Không chỉ sử dụng thủ pháp đối thoại để khắc họa tâm lý nhân vật, Đỗ Bích Thúy còn thể hiện nội tâm nhân vật thông qua những lời độc thoại.
Trong dạng kể ở ngôi thứ nhất, ngôn ngữ là độc thoại nội tâm đóng vai trò quan trọng trong cách thức diễn đạt giúp độc giả khám phá mạch ngầm của văn bản. Độc thoại nội tâm góp phần cơi nới khuôn khổ truyện ngắn, đi sâu vào bản thể người với những hồi cố tự bạch, dòng ý thức, giúp con người bộc lộ chính mình ở khía cạnh con người vô thức, con người tâm linh. Sử dụng ngôn ngữ độc thoại nội tâm là cách Đỗ Bích Thúy thể hiện sự cảm nhận tinh tế, sâu sắc của mình về những nỗi đau, bất hạnh trong tình yêu, cuộc sống. Nếu như kể chuyện ở ngôi thứ nhất, người kể chuyện hiện diện trong tác phẩm với tư cách là một nhân vật thì dạng kể chuyện ngôi thứ ba, người kể chuyện vắng mặt trong câu chuyện. Người kể chuyện – tác giả ở vị trí ngoài để chứng kiến và biết mọi thứ về thế giới và nhân vật của câu chuyện. Nhân vật May trong Tiếng đàn môi sau bờ rào đá được miêu tả rất nhiều qua những đoạn độc thoại nội tâm, khi là lúc thấp thỏm
chờ trời sáng để đi chợ, lúc thì băn khoăn khi thấy mẹ già vận quần áo mới: “Mẹ
già định mặc váy áo đẹp thế đi đâu? Hết mùa cưới rồi, họ hàng chắc cũng không còn ai cưới vợ cưới chồng cho con nữa. Mẹ già đi đâu? Hay là mẹ già định đi hội chợ 27 tới đây? Nếu thế thì…thì sao hở May? Có phải vì bố bỏ sang nương không? Hay bố biết mẹ già định đi hội chợ tháng 3 nay mà bố đi?”
Lời độc thoại trong truyện ngắn của chị đôi khi là suy nghĩ vẩn vơ, có lúc
hết sức ngây ngô, mộc mạc của người miền núi: Bà tự hỏi “Nếu cái người đàn bà
mà cứ đẻ một đứa con lại đổi được một con bò thì chắc đàn bà của bà ta phải đông lắm. Bà lại nghĩ đến con gà mái nhà mình, nghỉ được vài hôm lại cục tác váng cả đàu, có thêm một quả trứng. Hóa ra trên đời lại có người chả làm gì, chỉ đẻ và lấy bò về, lạ thế chứ” [51;155](Tráng A Khành).
Độc thoại nội tâm của nhân vật cũng bộc lộ những suy nghĩ đang giằng xé, những bực dọc của nhân vật mà không thể nói với ai, độc thoại nội tâm không
chỉ nói chuyện với mình mà còn nói chuyện với đối tượng khác nhưng chỉ mình
mình nghe thấy: “Tức chết mất thôi. Nhẻo ơi. Đàn bà mà như cái lá rụng xuống
dòng nước, nước muốn cuốn đi đâu cũng được thì hỏng mất rồi, hỏng thật rồi. Xưa Nhẻo chờ Dỉ ba năm mà giờ một ngày cũng không chờ nổi. Chỉ tại thằng trai học lắm biết nhiều, giỏi rót mật vào lỗ tai con gái kia thôi. Chẳng lẽ Dỉ phải đứng yên một chỗ mà nhìn Nhẻo tuột khỏi tay mình lần nữa? Làm sao Dỉ đứng yên được.”[51; 92] (Như một con chim nhỏ).
Độc thoại nội tâm góp phần làm nổi bật tính cách nhân vật trong tác phẩm, đồng thời cũng lí giải cho hành động của các nhân vật trong tác phẩm của Đỗ Bích Thúy. Bằng việc sử dụng độc thoại nội tâm, Đỗ Bích Thúy đã đi sâu khám phá mọi ngõ ngách trong thế giới nội tâm của các nhân vật để thực sự thấu hiểu và cảm thông.