Nhóm giải pháp về nhận thức

Một phần của tài liệu Gia đình với việc hình thành và phát triển nhân cách cho trẻ em ở ngoại thành Hà Nội hiện nay (Trang 96)

Nhiều nghiên cứu cho rằng trình độ văn hóa luôn đóng vai trò quyết định và tỷ lệ thuận với những tiến bộ, những giá trị mới của mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống gia đình hiện nay. Trình độ văn hóa cao sẽ làm thay đổi nhận thức, quan niệm thái độ hành vi của cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình. Trình độ văn hóa cao sẽ giúp các bậc cha mẹ thực hiện các chức năng của mình có hiệu quả bằng những ứng xử thích hợp, đảm bảo cho quan hệ gia đình trở nên tốt đẹp, quan hệ vợ chồng trở nên bình đẳng hơn.

Trong gia đình, cha mẹ là những người chịu trách nhiệm chính trong việc hình thành nhân cách cho trẻ, bởi vậy việc giáo dục trẻ không thể mang lại kết quả như mong muốn một khi trình độ dân trí nói chung, năng lực giáo dục của các bậc cha mẹ nói riêng thấp kém. Từ thực trạng giáo dục trong các gia đình ở ngoại thành Hà Nội nói chung và 4 huyện ngoại thành nói riêng cho thấy, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em hiện nay ở ngoại thành Hà Nội bị ảnh hưởng bởi những tệ nạn xã hội là do trình độ văn hóa năng lực của một bộ phận cha mẹ không đáp ứng được việc truyền thụ và giáo dục con cái, ý thức trách nhiệm cũng như nội dung phương pháp giáo dục còn hạn chế và bất cập, chưa thực sự là tấm gương sáng về đạo đức, lối sống để con cái noi theo. Trong khi đó tệ nạn xã hội đang len lỏi vào mọi ngõ ngách, có nguy cơ xâm hại đến mọi gia đình thì vấn đề nâng cao nhận thức cho các bậc cha mẹ là vô cùng quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả của gia đình trong việc hình thành và phát triển nhân cách cho trẻ em ở ngoại thành Hà Nội.

Hiện nay, các gia đình ở ngoại thành Hà Nội nói chung và 4 huyện ngoại thành nói riêng, nhìn chung điều kiện học tập, nâng cao kiến thức còn nhiều hạn chế, nhất là một số xã nghèo như xã Vân Nam, Vân Hà (Phúc Thọ), đời sống các gia đình còn nhiều khó khăn. Cha mẹ không có điều kiện chăm

sóc giáo dục con em mình một cách đầy đủ, các em phải tham gia lao động từ nhỏ, thời gian lao động của một số em chiếm hết thời gian học tập. Không chỉ tồn tại với các gia đình kinh tế khó khăn mà ở các gia đình kinh tế phát triển, làng nghề phát triển như ở xã Dương Liễu (Hoài Đức), cũng có nhiều gia đình chưa thực sự quan tâm đến vấn đề học tập nâng cao kiến thức cho các thành viên trong gia đình.

Để phát huy vai trò của gia đình trong việc hình thành nhân cách cho trẻ em, trước hết bản thân cha mẹ ở ngoại thành Hà Nội phải là người kiến thức, kinh nghiệm. Nếu cha mẹ không có kiến thức sẽ rất lúng túng trước những biến đổi của xã hội, của cuộc sống, có khi vô tình đẩy con mình vào tệ nạn xã hội. Trước đây trong giáo dục con cái, cha mẹ chỉ cần có một số kinh nghiệm rút ra từ bản thân hoặc là kinh nghiệm của anh em, bà con dòng tộc là đủ. Thậm chí cha mẹ có thể dạy con bằng phương pháp cưỡng bức, áp đặt. Ngày nay, muốn giáo dục tốt con em mình, đầu tiên là cha mẹ phải thường xuyên học tập nhằm nâng cao trình độ, không ngừng hoàn thiện bản thân và là tấm gương ham học tập để con cái noi theo. Sự tu dưỡng, gương mẫu của cha mẹ sẽ tạo uy tín cho con cái. Sự hiểu biết có tác động củng cố cho uy tín của cha mẹ, đồng thời có năng lực giáo dục con cái.

Phát triển lành mạnh và trở thành người có ích cho gia đình, xã hội, tránh sự sa ngã hư hỏng của trẻ là công việc cần được các thành viên trong gia đình quan tâm. Tuy nhiên trong gia đình việc quản lý và kiểm soát đối với trẻ không thể bằng những nội quy, quy chế và luật lệ như kiểm soát và quản lý của xã hội. Nó được thực hiện một cách mềm dẻo bằng tình cảm sự hòa đồng và lực lượng quản lý và giám sát không chỉ là các thành viên trong gia đình mà phải mở rộng ra các thành viên trong họ tộc thân tộc và cả cộng đồng làng xã. Đồng thời việc quản lý giám sát của gia đình đối với trẻ không chỉ bó gọn trong thời gian không gian, công việc trong gia đình mà phải mở rộng ra ở các nhóm bạn, những ham muốn, những mối quan tâm cũng như

những gì cuốn hút trẻ ngoài xã hội. Mặt khác khi gia đình thực hiện quản lý và kiểm soát đối với trẻ để ngăn chặn chúng không bị lôi cuốn vào các hoạt động xấu, lệch chuẩn hay các tệ nạn xã hội thì cần phải phối hợp kết hợp với nhà trường và các tổ chức xã hội khác, kể cả các cơ quan thi hành pháp luật. Đây thực sự là một công việc thường trực và hết sức khó khăn đối với các gia đình ở ngoại thành Hà Nội, đòi hỏi các gia đình phải phát huy hết các sức mạnh vốn có của mình, vừa đòi hỏi các thành viên trong gia đình phải góp công sức và phải là tấm gương sáng để trẻ noi theo.

Để nâng cao kiến thức và năng lực giáo dục cho các bậc cha mẹ, ngoài sự nỗ lực của bản thân cha mẹ, Các tổ chức chính quyền từ trung ương đến địa phương cần có chính sách giáo dục, chú ý đến các chương trình học tập cho người lớn. Chỉ có nâng cao học vấn, kiến thức thức và năng lực giáo dục mới là giải pháp cơ bản để tăng cường và nâng cao vai trò của gia đình. Đối với chương trình giáo dục cho người lớn, cho các bậc cha mẹ, cần phải được trang bị kiến thức cơ bản, toàn diện nhất là những kiến thức thuộc lĩnh vực đạo đức,... Kết quả giáo dục con em, sự phát triển nhân cách của mỗi đứa trẻ phần lớn phụ thuộc vào trình độ năng lực giáo dục của cha mẹ chúng.

Muốn vậy cần tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng và sự quản lý của chính quyền các cấp về vấn đề gia đình, nhất là các gia đình vùng nông thôn ở các huyện, chẳng hạn như huyện Phúc Thọ. Cần phải có nhiều chủ trương, đường lối và ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết nhằm tăng cường công tác nghiên cứu và chỉ đạo vấn đề gia đình và vai trò của gia đình trong việc hình thành nhân cách cho trẻ em.

Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân các huyện cần tiến hành chỉ đạo các cấp các ngành, các đoàn thể các tổ chức xã hội có nhiều hoạt động thiết thực như phát động các phong trào, cuộc vận động lớn có liên quan đến vấn đề xây dựng gia đình và phát huy vai trò của gia đình. Đưa vấn đề gia đình vào kế hoạch công tác hàng năm. Riêng cấp ủy đảng ở cơ sở phải

phát huy tính tích cực chủ động và tăng cường công tác kiểm tra giám sát thực hiện các hoạt động về xây dựng gia đình và vai trò của gia đình tại cộng đồng một cách có hiệu quả.

Trong điều kiện kinh tế của một số gia đình ở một số thôn xã hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, chưa có điều kiện để hưởng thụ văn hóa, một số bậc cha mẹ ở nông thôn còn hạn chế về kiến thức văn hóa xã hội. Vì vậy các cấp chính quyền cần đầu tư khôi phục hoặc làm mới hệ thống loa truyền thanh công cộng, hệ thống nhà văn hóa của từng thôn, xã để các gia đình, các cá nhân đặc biệt là các bậc cha mẹ có thể theo dõi thông tin, nắm bắt tình hình thị trường, học hỏi kinh nghiệm cũng như kiến thức về khoa học công nghệ phục vụ sản xuất, phương pháp tổ chức cuộc sống gia đình, cũng như hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần chung.

Đối với các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội cần phối hợp đồng bộ tổ chức bồi dưỡng, tuyên truyền động viên các gia đình thực hiện các phong trào hoạt động về nguồn như đền ơn đáp nghĩa, thăm lại chiến trường xưa, phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng; tham gia hội thảo, tọa đàm, thi tìm hiểu, giao lưu, văn hóa, văn nghệ... tạo điều kiện cho các bậc cha mẹ ở địa phương gia sức học tập, phấn đấu vươn lên, phát huy vai trò của mình trong gia đình và ngoài xã hội.

Do nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của gia đình và tính cấp thiết của việc xã hội hóa các vấn đề gia đình nên nhìn chung các ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức chính trị xã hội đều đặc biệt quan tâm đến vấn đề gia đình, đặc biệt là đối với các gia đình ở nông thôn. Các ban ngành đoàn thể cần có sự phối hợp chặt chẽ nhằm xây dựng một gia đình theo chuẩn mực: “no ấm, tiến bộ, hạnh phúc thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội”.

Một phần của tài liệu Gia đình với việc hình thành và phát triển nhân cách cho trẻ em ở ngoại thành Hà Nội hiện nay (Trang 96)