Giải pháp này để giải quyết những hạn chế do nguyên nhân thứ nhất, thứ hai, thứ tư, thứ sáu đã nêu ở trên
- Cải tiến phương thức, thủ tục cho vay… theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng của chương trình Cho vay giải quyết việc làm được vay vốn và sử dụng các dịch vụ ngân hàng khác, khắc phục tình trạng
cho vay mức vay như nhau với tất cả các món, thời hạn cho vay không phù hợp với khả năng trả nợ của người vay. Nên rút ngắn thời gian NHCSXH hoàn thiện thủ tục phát tiền vay đến người vay kể từ khi nhận được quyết định phê duyệt cho vay và hồ sơ hợp lệ từ 10 ngày xuống mức tối thiểu có thể thực hiện.
- Thời hạn, mức cho vay được xác định phù hợp với nhu cầu vay vốn, chu kỳ sản xuất, kinh doanh của cây trồng, vật nuôi và khả năng hoàn trả nợ của hộ nghèo, hộ gia đình, cá nhân. Đối với những hộ chăn nuôi gia súc, trồng cây công nghiệp dài ngày, lâm nghiệp thì tăng thời hạn cho vay đến 7 năm.
Việc định kỳ hạn trả nợ gốc và lãi phải phù hợp với mùa vụ và thu nhập của hộ gia đình, cá nhân. Đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân không có khả năng trả nợ do nguyên nhân khách quan, NHCSXH có thể xem xét gia hạn nợ.
- Các tài sản bảo đảm, thế chấp phải quy định rõ ràng, nhất là trường hợp tín chấp với các món vay dưới 30 triệu đồng; phải nêu rõ được trách nhiệm của người đứng ra bảo lãnh, nếu không thu hồi được thì phải có biện pháp xử lý hiệu quả.
- Xây dựng các dự án để hỗ trợ sản xuất, phát triển ngành nghề, tạo việc làm gắn với xoá đói giảm nghèo ở những vùng có điều kiện khó khăn. Các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp để chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn; tập trung xây dựng các dự án trợ giúp xoá đói giảm nghèo và giải quyết việc làm, phát triển vùng sản xuất nông nghiệp, trồng rừng tập trung. Phát triển sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống, chế biến nông, lâm hải sản, xây dựng mô hình liên kết doanh nghiệp với hộ dân để phát triển vùng nguyên liệu bền vững, giúp hộ dân tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, văn hóa, giáo dục…
- Huy động tối đa nguồn vốn tại chỗ, cùng với việc tăng nguồn vốn hỗ trợ của TW và thu hút mạnh các nguồn vốn từ các vùng khác, nguồn tại trợ quốc tế để đáp ứng nhu cầu vay vốn của các đối tượng cần giải quyết việc làm.
- Tập trung nguồn vốn tín dụng ưu đãi hiện đang phân tán ở nhiều kênh, nhiều tổ chức vào một mối là NHCSXH để phân bổ vốn vay hợp lý, có hiệu quả.
- Nhà nước bổ sung và cấp đủ vốn điều lệ cho NHCSXH, dự kiến đến năm 2010 vốn điều lệ khoảng 10.000 tỷ đồng. NHCSXH cần thực hiện cơ chế tự chủ theo hướng tăng nhanh năng lực tài chính, được chủ động huy động các nguồn vốn từ thị trường trong nước để cho vay. Hàng năm ngoài việc xin cấp vốn điều lệ và các các nguồn khác có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước, cần tranh thủ khai thác các nguồn vốn ổn định, bền vững như vay vốn ODA, phát hành trái phiếu Chính phủ,… đặc biệt là trái phiếu dài hạn 5,10,15,20 năm; trình Chính phủ cho phép được huy động tiền gửi 2% đối với tất cả các đối tượng có hưởng lợi trong thanh toán, coi đây là sự đóng góp của các tổ chức này vào công cuộc xoá đói giảm nghèo và giải quyết việc làm của Đảng và Nhà nước.
- Các địa phương giành lại một phần vốn ngân sách địa phương từ tăng nguồn thu trong kế hoạch hàng năm để cân đối nguồn vốn tín dụng Cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn. Đối với các địa phương có khả năng về ngân sách có kế hoạch bổ sung thêm vốn uỷ thác cho NHCSXH, cho vay theo các chương trình, dự án chỉ định của địa phương.