Hiện thực trong cõi âm giới địa phủ

Một phần của tài liệu Đặc điểm tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương trong tiến trình đổi mới tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Trang 53)

6. Cấu trúc của luận văn

2.1.3 Hiện thực trong cõi âm giới địa phủ

Cuộc sống không phải chỉ có một cõi dương mà còn tồn tại cõi âm. Ở đó cõi dương và cõi âm luôn luôn có sự liên hệ bền chặt nhiều khi khó tách biệt rõ ràng. Vì thế mà trong Người đi vắng, khi nhà cụ Điển đào móng xây nhà đã xuất hiện bao

nhiêu hình ảnh ghê rợn, ma quái: “Tiếng trầm trầm chạy quanh hố móng làm mặt đất

rung lên bắt vào da thịt Kỷ tê tê. Chớp nhoáng lên, khoảnh khắc đó đủ để Kỷ nhìn thấy dưới hố móng đúng chỗ tay thợ vừa bổ cuốc xuống, một cái bọc lùng nhùng trồi lên với lớp da đen nhẵn màu đất sét” [62;327]. Ở Người đi vắng, Nguyễn Bình

Phương khai triển và phát triển vùng hiện thực linh ảo âm dương của “những người đi vắng”, ở đấy có những con người đi xa, thoát kiếp nhưng lại có những con người vẫn sống nhưng trong trạng thái chết – tình trạng hôn mê.

Bên cạnh câu chuyện của những con người có thực, tồn tại trong thế giới thực thì Người đi vắng đưa vào một sự tồn tại khác nằm ngoài hiện thực. Đó là sự tồn tại của những linh hồn trên bãi tha ma, những linh hồn đó luôn kể về cuộc sống mà họ đã trải qua, người sống còn cảm nhận được sự tồn tại của những linh hồn này làm cho thế giới u ám, hoang vắng. Tác giả đi vào khám phá hiện thực của những bãi tha

ma với những âm thanh ghê rợn cùng với ánh sáng đom đóm ma quái, ánh lân tinh xanh lét. Đêm đêm có tiếng rì rầm chuyện trò của những hồn ma, kể về cuộc đời, số phận của mình với bao nỗi niềm oan trái, cùng những ám ảnh tàn khốc: “Tiếng thét

lại cất lên từ bãi tha ma thê lương, tuyệt vọng giữa cơn mưa thốc tháo”, “Những tiếng thều thào cất lên cùng tiếng gõ cành cạch vào cửa” [62]. Trong thế giới của âm

giới, xuất hiện nhiều lời người cõi âm với những giọng điệu khác nhau khi thì thầm ai oán, lúc dọa dẫm thách thúc, khi oan trái tức tưởi, lúc âu yếm nhẹ nhàng. Trong tiểu thuyết xuất hiện những lời kể lể của một thanh niên kêu than mình bị oan và không giết người, một hoa sĩ là đồng đội của Thắng luôn trở về gọi “Thắng ơi” đã chết vì bị Thắng bắn nhầm vào trán, anh ta mơ được vẽ một bức chân dung về 40 khuôn mặt. Hay Nam – một học sinh cấp ba, kể chuyện lớp học có cô giáo dạy môn sinh học với giờ thực hành mổ ếch, rồi Nam thuật lại tỉ mỉ cái chết của mình do tai nạn ô tô ở cổng trường khi tan học, về một người đàn bà bị chồng ruồng bỏ nói về một vụ giết người, thủ phạm không bị tuyên án, cuộc đời bất hạnh của người đàn bà bị chồng đánh đập, ruồng bỏ đi theo nhân tình để rồi ba năm sau trở về giết chị ta bằng búa bổ giữa đỉnh đầu và chồng cũng bị chết do xô xát với vợ… tất cả đều xuất hiện vào ban đêm, có khi trong giấc mơ có khi ở bãi tha ma Linh Nham. Đó là lời của những người của cõi âm nhưng đã tái hiện lại một hiện thực đau xót của cuộc đời, họ đã giúp ta hiểu thêm thật nhiều điều về cuộc sống. Các hồn ma đều phải chịu những số phận cay đắng, đau khổ trong đời sống thực để rồi khi chết đi trở thành những oan hồn không tìm được sự giải thoát… Cả một bức tranh về cõi sống hiện lên từ cõi chết với nỗi đau của người mẹ mất con, của người đàn bà bị phụ bạc bị chồng giết thê thảm…đã tái hiện lại những cái chết chưa tìm ra lời đáp. Trong hiện thực của cõi âm giới, mọi tội lỗi, điều xấu cái ác đều được phơi bày không che giấu, qua lời người cõi âm, tác giả đưa chúng ta đến với bao số phận, cảnh đời oan trái. Mượn lời người chết để khám phá cuộc sống của của con người đang sống chính vì vậy mà những yếu tố của đời sống được phản ánh một cách chân thực nhất.

Ở tiểu thuyết Những đứa trẻ chết già, một hiện thực khác lại được tái hiện ở

bãi tha ma với những ngôi mộ gắn liền với định mệnh về kho báu của một dòng họ. Hành trình tiểu thuyết được chia làm hai hiện thực song song tồn tại đó là hiện thực người sống và hiện thực người chết, cả hai cùng tồn tại trên vùng Linh Nham và núi Rùng, hiện thực ở đây có sự kì bí, hoang đường, đó là một hiện thực cõi dương đặt ở các chương trong tác phẩm: “Ngày 7 tháng 6, giờ Dậu, dân làng thấy trong đáy ao

nhà Trường hấp bốc lên cột khí trắng hình con rắn. Ngày 9 tháng đó, phía tây có đám mây màu đỏ xuất hiện, hình dáng không khác gì người đàn ông cụt đầu, tay cầm dao quắm” [61; 8].

Vẫn trên vùng đất Linh Nham ấy, có một hiện thực khác tồn tại: “Không khí

ảm đạm và lưu cữu. Hoàng hôn trung du bao giờ cũng rề rà mệt mỏi. Những quả đồi chầm chậm lùi lại, chầm chậm xuất hiện. Đôi chỗ, chè hoang mọc xanh đậm lên tận chop đồi. Hương chè, nhả ra, chát đặc” [61; 14]. Hiện thực cõi âm còn hiện lên qua

hình ảnh chiếc xe trâu lọc cọc nặng nề đi trong hoàng hôn rề rà mệt mỏi, không điểm xuất phát, không điểm dừng, đi mãi trong vô tận chở theo những điều bí ẩn, rùng rợn.

“Người âm dường như đang di chuyển, họ thấy những quả đồi chầm chậm lùi lại…như thế chết vẫn tiếp tục sống một đời sống không có âm thanh, hay âm thanh trong cõi trần, người trần không nghe thấy được” [61; 40]. Đó là hiện thực cõi âm

được đặt trong những phần Vô thanh, cõi âm luôn di chuyển với những quả đồi chầm chậm, lùi lại như một hiện thực là chết không phải là hết mà là sự tiếp tục sống một cuộc sống khác không có âm thanh hoặc đó là âm thanh của cõi âm mà người trần không nghe thấy được. Trong tiểu thuyết cõi trần (cõi dương) là hiện thực về gia đình Trường hấp, lão Liêm, lão Trình, Hải, Loan…Cõi âm có nhân vật Ông, được xem như tiền kiếp hoặc hậu kiếp của Hải, âm dương cùng giao thoa trên vùng đất Linh Nham với những hiện tượng kì bí, bí ẩn cả trong cõi âm và cõi dương: “cả làng mất

tiếng”, “cứ về đêm, mọi âm thanh của nguời và vật đều biến mất. Những con chó sủa không thành tiếng, chỉ thấy mõm chúng ló ra, ngậm vào như hình ảnh trong giấc mơ” [61; 59]. Đó là một hiện thực ghê rợn đến đáng sợ, hiện thực người mất tiếng,

chó cắn ma, một hiện thực ma ảo chập chờn chứa đầy những hiện tượng kỳ lạ kỳ bí. Trong Những đứa trẻ chết già, hiện thực âm giới hiện lên với những âm thanh lạ, với bóng ma…mang màu sắc của cõi âm ti, địa phủ kỳ quái. Nó hiện lên nơi gốc si vào những đêm trăng: “Vợ ông Bồi què đi ăn giỗ ở nhà họ hàng làng bên cạnh về, qua

chỗ cây si bà ta nghe thấy tiếng người, chính xác hơn là tiếng đàn ông kêu thầm thì ở đó” [61; 199]. Có một hiện thực lạ kỳ hơn đó là những người chết từ bao nhiêu năm

tự nhiên trôi về, những xác của dân làng chết ở nơi đâu tự tìm về : “Rồi mọi thứ cũng

trở nên thường tình đến mức thành lệ, hễ gia đình nhà ai có người chết ở nơi xa, cứ ra gốc si thế nào cũng thấy xác” [61; 202]. Những hồn ma, xác chết hiện hình về

khiến cuộc sống nơi đây trở nên u ám, hoang lạnh như cõi âm.

Với Thoạt kỳ thủy, ngoài hiện thực trong cõi vô thức và hiện thực cuộc sống

thường nhật, Nguyễn Bình Phương đã tạo nên một hiện thực khác của một cõi hỗn mang trên chính mảnh đất Thái Nguyên: “Quả núi vẹt một nửa, trông như cơ thể mất

thịt, lộ ra màu trắng pha chút đỏ của máu” [64; 12]. “Bên rặng bạch đàn rì rầm đen, những đám sương lóe sáng. Từng luồng trắng vươn đến, uốn cong, va chạm rồi ngả ra, sáp lại, quằn quại, rạp xuống, xắn bện thành một mớ hỗn độn, bùng nhùng” [64;

36]. Thiên nhiên nơi đây đầy ma quái và ám khí: “Ao Lang đen thẫm, lầm lì, bí ẩn

như khuôn mặt người câm” [64; 41]. “Khi về, trời đã khuya ông Phùng thấy bên kia sông dân xóm Soi đi thành vòng tròn trắng đục ma quái” [64; 25]., “Bè vó ông Bồi lập lòe sáng. Sương loãng ra. Bên kia sông, bóng người gánh nước chập chờn” [64;

65].

Dựng nên hiện thực trong cõi âm giới, địa phủ hoang vu, kỳ bí tác giả có điều kiện thể hiện những quan niệm nghệ thuật về hiện thực và con người một cách toàn diện nhất. Đặt ngòi bút lách sâu vào cõi âm đã mở rộng giới hạn phản ánh hiện thực theo quan niệm của nhà văn. Viết về cõi âm giới, địa phủ về cuộc sống của những bóng ma, những tâm sự của người đã chết…Nguyễn Bình Phương đã mượn yếu tố huyền thoại, kỳ ảo để đưa người đọc đến một miền hiện thực kỳ lạ, huyền bí ma quái qua đó có cái nhìn sâu sắc toàn diện hơn về hiện thực cuộc sống và có những điều

người ta không thể nói hết ở cõi dương gian sẽ được thể hiện một cách rành mạch, rõ ràng trong cõi âm.

Một phần của tài liệu Đặc điểm tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương trong tiến trình đổi mới tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Trang 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)