6. Cấu trúc của luận văn
3.2.2 Mờ hóa nhân vật
Trong tiểu thuyết truyền thống, tên tuổi, diện mạo, nghề nghiệp nhân vật chính thường hiện lên rõ nét ở các góc độ khác nhau, tạo được ấn tượng khó quên trong lòng người đọc và khu biệt nhân vật này với nhân vật khác.
Tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương lại khác, nhân vật thường ít được miêu tả với hình thức hoàn chỉnh, đẹp đẽ trừ một số ít nhân vật nữ nhưng đó cũng không phải là điểm nhấn tác giả muốn tạo ra, có những nhân vật không có tên mà chỉ là những cách gọi, cách kí hiệu “thằng trí thức”, “hai mươi bảy vết thương”…, nghề nghiệp cũng không cụ thể rõ ràng…Tác giả không tập trung mô tả và tường thuật lại đời sống xã hội của một con người, nghĩa là không quan tâm nhiều đến việc tồn tại trong xã hội, quan hệ xã hội với những nhân vật khác, xung đột mâu thuẫn và giải quyết như thế nào. Điều mà tác giả quan tâm và phản ánh chính là thế giới tâm lý – tâm linh của nhân vật…
Tiểu thuyết Người đi vắng được tác giả xây dựng với khá nhiều nhân vật có sự thiếu vắng về tinh thần, trạng thái cảm xúc…Thắng là một nhân vật như thế! Mặc dù
có miêu tả công việc của Thắng ở cơ quan nhưng đều mờ nhạt, lỏng lẻo, ngoài việc anh ta là một trưởng ban thì không thấy có sự miêu tả Thắng làm công việc cụ thể gì, những người cùng cơ quan Thắng như bà Hường, ông Hùng, Chung, Hà cũng không được nhà văn miêu tả về hình thức hay những xung đột về lợi ích về công việc mà để nhân vật cứ “tự” bộc lộ, Hà mang nỗi ám ảnh người nhà quê, Chung ám ảnh bị thiến…có những lúc tưởng như người này làm ảnh hưởng đến người kia thì cũng không thành xung đột và không cần hiểu rõ sự việc. Đó là khi lá thư của Chung phát ra tiếng nói, hàng đêm tủ đựng thư của Chung phát sáng, thì những người chứng kiến sự việc cũng không yêu cầu Chung giải thích. Dường như mỗi nhân vật tồn tại những mảng tâm trạng riêng, không liên quan nhiều đến nhau…Những nhân vật trong tác phẩm như Sơn, Yến, Cương, Kỷ cũng vậy. Sơn luôn ám ảnh bởi cái dàn compac để rồi tự hủy diệt mình bằng cái chết để giải thoát khỏi ám ảnh. Cương thì trở thành người thần kinh không bình thường, tâm sự với bầy ngựa về nỗi ám ảnh tại nạn của Hoàn. Yến thì luôn ám ảnh không thể thoát khỏi mùi cồn… Đặc biệt là nhân vật Hoàn, xuất hiện từ đầu tác phẩm nhưng chỉ thực sự sống ở 67 trang đầu. Hoàn bị tai nạn và “chết dần” trong tác phẩm, cô đứng giữa sự sống và cái chết. Ở những trang đầu, cô là một cô gái xinh đẹp luôn khát khao yêu đương mãnh liệt nhưng khi bị tại nạn, cô bước vào cuộc sống thực vật, mở đôi mắt nhìn mọi người nhưng như người không tồn tại…Các nhân vật trong tiểu thuyết dần dần xa xôi, mờ nhạt dần, mất dần sau từng trang tiểu thuyết.
Bên cạnh đó tác giả còn sử dụng cách làm mất dần đi tên của nhân vật, trong tiểu thuyết Trí nhớ suy tàn dù nhân vật chính hay phụ cũng không có tên, là người đàn ông trên phố Bà Triệu, thằng trí thức, chủ hiệu cầm đồ, con bướm, hai mươi bảy vết thương… Ngay cả nhân vật chính cũng trở thành người không tên, được tác giả
gọi là Em và còn rất nhiều thông tin tối thiểu cũng bị triệt tiêu, chỉ biết nhân vật Em là một cô gái 26 tuổi, người Hà Nội thích hoa điệp vàng, có đi làm ở một cơ quan nào đó, từng yêu Tuấn và giờ đang có quan hệ thân thiết với Vũ. Tất cả câu chuyện giống như một dòng chảy của trí nhớ, không có tính cách nhân vật, không có biến cố
chi tiết sự kiện, chỉ là những kí ức mờ nhạt rời rạc vụn vặt đang dần suy tàn trong chính nhân vật Em…chính vì vậy nhân vật trở nên phi tính cách, tác phẩm không đi tới cùng cuộc đời của nhân vật, khiến nhân vật không thể đi trọn một hành trình.
Trong Thoạt kỳ thủy nhân vật đều có tên, đều được miêu tả cụ thể rõ ràng
nhưng cũng là những nhân vật bị “mờ hóa”. Nhân vật Tính sinh ra trong gia đình bố nghiện rượu nặng và bạo lực; sinh ra đã mang hình hài của thú nhiều hơn người, lưng dài, chân ngắn, dáng đi như vượn, ngồi như gấu…Từ khi sinh ra đã thể hiện bản năng rất mạnh như thích giết kiến, giết công cống, thích xem chọc tiết lợn, thích máu, chơi với người điên, bị ám ảnh bởi mắt chó và ánh trăng…Là con người, là đàn ông nhưng thiếu đi bản năng của đàn ông, không biết chữ…Không ngẫu nhiên mà tác giả xây dựng nhân vật mất đi tính dục mà đấy chính là biểu hiện loài, để duy trì sự sống. Con người đánh mất tính người chìm đắm trong bạo lực thì chẳng khác nào tự tách mình ra khỏi cộng đồng người để tự hủy diệt. Tính chỉ hòa nhập được với thế giới của người điên, không thể chia sẻ cùng ai nên những hành động của Tính mang tính dã thú không làm chủ được mình, đốt nhà, giết người, sống với cái thiện – cái đẹp nhưng cũng vô cảm. Để rồi ở phần cuối của tác phẩm, trước ánh sáng thánh thiện của Hiền, Tính sực tỉnh và tự hủy diệt sinh mạng của mình.
Tiêu biểu nhất là tiểu thuyết Ngồi, tác giả sử dụng thủ pháp nghệ thuật “mờ
hóa nhân vật” trong hàng loạt nhân vật. Mở đầu tác phẩm là sự xuất hiện méo mó, lạnh lẽo, chết chóc của nhân vật Khẩn: “Cúi xuống nhặt xác một con chim đã chết
cứng lên ngắm nghía. Đó là con chèo bẻo màu ghi xám, ức trắng, mỏ đen bóng, các móng co thắt lại, đầu rụt sâu vào trong thân, hai cánh ép sát lườn nhưng đôi mắt vẫn mở trừng trừng…nhìn thấy hình bóng già nua của mình thấp thoáng trong đôi mắt chết ấy…” [65; 9]. Kết thúc tác phẩm là sự chiêm nghiệm của Khẩn giữa vòng xoáy
cuộc đời, xuất hiện với dáng ngồi Thiền nhưng kết thúc tác phẩm lại là kẻ ngồi xổm vệ đường, cạnh cột đèn tín hiệu và soi mình xuống một vũng nước bẩn, ngồi tưởng cho đỡ mệt nhưng lại rơi vào trạng thái không đi được, không đứng lên đường. Nhân vật Kim trong tác phẩm được nhắc đến như kỉ niệm trong kí ức của Khẩn nhưng cho
tới cuối tác phẩm người đọc vẫn không chắc chắn được Kim đang tồn tại, là quá khứ hay là ảo ảnh của Khẩn. Sự tồn tại của Kim, Kim và Khẩn yêu nhau như thế nào, tại sao lại rời xa nhau? Đó luôn là điều bí ẩn đối với độc giả. Dù vậy Kim vẫn luôn xuất hiện xuyên suốt tác phẩm như một điều không thể thiếu của tác phẩm. Với Quân lại khác, Quân là nhân vật có thực nhưng bị triệt tiêu khi chưa kịp xuất hiện, chỉ biết rằng Quân đã ôm trọn 500 triệu đồng của cơ quan biến mất mà không ai biết. Cơ quan, người thân ráo riết đi tìm nhưng đều vô vọng. Không biết Quân đi đâu, ở đâu và làm gì? Còn sống hay đã chết? Nhưng “hồn vía” Quân vẫn lẩn khuẩn mọi nơi, lúc là con bướm, lúc là tiếng bước chân lội nước bì bõm…Các cuộc tìm kiếm Quân tưởng như đến nơi nhưng rồi cũng giống như Kim người đọc không biết được gì hơn về Quân nhưng Quân cứ lẩn khuất từ đầu đến cuối tác phẩm nhưng càng về cuối tác phẩm càng mờ nhạt dần. Trong tiểu thuyết T mất tích của Thuận, tác giả cũng sử
dụng thủ pháp nghệ thuật “mờ hóa nhân vật”, T là nhân vật chính nhưng không hiện diện mà chỉ thấp thoáng đâu đó, thậm chí không có tên mà chỉ là chữ cái kí hiệu. Người đọc phải lần tìm để biết thông tin về T trong suốt 17 chương truyện, thực ra T vẫn có một cái tên đầy đủ: “ghi trong hộ chiếu gốc thì gồm những hai dấu, cái trên
cái dưới…chúng dành cho chữ U hay chữ A hay mỗi chữ mỗi dấu” [75; 57]. Nhân
vật chính vô danh ngay cả đối với người thân, chồng của T không nhớ nổi tên vợ. T hầu như không tồn tại trong bất cứ mối quan hệ nào ngoài chồng và con, mà đó cũng là mối quan hệ lỏng lẻo. Không có bạn, không giao thiệp “không có cả gia đình lẫn
bạn thân ở Pháp. Người duy nhất mà T đôi khi gặp gỡ là chị Xuân, cùng theo học lớp tiếng Pháp ở một tổ chức Thiên Chúa giáo khi cả hai mới đặt chân lên đất Pháp” [75;
13]. Tính cách của T được chồng điểm lại : “T không khó tính” [75; 63], “T không
lãng mạn” [75; 80], “Tính kín đáo quá mức” [75; 189]…T tồn tại nhưng vẫn vắng
bóng, tưởng có ngoại hình, nguồn gốc, tính cách nhưng những thông tin ấy vẫn chỉ là những ẩn số.
Tác phẩm của Hồ Anh Thái cũng thường gây ấn tượng bởi những cái tên không ra tên. Có hàng trăm nhân vật không tên, không tuổi, không nguồn cội. Tác
giả làm “giấy khai sinh” cho họ bằng nhiều hình thức: Gắn với nghề nghiệp, địa vị, chức tước: ông giám đốc, bà viện phó, gã chuyên viên, ông viện trưởng, ông Việt kiều, hoạ sĩ, chị nhà văn… Vật chất hóa tên gọi con người: “Người yêu được trả chín
triệu. Hai cô bạn, một cô ba triệu, một cô hai triệu. Cả ba cô sẽ trở thành những diễn viên nổi tiếng. Ta chẳng nên gọi tên thật của họ làm gì. Cứ đơn giản gọi họ là: Chín Triệu, Ba Triệu, Hai Triệu, mặc dù dùng tiền nong để đặt tên nhân vật đâu có gì hay”. Nhân vật đôi lúc chỉ được xác định bằng hành động, dáng dấp, thói quen, dung
mạo: Cá Sấu 1, Cá Sấu 2… Các nhân vật được số hóa, kí hiệu hóa nhân vật cũng
thường xuyên xuất hiện: ông Số Một, bà Số Hai, cô Số Ba, cô Nhất, cô Nhị, cô Tam,
cô Tứ (Bến Ôsin), ông A, bà B (Lọt sàng xuống nia), Trạng 1, Trạng 2 … (Tin thật lòng)… Bằng cách xóa bỏ- mờ hóa nhân vật, các nhân vật trong các tác phẩm bị xoá
nhoè lai lịch. Họ xuất hiện đột ngột, không xuất xứ, như vô tình ném ra giữa cuộc đời. Cách định danh như vậy làm cho con người có nguy cơ bị thủ tiêu bản sắc cá nhân, đánh mất quan hệ với đồng loại – nhân tố cốt lõi làm nên chân giá trị của mỗi cá thể như quan niệm về thế giới và con người của văn chương truyền thống. Với thủ pháp này, người viết buộc người đọc tiếp xúc với hình tượng bằng điểm nhìn từ phía bên ngoài. Nhân vật dường như chỉ là cái bóng của hiện thực, là những khuôn mặt tượng trưng cho một loại người trong xã hội: vô lương tâm, vô tình, lố bịch, hợm hĩnh… Ở họ luôn tiềm tàng nỗi cô đơn, lạc loài, tâm trạng hoài nghi trước cuộc sống, mất khả năng giao tiếp, khó hoà hợp với thế giới xung quanh.
Như vậy với bút pháp nghệ thuật mờ hóa nhân vật, Nguyễn Bình Phương đã thành công trong hành trình đổi mới tiểu thuyết, nhân vật được xây dựng dưới cái nhìn hậu hiện đại cho người đọc thấy rõ hơn hình ảnh con người đa chiều, đa dạng. Với việc xen cài các thủ pháp nghệ thuật đặc sắc trong xây dựng nhân vật, nhà văn đã tạo nên nét độc đáo cho từng nhân vật và góp phần đổi mới trong cách xây dựng nhân vật của tiểu thuyết đương đại.