“Cốt truyện là yếu tố quan trọng bậc nhất không thể thiếu trong bất kì một hình thức tự sự nào” [43, 47]
Cốt truyện là một hệ thống các sự kiện, biến cố phản ánh những diễn biến của cuộc sống một cách nghệ thuật làm cho tính cách của nhân vật hình thành và phát triển. Đồng thời, cốt truyện là phương tiện để nhà văn tái hiện các xung đột xã hội nhằm làm sáng tỏ chủ đề - tư tưởng của tác phẩm, qua đó thể hiện phong cách tài năng nghệ thuật của nhà văn.
Cốt truyện luôn có hai tính chất cơ bản. Một là, các sự kiện thường nằm trong chuỗi của mối quan hệ nhân quả hoặc quan hệ bộc lộ ý nghĩa, có mở đầu và kết thúc. Hai là, cốt truyện luôn có tính liên tục về thời gian. Đặc biệt, các nhà lí luận hiện đại coi tuyến trật tự kể trước sau có thể theo dõi được trong trần thuật mới có giá trị nghệ thuật đích thực. Có như thế, cốt truyện trong trật tự của trần thuật , tức truyện kể mới thể hiện được tài năng và trình độ của người sáng tạo. Cho nên, các tác phẩm tự sự hiện đại đã phá vỡ tuyến tính và tính thống nhất về thời gian của cốt truyện truyền thống , phá vỡ tính thống nhất về nhân quả và tính liên tục của thời gian. Vì vậy, cốt truyện không nhất thiết lúc nào cũng cần phải đầy đủ 5 thành phần và cũng không cần phải trình bày theo một thứ tự sau trước máy móc. Sự trình bày linh hoạt trong mỗi tác phẩm , nó là dụng ý nghệ thuật của mỗi nhà văn thông qua kết cấu cốt truyện và kết cấu tác phẩm. Vì vậy, để tạo được cốt truyện vừa độc đáo vừa cô đúc là điều kiện căn bản cho truyện ngắn của tác giả đó thành công. Văn học Việt Nam thời gian những năm 80 trở lại đây phát triển một cách rầm rộ, kéo theo nó là sự cách tân không ngừng của truyện ngắn, trong đó có sự cách tân phong phú của cốt truyện. Tiêu biểu như song hành cùng với cốt truyện kịch tính thì càng về sau lại xuất hiện nhiều cốt truyện trữ tình.