Ngoài những truyện ngắn truyền thống thì trong sáng tác của Đỗ Bích Thúy cũng có những tác phẩm chứa cốt truyện rời rạc, phân mảnh. Truyện như đan cài, chồng chéo nhiều mạch truyện đứt đoạn tưởng như không ăn khớp với
nhau và không tuân thủ quy luật tự nhiên của cảm xúc. Câu chuyện vẫn được kéo dài từ hiện tại, quá khứ đến tương lai. Cốt truyện đan xen, sáo trộn về thời gian tạo nên truyện có nhiều mạch truyện song song với nhau hoặc ngược lại nhằm để đối chiếu, soi tỏ và khắc họa sâu hình tượng nhân vật và bộc lộ tối đa chủ đề của tác phẩm. Lối kể truyện lồng trong truyện, cốt truyện song song nhiều mạch
truyện trong sáng tác của Đỗ Bích Thúy tiêu biểu như: Gió không ngừng thổi,
Tiếng đàn môi sau bờ rào đá và Lặng yên dưới vực sâu.
Truyện ngắn Gió không ngừng thổi kể về việc gia đình ông Thào Mí
Sùng ở Lũng Pục đang lục đục hết cả lên vì thằng con trai Thào Mí Chá bỏ nhà đi mấy hôm chưa về, hôm nay lại nghe nói nó đã ở tại nhà một mụ góa bên Cao Mã Pờ. Sau đó, ngược về quá khứ để lí giải sự có mặt của Thào Mía Chá trong gia đình. Nó không phải là con ruột của ông Sùng. Bà Kía bị tên chú họ xa biết ông Sùng không sinh được con đã ép bà Kía làm “chuyện ấy” vào buổi nhập nhoạng tối ngay tại nương ngô và do đó mới có tên Chá trên đời. từ đó bà Kía sống trong day dứt, dằn vặt vì phải đeo đẳng cái bí mật “chết người” đó. Thằng Chá lớn lên trong chiều chuộng và bao bọc của cả nhà nên trở nên hư hỏng. Kết thúc câu chuyện cái nút thực sự được mở ra. Hóa ra từ trước đến nay cả ba người: bà Kía, ông Sùng và Sèn- chị gái Chá đều biết sự thật thằng Chá không phải con ruột ông Sùng nhưng tất cả đều giấu kĩ, chôn chặt trong lòng…Với hai mạch truyện song song được tiến hành, một là việc hiện tại của Chá, và hai là những suy nghĩ đau khổ dằn vặt của bà Kía khi ôm bí mật trong lòng khiến truyện dần được hé mở và cuối cùng là việc mở nút vào cuối truyện khiến câu chuyện có sức hấp dẫn đặc biệt.
Truyện ngắn Tiếng đàn môi sau bờ rào đá được triển khai trên ba mạch
chính với thời gian đan cài giữa hiện tại và quá khứ. Chuyện kể về gia đình ông Chúng ở thời điểm hiện tại với tâm trạng của ba người: Ông Chúng, bà Mao và
May. Ông Chúng thấy “ Lúc này trong nhà mình khó ở quá, giống như trời sắp
mưa dông mà mấy ngày không mưa được” khi nghĩ về trách nhiệm của mình với
gia đình, bà Mao thì có hành động khác thường: “….May cố không nhìn vào cái
hòm gỗ to lù lù góc buồng . Trong cái hòm ấy mẹ già cất một bộ váy áo đẹp lắm, thêu bảy màu như cầu vồng, mẹ bảo bao giờ con May lấy chồng thì mẹ cho mang theo. Vậy mà mới đêm hôm qua, lúc gần sáng May thức giấc lại thấy mẹ già mở hòm lấy bộ áo váy ấy ra. Mẹ già định mặc váy áo đẹp đến thế đi đâu?”. Còn May, đứa con gái cũng bắt đầu có khát vọng yêu đương, biết suy nghĩ. Từ thời
khắc hiện tại, với tâm trạng riêng của mỗi người, nhà văn Đỗ Bích Thúy đã triển khai những mạch đứt đoạn trong truyện.
Ở mạch truyện thứ nhất: Kể về thời gian hiện tại, nói về chuyện gia đình ông Chúng và chuyện tình của mẹ già. Giải thích việc ông Chúng sang nương không muốn trở về chỉ là cái cớ. Song song với những âu lo, trắc ẩn của ba con người ở hiện tại là sự lội ngược dòng về quá khứ của tác giả khi kể chuyện về bà Mao. Bà Mao năm xưa yêu một chàng trai nhưng vì gia đình chàng trai nghèo nên bố mẹ bà Mao không đồng ý. Do gia đình ông Chúng giàu có, đã chồng đủ bạc trắng, đủ gạo, rượu nên ông Chúng cưới được bà Mao. Người trai Mông mà bà Mao đem lòng yêu ấy đã thề không bao giờ thổi kèn môi nữa. Dường như, ông Chúng biết, từ sâu thẳm trái tim bà Mao tình yêu ấy vẫn âm ỉ cháy, nhưng suốt những năm tháng tuổi trẻ, bà đã buộc chôn vùi kí ức đẹp của mình để gánh trách nhiệm làm dâu, làm vợ, làm mẹ, gánh trách nhiệm với nhà chồng, với những đứa con không phải do bà sinh ra. Điều đó khiến cho tâm trạng của ông Chúng bất an. Ông Chúng muốn làm điều gì đó đền đáp cho bà Mao, vì thế nên, ông Chúng bảo
bà Mao mang rượu ngô đi bán, và “Ai cũng biết rượu ngô đi chợ hai bảy để
người bán người mua uống cùng với nhau”, để cho những người yêu nhau được đến với nhau”.
Mạch truyện thứ hai thuật lại việc xảy ra trước tết một tháng với sự kiện là mẹ Hoa về, làm cho gia đình rối tung lên vì những suy nghĩ khó xử của mỗi người trong gia đình. Rồi, theo dòng tự sự là những lời thuật lại cuộc đời làm dâu của bà Mao. Cuộc đời làm dâu của bà Mao gặp nhiều đau buồn. Bà về nhà ông Chúng đã ba năm nhưng vẫn chưa có con. Có lúc, bà Mao định trở về nhà mẹ đẻ để cho chồng lấy vợ mới nhưng ông Chúng không nghe và còn yêu thương vợ nhiều hơn. Chuyện bắt đầu khi ông Chúng đi làm đường, lúc trở về mang theo một người đàn bà cùng về, đó là Hoa. Hoa sinh cho ông Chúng hai đứa con là May và Trài, sau đó không chịu được đói nghèo nên đã bỏ đi, để lại hai khúc ruột của mình là hai chị em May cho bà Mao nuôi. Bằng tình thương và lòng nhân hậu của mình, bà Mao đã nuôi hai đứa trẻ đến khi chúng trưởng thành, lớn khôn. Đến giờ, khi May đến tuổi cập kê thì mẹ Hoa lại quay về.
Mạch truyện thứ ba: Kể về May- con gái ông Chúng đến tuổi cập kê , biết suy nghĩ và là người nối kết các câu chuyện đứt đoạn nằm rải rác trong truyện. Với nhân vật này, nhà văn đã khéo léo lồng ghép câu chuyện tình yêu của cô một cách cố ý, để trên cơ sở ấy, gợi nhắc về một quá khứ, về một tình yêu đẹp nhưng
dang dở của bà Mao. Chính lẽ đó mà May cứ phân vân, hết thắc mắc này đến thắc mắc khác về những hành động của mẹ Mao và cả việc bố mình đòi sang nương ở không về.
Xen kẽ trong câu chuyện, làm điểm nhấn hấp dẫn cho nhiều tình tiết là tiếng đàn môi gọi bạn réo rắt lặp đi lặp lại trong tác phẩm….là tiếng đàn môi của chàng trai cưỡi ngựa theo May về đến tận nhà, tiếng đàn môi làm trái tim thiếu nữ xao xuyến. Nhưng tiếng đàn môi ấy còn gợi lại những kỉ niệm không thể nào quên của mẹ già về một thời trẻ đã qua…. Tiếng đàn môi như chất liệu làm cho câu chuyện thêm nhiều ý nghĩa, và, dù không nói rõ, nhưng người đọc dần hiểu ra mọi chuyện. từ đây dấy lên trong lòng bạn đọc một tình thương, sự đồng cảm, chia sẻ với tất cả các nhân vật trong truyện. Có thể nói, thông qua cốt truyện về những số phận khác nhau của cuộc sống con người vùng cao, Đỗ Bích thúy đặc biệt muốn gửi gắm sự đồng cảm, thấu hiểu và chia sẻ tận đáy sâu tâm hồn mình với số phận những người phụ nữ. Có thể thấy, với người phụ nữ nơi đây, những chuỗi ngàyđược coi là hạnh phúc nhất của đời họ thường qua ngắn ngủi. Hẳn đó chỉ là những tháng ngày mới bước vào tuổi cập kê, biết ửng hồng đôi má khi bắt gặp một ánh nhìn như thiêu đốt trong buổi chợ, biết cất cao giọng hát đáp lời một tiếng hát nồng nàn, tình tứ phía đám trai bên kia. Còn khi đã lấy chồng, họ sẽ phải chấp nhận muôn vàn nỗi khổ cực do hủ tục lạc hậu, do đói nghèo, do định kiến xã hội gây ra.
Truyện ngắn Lặng yên dưới vực sâu cũng kể về tình yêu ngang trái của
những người yêu nhau mà không đến được với nhau, vẫn là hoàn cảnh của người phụ nữ Mông phải lấy và sống với người mình không yêu, nhưng câu chuyện kết thúc bi kịch làm nhói lòng độc giả ngay cả khi đã gấp cuốn sách lại...
Mở đầu câu chuyện, Đỗ Bích Thúy đưa người đọc đến với chuyện về chàng trai người H”Mông ở U Khố Sủ và biệt tài thổi sáo của mình, đó là Giàng Sếnh Vừ. Tài thổi sáo của Vừ khiến trái tim bao cô gái say mê, thổn thức, nhưng tiếng sáo ấy đã có chủ rồi, tiếng sáo réo rắt yêu thương như chỉ cất lên dành tặng Súa, người con gái Mông đẹp nhất bản. Vừ chỉ yêu Súa. Súa nhớ rất rõ tiếng sáo của Vừ. Dẫn dắt câu chuyện ngừng lại, và nhà văn bắt đầu trần thuật câu chuyện theo từng phần (truyện bao gồm 6 phần, và mỗi phần Đỗ Bích Thúy đều đặt cho những tiêu đề). Và, trong mỗi phần tưởng chừng như rời rạc đó lại được gắn kết với nhau bằng việc xen kẽ liên tục các nhân vật; Vừ, Súa, Phống, Nhí, với nhiều khoảnh khắc xáo trộn, cùng đồng hiện giữa hiện tại, quá khứ và tương lai…
Mạch truyện thứ nhất: kể về Tráng A Phống – một thằng trai Mông con nhà giàu, giỏi tính toán đã lấy được Súa – đứa con gái Mông cũng đẹp nhất vùng. Tuy nhiên, Phống chỉ lấy được vợ, có vợ về mặt thể xác còn tâm hồn Súa đã dành cho người khác, ấy là Vừ trên U Khố Sủ. Tráng A Phống rất đau khổ nhưng vẫn cố gắng nhẫn nại tỏ ra yêu thương chăm sóc và làm mọi thứ để làm thay đổi tâm hồn và tình yêu của Súa. Nhưng mọi cố gắng đều đi vào ngõ cụt, vì Súa vẫn lạnh lùng vô cảm. Đau khổ,tuyệt vọng đến điên cuồng, Phống có lúc đã ngủ với đứa con gái khác ngay trước mặt vợ, kèm theo cả những câu nói mất hết nhân tính. Từ đây khoảng cách giữa anh và vợ ngày xa nhau hơn. Đến khi có sự đồng cảm tha thứ trong nhau thì Phống lại có nỗi khổ tâm riêng. Nỗi khổ tâm này khiến anh nhảy xuống vực, mang theo bí mật trong lòng và kết thúc cuộc đời buồn tủi của mình.
Mạch truyện thứ hai, kể về cuộc đời làm dâu, làm vợ, làm mẹ của Súa,. Là một cô gái xóm Mông sán Cố sống với cha. Súa nổi tiếng là xinh đẹp, thông minh, gan dạ, làm chỗ dựa cho cha và được mọi người yêu quý. Súa yêu Vừ - chàng trai Mông trên U Khố Sủ. Tuy nhiên, do nhà Vừ nghèo nên không lấy được Súa, Súa được gả cho Phống. Phải lấy người mình không yêu làm trái tim súa tan nát, từ đó Súa sống dật dờ như một cái bóng vô hồn. Sự vô cảm của Súa khiến Phống tức giận và đã ngủ với đứa con gái khác ngay trên giường của hai vợ chồng. Sự việc đồi bại của chồng khiến Súa tức giận muốn vứt bỏ đứa con trong bụng, nhưng Phống van xin và hối hận. Súa đã giữ lại đứa bé không phải vì
Phống mà vì cô cảm nhận được “cái đạp rất nhẹ ấy khiến Súa không thể bỏ nó
được”. Việc Súa sinh cho nhà chồng một đứa con trai nên gia đình chồng càng
thương yêu cô, tình cảm của hai vợ chồng cũng bắt đầu tốt hơn. Tình yêu với chồng nhen dần lên trong lòng Súa cũng là lúc cả hai đau đớn biết rằng Phống không khả năng làm thằng đàn ông nữa. Cuối cùng, Phống rơi xuống vực chết mang theo bí mật của hai người. Đau đớn đang nhen trong lòng Súa, ăn mòn kí ức cô từng ngày.
Mạch truyện thứ ba kể về Vàng Sếnh Vừ- là người U Khố Sủ rất yêu Súa, nhưng do hoàn cảnh hai người không đến được với nhau. Vừ khổ tâm vô cùng, và đã có lúc Vừ đến tận nhà chồng của Súa để gọi Súa, mong Súa trở lại với mình. Rồi khi Súa có con, Vừ vẫn chặn đường Súa nhiều lần để nói lời yêu
thương: “Phải tin Vừ chứ. Nhé, mang thằng Chá lên U Khố Sủ với mình nhé.
Mạch truyện thứ tư, kể về Nhí- đứa em gái của chồng súa. Nhí rất xinh đẹp nhưng lại bị câm. Tưởng như không có người đàn ông nào nhòm ngó đến cô. Nhưng bất ngờ có một người đàn ông tên Tân – vợ mất, có một đứa con, Tân ở nơi khác đến đấy nuôi ong. Hai con người, hai hoàn cảnh đáng thương đã đồng cảm với nhau và tìm đến nhau để tâm sự, làm chỗ dựa tinh thần cho nhau. Một lần lên nương tìm chị dâu, Nhí chứng kiến cảnh chị dâu bị một người đàn ông nhấn chìm trong đống ngô khô. Điều đó khiến Nhí nhớ đến người đàn ông của đời mình và mong mình sẽ là người phụ nữ hạnh phúc. Nhưng bất hạnh đã ập đến với Nhí, dập tắt mọi hy vọng mới nhen nhóm trong lòng, bởi lẽ, người đàn ông duy nhất của đời Nhí đã bị đám trai La Chí Trải ác ý mở tất cả những thùng ong của Tân vào lúc nửa đêm. Tân vì đi cứu ong đã bị một cơn co thắt lồng ngực
mà chết. Nhí đau đớn khi mà “Cuộc đời với những chuỗi ngày đau buồn dằng
dặc vừa mới le lói chút ánh sáng mong manh của hạnh phúc đã chấm dứt”. Bốn mạch truyện đan xen lồng ghép trong sáu phần được tác giả phân chia khiến các nhân vật trong truyện dàn trải hầu khắp các trang viết. Với việc tổ chức, sắp đặt các nhân vật, các hoàn cảnh cạnh nhau giúp cho các nhân vật cùng tỏa sáng, nhân vật nào cũng đẹp, cũng nhẫn nhịn, sống đầy trách nhiệm và có lương tâm, nhưng mỗi người lại có bi kịch khác nhau. Những nhân vật trong truyện ngắn là đại diện tiêu biểu cho những con người vùng cao có tấm lòng nhân hậu, có sự thủy chung vô bờ và có tình yêu thương mãnh liệt, cháy bỏng,…Đây chính là giá trị nhân văn cao cả mà nhà văn đã gửi gắm vào tác phẩm thông qua việc xây dựng hình tượng các nhân vật.
Tương tự, còn một số cốt truyện kiểu truyện lồng truyện như Đi qua ngày
sang đêm, cùng với nhân vật xưng “tôi” còn có câu chuyện của Pháng và gia
đình nhân vật này. Hay truyện Cạnh bếp có cái muôi gỗ, ngoài câu chuyện theo
thời gian tuyến tính của nhân vật “tôi” thì còn câu chuyện của Mai nữa.