Kết cấu tiểu thuyết trong tiểu thuyết

Một phần của tài liệu Đặc điểm tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương trong tiến trình đổi mới tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Trang 77)

6. Cấu trúc của luận văn

3.1.2Kết cấu tiểu thuyết trong tiểu thuyết

Xét trên bình diện hình thức, tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương có kiểu kết

cấu tiểu thuyết trong tiểu thuyết. Đây là lối kết cấu được nhà văn thiết kế theo kiểu truyện xen trong tiểu thuyết, nó không dừng lại ở mức độ một truyện xen mà kéo dài thành từng chương đoạn tương ứng với từng chương đoạn của tiểu thuyết. Truyện xen trong tiểu thuyết của tác giả là một tiểu thuyết độc lập, tương đồng hoặc đối lập với nội dung tiểu thuyết chính. Hai tiểu thuyết cùng song song tồn tại hợp thành một tiểu thuyết chứa đựng toàn bộ nội dung của hai tiểu thuyết độc lập.

Đây là một kiểu kết cấu phổ biến trong tiểu thuyết đương đại, ở những tác phẩm tiêu biểu như Cơ hội của chúa – Nguyễn Việt Hà, Nỗi buồn chiến tranh – Bảo Ninh, Phố Tàu, Chinatown – Thuận bản thảo của nhân vật được lồng vào trong tác phẩm. Trong Đi tìm nhân vật của Tạ Duy Anh, không có một bản thảo truyện trọn vẹn nào được trích dẫn. Tuy nhiên, trên hành trình đi tìm nhân vật của nhà văn Bân, người đọc bắt gặp khá nhiều những mẫu bản thảo, những ghi chép dang dở của nhà văn hòa vào mạch truyện. Chu Quí – nhân vật chính của tác phẩm bắt gặp lại chính mình trong bản thảo tiểu thuyết của nhà văn Bân. Tác phẩm khiến cho người đọc hoang mang bởi câu hỏi: bản thảo mà nhân vật Bân đang viết có phải là tiểu thuyết mà họ đang đọc? Liệu có phải đang có sự hoán đổi vị trí giữa nhà-văn-Tạ-Duy-Anh và nhà-văn-Bân trong tiểu thuyết này? Đâu là ảo và đâu là thực giữa hai vị trí, hai thế giới ấy? Như vậy có một “đi tìm nhân vật khác” lồng vào Đi tìm nhân vật của Tạ

Duy Anh. Cuộc truy tìm nhân vật càng trở nên phức tạp, không đầu cuối, không rõ đâu là thực đâu là ảo, càng tìm càng lạc vào mê cung. Cách kết cấu tác phẩm tiểu thuyết trong tiểu thuyết, mang lại cho tiểu thuyết sự đa dạng, phong phú và hấp dẫn… Trong những tiểu thuyết của mình, Nguyễn Bình Phương sử dụng lối kết cấu này vào khá nhiều tác phẩm và có những cách thể hiện tương đối độc đáo, đặc sắc so với các nhà văn đương đại khác.

Vào cõi là một thể nghiệm đan lồng tiểu thuyết, gồm hai câu chuyện song hành

cuộc sống mòn mỏi, thất vọng về cõi thực và câu chuyện của hai chị em Vang, Vọng gắn với nỗi ám ảnh của nhân vật Hắn, kẻ vô tình giết chết bố của hai chị em họ. Mỗi câu chuyện, thế giới nghệ thuật luôn tồn tại cõi thực và ảo, các nhân vật luôn ra vao giữa hai cõi. Với câu chuyện của Tuấn hai cõi gắn với nhau bởi lời thơ: “Mai hôn nhau rồi xa” mỗi khi lời thơ vang lên là Tuấn lại giật mình trở về với cõi thực. Với

hai chị em Vang, Vọng là cõi quê và cõi phố, nhân vật dì là nguyên nhân tạo nên cõi thực và cõi chết về cái chết của Vang và những ám ảnh đau thương về cái chết của mẹ. Hai câu chuyện được gắn kết bởi Tuấn và Hắn vì Tuấn đã phụ bạc em gái của hắn.

Trong Bả giời gồm một truyện trong cõi thực và một truyện trong cõi ảo, cõi thực là sự loạn luân của anh em Tượng và truyện ảo của thế hệ đi trước là cha Tượng với mẹ của Thủy. Câu chuyện được khắc họa qua trí nhớ của một linh hồn, của một người con chứng kiến từ đầu đến cuối câu chuyện của cha mẹ mình, chính truyện ảo lý giải cho sự việc hai anh em Tượng và Thủy không biết gì về nhau dẫn đến chuyện loạn luân. Cả hai câu chuyện là cái bẫy do ông trời sắp đặt để họ bước vào cõi khổ đau.

Những đứa trẻ chết già tiếp nối trong cách triển khai cấu trúc, với hai truyện

thực và ảo. Cõi thực là truyện về sự mông muội tối tăm của những người dân làng Phan trong niềm tin vào câu chuyện truy tìm kho báu, truyện ảo là một chiếc xe trâu với những hồn ma trở về làng. Trên chiếc xe trâu, ông già kể về chuyện của bản thân từ khi còn nhỏ đến lúc lớn lên, ra trận, già đi và chết. Câu chuyện như lý giải tất cả những sự việc đang diễn ra trong hiện thực, truyện ảo và thực là sự nối tiếp nhau, cõi ảo như là thế hệ đi trước của những con người trong hiện tại. Ông già biết được tất cả những chuyện kỳ quái ở làng Phan, ông thấy mình đã trải qua bao nhiêu thăng trầm nhưng vẫn tin vào những truyện hoang đường, thấy mình vẫn ngây thơ, khờ dại cho tới lúc chết. Cũng giống với hiện thực, con người mù quáng, mộng mị, ngây ngô tin vào điều hoang đường, con người lớn lên, già đi nhưng trí tuệ vẫn mãi chỉ là trẻ thơ.

Nếu giản lược đi có thể thấy câu truyện thực và ảo trùng khít, bổ sung cho nhau, góp phần lý giải chủ đề tiểu thuyết.

Tiểu thuyết Người đi vắng là sự hợp thành của những tiểu thuyết nhỏ, đó là câu chuyện về những con người của hiện đại, câu chuyện về gia đình, cơ quan, công việc là Hoàn, Thắng, Cương, Kỷ, Sơn, Cụ Điển, ông Điều… tiểu thuyết này cho thấy con người trong sự đấu tranh với bản thân mình, với bản năng dục vọng. Đó là câu chuyện của những linh hồn trong bãi tha ma luôn nói về cuộc sống mà họ đã trải qua với những sai lầm dẫn đến cái chết của họ. Đó là câu chuyện của quá khứ với những anh hùng chiến đấu anh dũng để giành lại hòa bình dân tộc, về sự tranh đoạt quyền lực để rồi rơi vào con đường chết. Ở những tiểu thuyết này đều nói về con người trong sự đấu tranh với chính bản thân để rồi gục ngã, chỉ còn cái dục vọng, bản năng, quỷ quái trong chính con người.

Qua kiểu kết cấu tiểu thuyết trong tiểu thuyết, người đọc hiểu rõ hơn chủ đề của sáng tác, kiểu kết cấu này góp phần bổ sung làm rõ chi tiết, hình tượng của tác phẩm, tạo ra một hình thức mới mẻ, lôi cuốn, hấp dẫn độc giả và khiến tiểu thuyết trở nên năng động, đa dạng hơn.

Một phần của tài liệu Đặc điểm tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương trong tiến trình đổi mới tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Trang 77)