Kết cấu tiểu thuyết hiện thực – huyền thoại

Một phần của tài liệu Đặc điểm tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương trong tiến trình đổi mới tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Trang 74)

6. Cấu trúc của luận văn

3.1.1 Kết cấu tiểu thuyết hiện thực – huyền thoại

Kiểu kết cấu hiện thực - huyền thoại là kiểu kết cấu xét theo tiêu chí nội dung, kiểu kết cấu này hay xuất hiện trong tất cả các sáng tác của Nguyễn Bình Phương. Trong mỗi tiểu thuyết luôn luôn tồn tại yếu tố huyền thoại song song với yếu tố hiện thực. Có thể nói đây là một trong những kiểu kết cấu đặc thù làm nên nội dung độc đáo cho các sáng tác của nhà văn.

Yếu tố huyền thoại trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương thường ẩn chứa trong nó sự kỳ bí. Bắt đầu từ yếu tố kỳ ảo, nội dung các sáng tác phát triển, xoay quanh nó, tạo nên một thế giới hình tượng đầy hỗn loạn, kỳ quái, đầy tăm tối. Yếu tố huyền thoại như một bầu không khí bao trùm lên toàn bộ tác phẩm, tạo ra một hiện thực thứ hai trong tác phẩm vừa mộng mị vừa ma quái, vừa thực vừa hư. Hai thế giới này bổ sung cho nhau tạo nên một thế giới hiện thực đặc biệt trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương.

Trong tiểu thuyết Bả giời, con người đứng trước sự rộng lớn kì bí của thiên nhiên đã không thể giải thích được nên trở thành nỗi sợ, vì thế mà người ta thêu dệt những câu chuyện ma quái về thiên nhiên. Bên cạnh câu chuyện loạn luân của anh em Tượng là những câu chuyện rùng rợn về núi Rùng, về đôi rắn thần sống ở chùa Hang. Yếu tố hoang đường tạo cho người đọc liên tưởng về một thời mộng mị, mông muội của con người trước thiên nhiên hoang sơ.

Ngồi là một huyền thoại về tinh rồng ở Hồ Tây gắn liền với những toan tính,

lọc lừa của con người, huyền thoại gắn với sự phát đạt của con người. Giữa đời sống hiện đại người ta tin rằng chụp được tinh rồng sẽ phát tài phát lộc. Vào cõi lại khác,

tác phẩm lấy yếu tố huyền thoại như một sự giải thoát con người khỏi những định kiến cuả xã hội. Chết đối với con người là đến với chốn bình yên là sự giải thoát tốt nhất. Con người ở thế giới hiện thực đầy tàn độc còn thế giới bên kia lại là nơi trở che cho con người. Vào cõi hướng đến một thể nghiệm khác trong phương thức thể hiện hiện thực huyền ảo. Đầu tiên là việc làm xuất hiện một “cõi ảo”. Gồm những giấc mơ của Tuấn, những ám ảnh của nhân vật hắn, sự đáng thương khốn cùng của hai chị em Vang, Vọng. Sau là để “cõi ảo” chi phối “cõi thực” mà các nhân vật đang sinh sống. “Hắn” phát điên vì luôn sống trong ám ảnh kẻ ăn cắp vô tình hắn giết, sẽ quay trở lại trả thù hắn. Tuấn hướng về tình yêu thánh thiện đã mất thuở nào mà tìm quên trong vật vã phá phách đau đớn vì những hành động mình đã làm. Vang buông xuôi tất cả, tự tìm đến cái chết như một sự giải thoát. Vọng đã từng dám đương đầu với quá khứ đau thương nhưng cuối cùng không thể thoát được sự ám ảnh ấy.

Những đứa trẻ chết già là sáng tác tiêu biểu đã khai thác triệt để kiểu kết cấu

này. Để phản ánh một hiện thực ngu muội của con người dẫn đến những hậu quả khôn lường, tác giả xây dựng một câu chuyện truy tìm kho báu. Xoay quanh sự kiện truy tìm kho báu là những điều kì quái về con Nghê, về cây đa, về những cái chết…Phải đến cuối truyện, mới biết chẳng có kho báu nào cả, đó chỉ là cái cớ để nhà văn phơi bày ra sự ngu muội, dốt nát của đám đông ô hợp, tham lam. Việc đưa vào tác phẩm những đoạn Vô thanh đã thể hiện một cách tiếp cận trực diện vào

huyền ảo. Trong phần Vô thanh, tác giả xây dựng hình ảnh chiếc xe trâu đồng nhất với hành trình đi tìm kho báu của những người đang sống. Họ là những người ở một kiếp trước nào đó đã thất bại và ở thế giới bên kia thức nhận ra sự phi lý của những dục vọng u tối nhưng vẫn phải tiếp tục cuộc hành trình tìm khó báu biết trước chẳng có kết quả.

Người đi vắng tiếp tục khẳng định vai trò của các huyền thoại trong sự định

hình và phát triển nhân cách con người. Người đi vắng khác với các tiểu thuyết khác, nó mở ra một cách tiếp cận tiểu thuyết huyền – sử trong tác phẩm. Lần đầu tiên tiếp cận với đề tài lịch sử, Nguyễn Bình Phương đã tạo được một hướng đi riêng của

mình. Tác phẩm được triển khai song song giữa cuộc binh biến của Đội Cấn ở Thái Nguyên đầu thế kỷ XX với một bộ phận người thời hiện tại, liên kết với nhau bởi sợi dây lịch sử nhưng được nhà văn nhìn nhận dưới cảm thức đời thường chứ không phải sử thi như các tác phẩm viết về đề tài lịch sử.

Những nhân vật thời hiện tại hiện lên trong tác phẩm với vẻ hẫng hụt, Cụ Điển so bì với lão Bính khi nhớ về quá khứ. Ông Điều thì luôn sống trong trạng thái bồn chồn vì linh cảm về sự việc xấu sắp xảy ra. Kỷ băn khoăn về dự định xây nhà. Sơn sợ người khác phát hiện mình là kẻ nói dối về dàn nhạc compac đến mức giết người và hại mình. Sinh cố quên đi sự việc gia đình sắp tan vỡ. Thắng luôn ám ảnh về chiến trường và dằn vặt không hiểu được vợ, Hoàn sống giữa chồng và người tình, Cương băn khoăn tội lỗi về tại nạn của Hoàn. Yến nghiện mùi cồn. Chung ám ảnh bị thiến. Hà ám ảnh mình là người nhà quê. Trong câu chuyện của thời quá khứ, Đội Cấn, Lập Nham, Đội Trường, Cả Thấu, Ba Nho, Hai Vịnh…mang tâm trạng bất an khi quyết định khởi nghĩa, ở họ tồn tại cuộc chiến tranh nội tâm với những dằn vặt…Hai câu chuyện tưởng chừng không có gì liên quan đến nhau nhưng Nguyễn Bình Phương đã khéo léo lồng hai mạch chuyện ấy vào trong không khí u mê của huyền thoại. Toàn bộ các nhân vật từ quá khứ tới hiện tại đều được bao bọc bởi một bầu không khí u mê rợn ngợp, quá khứ - hiện tại, cõi thực – cõi mơ, sống – chết đều thể hiện sự trống vắng của con người, không còn khoảng cách giữa những nhân vật của thời quá khứ và hiện tại.

Nguyễn Bình Phương đã tạo ra một kiểu kết cấu đan xen giữa hai mảng hiện thực và huyền thoại. Hiện thực là đời sống hiện tại của con người, huyền thoại có thể là một giấc mơ hay cõi ảo cũng có thể là qúa khứ. Ở đây vô thức của nhân vật được nhà văn sử dụng như một phương tiện để phản ánh yếu tố huyền thoại trong thế giới tiểu thuyết của mình. Với kiểu kết cấu này, con người và xã hội trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương được phản ánh đầy đủ mọi phương diện, từ vô thức đến tiềm thức. Tất cả cứ hiện lên vừa thực vừa ảo làm cho tác phẩm khó nắm bắt nhưng lại hấp dẫn cuốn hút độc giả.

Một phần của tài liệu Đặc điểm tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương trong tiến trình đổi mới tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Trang 74)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)