b) Các yếu tố của năng lực NC&TK
1.2.1. Mối quan hệ giữa khoa học và công nghệ
Giai đoạn ban đầu của lịch sử phát triển KH&CN, công nghệ phát triển trên cơ sở các kinh nghiệm tích luỹ được và qua đó kích thích khoa học phát triển để giải thích những kinh nghiệm đó. Từ cuộc cách mạng công nghiệp ở cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, nhiều lĩnh vực, ngành công nghệ rất xa nhau đã có sự tăng trưởng phi thường dựa trên các nền tảng thành tựu của khoa học. Tại thời điểm đó, đã hình thành xu hướng công nghệ đi sau khoa học, ngược lại với quá trình trước kia. Mối quan hệ giữa khoa học và công nghệ đã trở nên rõ nét, gắn bó hơn và hình thành hai cách tiếp cận: i) có thể tìm kiếm cơ hội triển khai công nghệ mới từ các phát triển trong nghiên cứu khoa học; ii) sự triển khai giải pháp công nghệ mới nhằm đáp ứng một nhu cầu KT-XH sẽ kích thích các nghiên cứu khoa học. Việc áp dụng các thành tựu khoa học giúp rút ngắn được thời gian triển khai các công nghệ mới. Về phần mình, công nghệ lại cung cấp phương tiện giúp nâng cao năng lực, rút ngắn thời gian trong nghiên cứu khoa học.
Như vậy quan hệ giữa khoa học và công nghệ là mối quan hệ hữu cơ giữa hai lĩnh vực không tách rời nhau, cùng tác động vào nhau và thúc đẩy nhau phát triển. Tuy nhiên cũng cần lưu ý đến những điểm khác biệt nhau giữa khoa học và công nghệ. Theo PGS.TS Vũ Cao Đàm, có các điểm khác nhau cơ bản như sau:
- Tri thức về khoa học là tri thức hiểu: Hệ thống tri thức về quy luật sự vật. Tri thức về công nghệ là tri thức làm: hệ thống tri thức về các giải pháp hành động.
- Sản phẩm của khoa học khó định hình trước. Sản phẩm của công nghệ được xác định trước theo thiết kế, nếu sai so thiết kế bị xem là phế phẩm.
- Hoạt động khoa học luôn đổi mới, có kế thừa, không lặp lại. Hoạt động của công nghệ lặp lại theo chu kỳ chế tạo sản phẩm.
- Quá trình hoạt động khoa học mang tính xác suất, có tính rủi ro. Quá trình hoạt động của công nghệ mang tính tin cậy cao trên cơ sở một quy trình đã được nhà chế tạo chuẩn hoá và được người sản xuất làm chủ.
- Sản phẩm khoa học (phát minh, phát hiện) tồn tại mãi với thời gian. Sản phẩm công nghệ (sáng chế) tồn tại nhất thời và tiêu vong theo sự tiến bộ kỹ thuật.
- Lao động khoa học mang tính linh hoạt và sáng tạo. Lao động công nghệ được định khuôn chặt chẽ theo quy trình.