Sự đan xen kiểu nhân vật ảo và thực

Một phần của tài liệu Đặc điểm tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương trong tiến trình đổi mới tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Trang 83)

6. Cấu trúc của luận văn

3.2.1 Sự đan xen kiểu nhân vật ảo và thực

Trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương xuất hiện nhiều nhân vật vừa thực vừa ảo, đó có thể là một công chức hành chính, một diễn viên, một người bình thường trong xã hội…nhưng có một đời sống bí ẩn, kỳ dị.

Tính trong Thoạt kỳ thủy là nhân vật sống trong sự điên dại, hoảng loạn, không giống như người bình thường mà mang dáng dấp của một thời cổ đại nguyên thủy xa xưa. Tính không biết yêu, không có khả năng tình dục, ý thức của Tính như những nét vẽ nghệch ngoạc, xô lệch. Còn tiềm thức bị ẩn đi làm nổi hẳn lên mảng vô thức với những màu sắc rực rỡ, dữ dội của máu, lửa cùng với ánh sáng lạnh lẽo của trăng,

ngay cả trong lời nói và suy nghĩ của Tính cũng bộ lộ những nét man dợ, hoang dại :

“Mắt chó vàng như trăng” “Ông Điện cầm dao xọc vào cổ lợn, thế là lửa vụt lên. Như cái lưỡi liếm mặt…”, “mỗi hòn đá bị vỡ là máu túa ra. Da thịt của đá mỏng manh lắm”, “trăng xanh đen rỗ chi chit”, “Hai người ngồi dưới gốc cây cổ thụ nói về máu… Hiền đỏ như máu. Đỏ như đĩa xôi gốc. Máu rỉ ra từ ngực. Sông hút máu như chậu hút máu lợn, bát hút máu gà” [64; 69]. “Mẹ mơ thấy máu, mẹ mơ thấy máu. Chúng nó đi nhè nhẹ… Đường cứ bò ngoằn ngoèo. Con cú cõng con rắn khoang. Mắt chó vàng như trăng. Cũng đỡ lạnh một tí. Máu bị ốm. Chạy chậm quá thể” [64;

104]. Những vết tích trong đời sống, những kí ức, ấn tượng mà Tính đã trải qua như đi chọc tiết lợn, đốt nhà, màu vàng của trăng, hình ảnh ông bố gặm chén đã biến thành khao khát giết chóc, đốt phá… Những hình ảnh đó không mang diện mạo ban đầu mà đã bị biến dạng, xáo trộn, chồng chéo lên nhau trong trạng thái mộng mị của Tính. Sống giữa đời thực nhung Tính luôn trong trạng thái vô thức nửa tỉnh nửa mê:

“Thế rồi động đất, mắt chó vàng như trăng, bom nổ lách tách lách tách từ mồm bố ghé vào miệng chén. Ông Tường chết văng ông Thụy chạy bở hơi tai, mẹ thì ngủ. Máu lênh láng thành nắng. Cây chết run, chết run, chết run”. [64; 90]. Nhân vật hiện

lên vừa thực vừa hư ảo, cõi hư ảo của nhân vật được tạo dựng từ hình ảnh đã thành tiềm thức, nó đưa người đọc đi sâu vào cõi vô thức vào những miền bí ẩn của nhân vật để khám phá những bí ẩn mới mẻ.

Ở Người đi vắng, nhân vật không sống trong sự tự ý thức, nhận thức về cuộc sống mà là những hoài niệm về tuổi thơ, tiếc nuối những gì đã xảy ra. Nhân vật luôn chôn chặt những cảm xúc, suy tư của mình…Cuộc sống hiện thực hiện lên ảm đảm, nhạt nhòa, trầm buồn, con người sống mờ nhạt hư vô. Tác phẩm xoay quanh tai nạn của Hoàn và những ảnh hưởng của nó đến đời sống của các nhân vật trong tiểu thuyết. Hoàn là nhân vật chính của tác phẩm nhưng đời sống thực của cô được xây dựng rất ngắn ngủi so với đời sống ảo. Nhân vật được tác giả tái hiện chủ yếu qua những giấc mơ sau khi cô bị tai nạn và rơi vào trạng thái thực vật. Hoàn sống phiêu liêu trong những giấc mơ, qua những giấc mơ cô trở về với thời ấu thơ với không

gian yên bình, hoang vắng, trong trẻo và u buồn. Hoàn gặp lại mình của tuổi thơ, gặp lại dòng sông, trở về với đám cưới của cô với Thắng: “Hoàn cấu tay Thắng nhưng

Thắng đang mải nói chuyện với ông chủ hôn. Không ai nhìn thấy gã đàn ông mặc dù gã đứng sừng sững giữa đám cưới. Tim Hoàn nhói lên, những bông hoa lay ơn run run trên mặt bàn…”[62; 381]. …những giấc mơ ấy đã đưa Hoàn đến một thực tế về

kết cục của mình, một cái chết lặng lẽ nhưng được giải thoát. Dường như cuộc sống thực không đem lại những điều cô mong ước nên cô tìm sự giải thoát trong cõi mộng ảo, cơ thể hoàn không thể cử động được nhưng tâm hồn cô lại được phiêu diêu trong cõi ảo, đó là một cõi trung gian giữ sự sống và cái chết. Cô như sống thực hơn với cõi ảo, được là chính mình, được sống thanh thản với thời thơ ngây, trong sáng hồn nhiên, bỏ lại sau lưng những bộn bề, bế tắc của cuộc sống.

Trong Ngồi, Nguyễn Bình Phương lại xây dựng nhân vật ảo và thực theo một cách khác đó như một cách tiếp cận độc đáo của nhà văn vào thế giới nhân vật. Khẩn trong Ngồi được tác giả xây dựng như một cách lý giải những bí ẩn của con người. Mỗi lần Khẩn làm việc trên máy tính, cái tên Khẩn cứ lần lượt hiện ra sau đó biến mất một cách lạ thường: “Khẩn vừa nhấn ngón tay thì chữ Khẩn chạy xô tới cái vạch

xóa, nó chạy nhanh tới mức Khẩn dừng tay thì chữ K đã bị xóa chỉ còn hẩn. Khẩn tiện tay nhấn nhịp nữa và còn lại chữ ẩn, Khẩn đọc phần chưa xóa thấy càng ngày chúng càng khó hiểu hơn, dị kỳ hơn và cuối cùng chỉ còn lại kí tự n…”[65; 115].

Khẩn luôn sống trong giấc mộng với mối tình đầu không biết là có thực hay không đối với cô gái tên Kim. Trong đầu Khẩn luôn ước muốn mình đi tu, anh khẳng định đã gặp một bà sư và bà ấy nói Khẩn có căn tu hành, trong giấc mơ đã có lần Khẩn và Kim gặp sư Liễn, nên có lần anh nằm mơ: “Mình mơ thấy mình đội nước đi lên, cao

to lực lượng với đôi mắt rực lửa, cái miệng mở rộng, mái tóc xõa xuống vai, sau mỗi bước đi của mình, nước bắn cao hàng chục mét” [65; 243].

Đặc biệt là Kim, một nhân vật thực - ảo trong tác phẩm, cô là người tình trong những giấc mơ của Khẩn. Những lần Kim xuất hiện trong những giấc mơ của Khẩn đều “ảo hóa”. Có khi Kim thanh thoát, thánh thiện như cái bóng mờ ảo, có khi “Kim

về” như một sự ma quái, yêu ma. Lần thứ nhất Kim hiện về trong khói sương bảng lảng Hồ Núi Cốc và hàng bạch đàn đầy ma quái: “Khẩn đang bước những bước dài

nhẹ trên dải đồi màu xanh ngọc của vùng Hồ Núi Cúc, thì Kim về. Chỉ chút nữa là Khẩn văng ra khỏi giấc mơ nếu không kịp bám vào một cành bạch đàn nhỏ trắng muốt xòe ngay bên cạnh” [65; 13]. Hai chữ Kim về cho thấy Kim chưa chắc còn tồn

tại trên dương thế, như vậy Kim có thật hay chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng. Kim là ma hay người mà lại có hành tung bí ẩn đến vậy và tại sao lại xuất hiện ở mọi nơi, bất cứ lúc nào trong đầu óc, tâm trí Khẩn…Chính vì vậy có lần Kim xuất hiện mang vẻ đẹp kỳ bí, lạ thường: “Kim khép các ngón tay lại, bông hoa lặng sâu vào trong

lòng tay Kim. Khi bông hoa trong lòng tay Kim đã biến mất hẳn thì ở cổ, bả vai, ngực Kim lại nở rộ biến thân thể Kim thành một cây hoa thông minh, kiêu kỳ trong ánh nắng rực rỡ” [65; 38]. Trong chương 17 của tiểu thuyết, khi Khẩn cùng gia đình

Nhung đi thăm mộ bà ngoại Nhung vừa mới mất, tình cờ Khẩn thấy: “Đến ngôi mộ

thứ hai mươi mốt thì Khẩn giật thót vì bức ảnh người con gái gắn trên mộ giống hệt như Kim. Khẩn ngồi xổm ngắm nhìn chiếc bia gắn hình cô gái, lòng dạ bần thần hoang mang. Kim đang nhìn Khẩn, nét mặt xa lạ nghiêm khắc, ánh mắt loàng nhoàng nửa thực nửa hư xoáy vào trí óc Khẩn và đột nhiên tiếng khóc cất lên, èo ẽo thê thảm làm không gian im ắng của nghĩa trang đầu chiều bị phá vỡ, bị đẩy đi xa hơn, vượt lên trên, sang bên kia thế giới. Khẩn không thể rời mắt khỏi ánh mắt đang nhìn lại mình, run rẩy hỏi tại sao Kim bây giờ lại khác Kim ngày xưa, khác cả với Kim thường đến với Khẩn trong các vùng tối. Khẩn mở to mắt chờ đợi sự xuất hiện của cành bạch đàn nhưng nó không hiện ra, chỉ có một dải âm thanh mờ mờ tỏ tỏ lên bổng xuống trầm quấn quýt quanh khuôn mặt xa lạ trên đá của Kim. Tay Khẩn rờ rẫm trên đá. Kim bằng phẳng, trơn nhẵn ở ngoài thời gian…”[65; 86]. Có thể Kim

đã từng là người yêu của Khẩn. Nhưng nếu như vậy có thể Kim đã mất từ lâu nhưng tại sao Khẩn lại không biết?. Vậy Kim là ai là bóng ma hay là người yêu lý tưởng trong những giấc mơ của Khẩn? Nhưng dù thế nào Kim vẫn là một vẻ đẹp thiêng liêng, thánh thiện cao quý mà Khẩn suốt đời mải mê đi tìm: “Đó cũng là ý nghĩa của

cuộc sống, ý nghĩa của tình yêu mà mỗi người chúng ta khao khát kiếm tìm và lưu giữ, nhưng nó cũng mỏng manh và hư ảo vô cùng” [22].

Dạng nhân vật vừa ảo vừa thực cũng xuất hiện khá đậm đặc trong những tác phẩm văn xuôi đương đại như hình ảnh người mẹ trong Cánh đồng bất tận của

Nguyễn Ngọc Tư, xuyên suốt Cánh đồng bất tận là mảnh ký ức sắc nhói nhất, chói mắt nhất về sự ra đi của người mẹ, để lại vết thương trong tâm hồn ở những con người ở lại và trong toàn bộ câu chuyện từ quá khứ, hiện tại đến tương lai chỉ là những vết xước của cảm giác, là mộng mơ và ảo ảnh chất chồng, là khoảng trống không gì có thể bù lấp...T trong T mất tích của Thuận cũng luôn thấp thoáng mơ hồ. Đặc biệt là Thụy trong Chinatown của nhà văn Thuận được nhắc nhiều lần trong

từng giấc mơ của các nhân vật. Trong Chinatown, nhân vật Thụy đã bước ra khỏi

cuộc đời nhân vật chính “tôi” từ trong quá khứ, song cái tên Thụy lại in dấu vào từng trang tiểu thuyết, thấm đẫm những giấc mơ của “tôi”. Cũng giống như Kim trong

Ngồi chưa bao giờ xuất hiện trực tiếp mà chỉ thấp thoáng trong những giấc mơ của Khẩn, Thụy chưa bao giờ hiện diện một cách trực tiếp và thực tại trên văn bản mà hầu như chỉ tồn tại ở quá khứ, ở dạng phủ định: “Thụy không có quê”; “Không bao

giờ Thụy viết thư cho tôi”, “Nước Nga buồn và lạnh (…) Tôi không có một tin tức nào của Thụy. Sau này tôi hay hỏi Thụy sao Thụy không viết thư. Thụy cười không nói”; “Những ngày ấy thằng Vĩnh mới một tháng. Nó biết lẫy. Biết bò. Biết đi. Không thấy Thụy đâu. Nó đau răng. Cai sữa. Lên sởi. Không thấy Thụy đâu. Nó bị kiến lửa đốt vào tai 39 độ một tuần liền. Không thấy Thụy đâu. Nó nuốt phải hột chôm chôm cấp cứu (…) Không thấy Thụy đâu. Nó bị thằng bạn cùng nhà trẻ cắn rách mũi (…) Không thấy Thụy đâu. Không thấy Thụy đâu”... Nhưng đồng thời, Thụy vẫn là nhân vật chính của tác phẩm : tên Thụy xuất hiện đến 671 lần, là nguyên nhân hạnh phúc và đau khổ của cuộc đời nhân vật chính, ám ảnh tất cả các khoảnh khắc hiện tại của cô : “Mười hai năm nay, các giấc mơ của tôi, buồn rầu một phút

Trong tiếu thuyết đương đại Việt Nam, sử dụng nghệ thuật xây dựng nhân vật vừa ảo vừa thực xuất hiện khá phổ biến và tạo ra nét độc đáo, bí ẩn cho câu chuyện. Mặc dù vậy nhân vật vẫn in bóng xuống từng trang tiểu thuyết chi phối các nhân vật khác. Việc sử dụng nghệ thuật xây dựng nhân vật vừa thực vừa ảo không phải mang tính ngẫu nhiên mà đầy dụng ý nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Bình Phương. Cũng như các nhà văn cùng thời khác, việc sử dụng nghệ thuật xây dựng này đã tạo cho thế giới nhân vật của anh những nét khác biệt so với những nhân vật trước đó. Với thủ pháp nghệ thuật xây dựng nhân vật vừa thực vừa ảo tạo cho ta cảm giác về con người trong thế giới tồn tại chỉ trong những khoảnh khắc mong manh, khác với quan niệm về con người trong văn học trước đây. Để xây dựng nhân vật thực - ảo, nhà văn đã sử dụng các yếu tố kỳ lạ, lạ hóa nhằm tạo nên sự biến ảo, hư thực của nhân vật, thông qua đó tác giả bày tỏ quan niệm nhân sinh mới trong cuộc sống nhiều đổi thay hiện nay.

Một phần của tài liệu Đặc điểm tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương trong tiến trình đổi mới tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Trang 83)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)