra. Chỉ có đất bắt đầu tơi mềm, bò dê được ăn cỏ tươi và nước thì bắt đầu chảy đầy máng và vầu trở lại. Sau tết nguyên đán, có đôi khi hội bản này nối sáng bản kia cả tháng trời. Chợ nào cũng đông nghịt toàn con trai, con gái mặc đẹp, đeo đầy vòng bạc, mua sắm thì ít mà ngắm nhau thì nhiều”.

(Ngải đắng ở trên núi)

Mùa hạ với cái nắng chói chang và mùa màng bội thu: “Mặt trời lên, đỏ

như một quầng lửa. Báo hiệu một ngày rất nắng. Cứ nắng thế thì chỉ ba ngày là thóc nếp khô, yên tâm xếp lên gác bếp. Năm nào cũng vậy, sau mùa thu hoạch bao giờ trên cái gác chạy từ đâu nhà đến cuối nhà cũng đầy chặt lúa ngô. Ngô

túm thành từng chùm treo lủng lẳng , lúa xếp bên trên. Được mùa, có khi lúa năm ngoái chưa ăn hết thì lúa năm nay đã về, cứ thế xếp lên”.

(Ngải đắng ở trên núi)

Mùa đông với cái rét cắt da cắt thịt cùng theo cùng gió, theo cùng sương muối đến quanh bếp lửa trong những ngôi nhà ấm cúng hay trên những nương

hoa tam giác mạch biếc hồng làm không khí thêm phần êm đềm, thơ mộng: “

vùng núi bao giờ mùa đông cũng đến sớm. Khi những chiếc lá đào, lá mận đầu tiên rụng xuống thì dòng suối bắt đầu cạn, nước chảy dưới phần ngâm của lớp đá cuội trắng trơ. Gió từ trong khe núi ùa ra, mang theo hơi lạnh đến ghê người của đá và lá cây lúa. Thân ngải đắng bắt đầu khô lại, rễ bám chặt lấy lớp đất chai cứng và ngả sang nâu đen vì sương muối. Nhiều ngày, nhiều tuần, có khi cả tháng giời không có nắng, giữa tuần trắng đêm cũng chỉ lờ mờ. Đây là quãng thời gian ít việc nhất trong năm. Đám con gái chỉ quanh quẩn ở nhà xe lanh, đôi gò má bắt lửa đỏ au. Ngoài nương chỉ còn trồng tam giác mạch . Hạt tam giác mạch ăn không ngon như hạt ngô, hạt lúa nhưng hoa tam giác mạch thì đẹp. Trời càng rét thì sắc biếc hồng càng rực rỡ. Cả dải núi, nương nhà này nối với nương nhà kia cứ bừng lên như một màu tam giác ngập trời”.

(Ngải đắng ở trên núi)

Đặc điểm nữa làm nên đặc trưng trong ngôn ngữ của Đỗ Bích Thúy là lối tư duy của điện ảnh, tư duy khuôn hình. Có những đoạn văn, khi ta đọc, tưởng như chỉ cần nhắm lại, hình dung thì từ trong tâm trí hiện lên rõ mồn một những

cảnh sắc, âm thanh mà chị đã thể hiện trên trang viết của mình. Bộ phim Chuyện

của Pao do đạo diễn Ngô Quang Hải chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh từ

truyện ngắn Tiếng đàn môi sau bờ rào đá của chị, điều không thể phủ nhận là

bên cạnh yếu tố cốt truyện có sức gợi rất lớn thì lối viết văn giàu hình ảnh cũng là một thuận lợi hỗ trợ các nhà làm phim. Những đoạn văn phong phú âm thanh

và hình ảnh như: “May bíu lấy gốc lê, cố thở thật khẽ. Ánh trăng cuối tuần mờ

quá. Gió lạnh từ trong khe núi ào ra, mấy chiếc lá lê già còn sót lại rụng nốt, quệt vào bờ rào đá lạt sạt…”. Một khung cảnh vừa tĩnh lại vừa động như lòng người: người mẹ già bâng khuâng với kỷ niệm thời son trẻ. Còn May, lần đầu tiên cảm nhận hết nỗi lòng của mẹ già khi bắt đầu bước vào tuổi biết yêu. Cả ánh trăng, cả hơi thở đều như muốn lặng đi, nhưng gió thì vẫn ào ra từ khe núi, lá cây lê thì vẫn rụng tao tác như không muốn để yên, cảnh đó, người đó hài hòa một cách kỳ lạ. Thiên nhiên, tạo vật như ngưng lại trong khoảnh khắc con người đối

diện với chính mình, với nỗi niềm tưởng như đã giấu kín trong tiềm thức của mẹ già, với thổn thức bắt đầu nhen nhóm trong lòng cô gái trẻ….Tất cả đã góp phần tạo nên một bức tranh động nhưng tĩnh lặng đầy sức gợi.

Đoạn văn cuối truyện Gió không ngừng thổi, là sự kết hợp của cảm giác

con người với âm thanh của thiên nhiên, trời đất, của những khoảnh khắc tâm trạng khó nói thành lời. Với lối viết giàu hình ảnh của Đỗ Bích Thúy đã lột tả những điều khó nói nhất trong tâm trạng Kía, khi ở bên ngoài ,chồng Kía và đứa con lớn đang nói chuyện về bí mật mà Kía tưởng không ai biết . Mỗi người một

tâm trạng, nhưng thật xót xa: “Trong lúc ấy, ở trong buồng, bà Kía lặng lẽ kéo

chăn lên ngang mặt, nhắm chặt mắt và thở thật chậm. Gió vẫn đang rít bên ngoài, những mảnh vỏ ngô bị cuốn lên, đạp cả vào tường nhà lẹt xẹt”.

Truyện ngắn Mần tang mọc trong thung lũng như những thước phim

sinh động: “Rồi Nhi giằng mạnh tay Phủ, bỏ chạy lên nhà, tóc xổ tung, để mặc

Phủ ngã quỵ giữa ngổn ngang ngô lúa. Cây đèn bão chao đảo mạnh trong gió rồi rơi xuống đất, tắt phụt”.

Từ việc quan sát, phân tích các đoạn văn mang đậm dấu ấn của tư duy hình ảnh, tư duy khuôn hình này, người viết nhận thấy, những đoạn trần thuật miêu tả như thế này thường được tác giả sử dụng trong việc khắc họa tâm lý nhân vật, thú vị hơn là trong những đoạn văn này độc giả rất khó xác định được điểm nhìn là của nhân vật nào trong truyện. Đây là nét đặc trưng, là thế mạnh trong nghệ thuật viết văn của Đỗ Bích Thúy.

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện ngắn Đỗ Bích Thúy (Trang 86)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)